Giá cà phê tăng vọt khi nông dân chuyển sang trồng sầu riêng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá cà phê Robusta quốc tế đã đạt mức cao mới do ảnh hưởng của thời tiết không thuận lợi, mức tiêu thụ gia tăng ở châu Á và nhu cầu về quả sầu riêng ở Trung Quốc.
Giá cà phê tăng vọt khi nông dân chuyển sang trồng sầu riêng

Giá cà phê Robusta tương lai tại London đã đạt mức cao mới vào cuối tháng 4 khi lên tới 4.500 USD/tấn. Mặc dù thị trường đã hạ nhiệt sau đó nhưng giá vẫn cao hơn nhiều so với thời điểm cuối năm ngoái.

Việt Nam được xếp hạng là nước sản xuất hạt cà phê lớn thứ hai thế giới và là nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất. Tuy nhiên, nhiều nông dân trong nước đang chuyển sang trồng sầu riêng.

Được mệnh danh là “vua của các loại trái cây”, sầu riêng đã trở nên rất phổ biến ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Theo báo cáo địa phương, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc đã vượt 2 tỷ USD vào năm 2023, gấp hơn 5 lần so với năm trước và dự kiến sẽ tăng trưởng hơn nữa trong năm nay.

Việc nhiều nông dân chuyển sang trồng sầu riêng đã làm giảm diện tích trồng cà phê và góp phần làm giảm nguồn cung. Cà phê phát triển tốt nhất ở vùng nhiệt đới và nỗ lực chống nạn phá rừng ngày càng tăng khiến việc tìm đất mới để trồng cà phê ngày càng khó khăn.

Xu hướng này xuất hiện trong bối cảnh nguồn cung ngày càng khan hiếm do hiện tượng thời tiết El Nino gây ra hạn hán ở khu vực Đông Nam Á.

Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) báo cáo rằng, sản lượng cà phê của Việt Nam đạt tổng cộng 29,2 triệu bao loại 60 kg từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một yếu tố khác là các công ty lớn của châu Âu và Mỹ đang chuyển từ giống Arabica cao cấp - chủ yếu được sản xuất ở Trung và Nam Mỹ - sang loại cà phê Robusta tương đối rẻ hơn để ứng phó với chi phí vận chuyển và nhiên liệu tăng cao.

Ngoài ra, các yếu tố mang tính cơ cấu như mức tiêu dùng ngày càng tăng ở Đông Nam Á và Trung Quốc cũng góp phần thúc đẩy giá cà phê Robusta. Từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023, mức tiêu thụ cà phê Robusta ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt tổng cộng 44,5 triệu bao, chiếm hơn 25% tổng lượng tiêu thụ của thế giới và tăng 12% so với 4 năm trước đó. Trong khi đó, tiêu thụ toàn cầu nói chung chỉ tăng 1% trong giai đoạn này.

Tiêu thụ ở các nước sản xuất cà phê ở Đông Nam Á trước đây chủ yếu là cà phê chất lượng thấp không phù hợp để xuất khẩu. Tuy nhiên, với sự phát triển của Starbucks và các cửa hàng cà phê khác, nhu cầu địa phương về hạt cà phê chất lượng cao đang tăng lên.

Hạc Hiên
Theo Nikkei Asia

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục