Cà phê Việt ứng xử với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng

0:00 / 0:00
0:00
Giá cà phê liên tục lập đỉnh, đẩy doanh nghiệp vào tình trạng không có hàng để giao cho đối tác. Điều này có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng cà phê, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín của ngành cà phê Việt Nam với đối tác nước ngoài.
Việt Nam đứng đầu thế giới về sản lượng cà phê robusta Ảnh: Đức Thanh Việt Nam đứng đầu thế giới về sản lượng cà phê robusta Ảnh: Đức Thanh

Giá cà phê “nhảy múa”

“Khó bán quá. Các đơn hàng cà phê giao trong nước lẫn quốc tế của Công ty đều đối diện với vấn đề đàm phán nhiều lần, nhưng không chốt được, vì giá quá cao. Tăng giá thì khách không mua, còn nếu giữ giá cũ thì Công ty bị lỗ”, Y Pốt Niê, nhà sáng lập, Giám đốc Công ty TNHH Ê Đê Café than thở về tình trạng kinh doanh thời gian gần đây.

Không chỉ khó bán, ngay cả hoạt động thu mua của Công ty cũng gặp trở ngại. Giai đoạn trước, Ê Đê Cafe đã liên kết với 50 hộ dân trong buôn Kla (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) để mở rộng vùng nguyên liệu lên hơn 100 ha cà phê robusta, đồng thời hướng dẫn người dân quy trình canh tác hữu cơ và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Tuy nhiên, khi giá tăng cao, các hộ dân phá vỡ hợp đồng, găm hàng không bán cho doanh nghiệp.

“Chỉ vài hộ trong vài chục hộ tuân thủ hợp đồng. Sau này cũng không dám hỗ trợ bà con như vậy nữa”, Y Pốt Niê tâm sự.

Số liệu thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, giá cà phê liên tục ghi nhận những đỉnh cao mới. Từ mốc 70.000 đồng/kg vào đầu tháng 1/2024 - mức giá cao nhất trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam - giá cà phê tăng dần lên và vượt qua mốc 100.000 đồng/kg. Kỷ lục mới không ngừng xô đổ kỷ lục cũ, đến nay, giá cà phê đã vượt mốc 130.000 đồng/kg.

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), giá cà phê tăng phi mã xuất phát từ sự thiếu hụt nguồn cung. Những năm trước, năm nào Việt Nam cũng tồn kho khoảng 120.000 - 150.000 tấn cà phê, nhưng trong niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau), sản lượng tồn kho rất thấp, chỉ bằng 50% so với những năm trước đó. Trong khi đó, sản lượng của niên vụ 2023 - 2024 ước tính giảm 10%, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cụ thể là hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê.

Chỉ có liên kết mới ổn định được sản xuất và là tiền đề để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam.

Trên bình diện thế giới, do chiến tranh và tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ, các nhà rang xay cà phê ở châu Âu tìm cách tăng dự trữ trong bối cảnh lo ngại về chuỗi cung ứng, tạo sức ép khiến giá cà phê càng tăng cao hơn nữa.

Về xu hướng giá cà phê sắp tới, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa cho rằng, rất khó dự đoán. Cũng như trước đây, không có chuyên gia cà phê nào có thể dự đoán giá cà phê trong nước có thể lên đến 100.000 đồng/kg, hay mức giá 120.000 đồng/kg từng được cho là “không thể tưởng tượng”.

"Tuy nhiên, một điều chắc chắn là, giá cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao", ông Nguyễn Nam Hải khẳng định.

Nhiều mắt xích trong chuỗi cung ứng lao đao

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và là quốc gia đứng đầu về sản lượng cà phê robusta. Trong vòng 10 năm trở lại đây, cà phê luôn nằm trong nhóm nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đem về hàng tỷ USD mỗi năm.

Vì vậy, khi giá cà phê tăng cao bất thường, hàng loạt doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng cà phê trong nước và quốc tế bị ảnh hưởng.

Bà Văn Thị Loan, Giám đốc Công ty TNHH Real Bean Coffee (TP. Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, hiện nay, doanh nghiệp chỉ xuất khẩu bình quân 2 - 3 container cà phê/tháng, giảm 50% so với giai đoạn trước. Doanh nghiệp của bà Loan xoay xở bằng cách không ký hợp đồng dài hạn với đối tác ngoại, mà chốt giá theo thời điểm, đồng thời chấp nhận hòa vốn để giữ mối.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More (huyện Hóc Môn, TP.HCM) chia sẻ, giá nguyên liệu lên cao, nhưng doanh nghiệp không đủ nguồn cung. Từ đầu năm nay, các đối tác ngoại tìm đến mua hàng, nhưng Meet More đều từ chối, vì giá cà phê “như con ngựa bất kham”, càng nhận nhiều đơn hàng sẽ càng thêm lỗ. Họ chỉ có thể thu mua nguyên liệu nhỏ giọt để hoàn thiện các hợp đồng đã ký.

Không chỉ doanh nghiệp trong nước, biến động giá cả bất thường của ngành cà phê còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhiều doanh nghiệp đã tính đến việc tìm kiếm các nguồn cung thay thế, dù vẫn đánh giá cao chất lượng hạt cà phê robusta của Việt Nam.

Ông Edward Olivier Helmond, đại diện Công ty Neumann Gruppe Việt Nam cho biết, Công ty đã đồng hành cùng ngành cà phê Việt Nam trong 3 thập kỷ qua và đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy xuất khẩu cà phê Việt Nam. Trong suốt thời gian qua, cũng như các nhà xuất khẩu khác, Neumann Gruppe Việt Nam đối mặt với tình trạng nhà cung ứng chậm giao hàng, hủy không giao hàng, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và cả các bạn hàng trong lĩnh vực rang xay.

“Một số người bán hàng hủy hợp đồng đã ký trước đó để tìm kiếm khách hàng mới nhằm bán được giá cao hơn, nhưng chưa bị chế tài xử lý. Trong khi đó, vì bị chậm giao, hủy hợp đồng, các doanh nghiệp rang xay, chế biến buộc phải đi tìm nhà cung ứng khác, nhập khẩu cà phê nguyên liệu từ Brazil để duy trì hoạt động sản xuất. Đây là tiền lệ xấu, gây nguy hại cho uy tín của ngành cà phê Việt Nam với nhiều đối tác trên thế giới. Nếu kéo dài tình trạng này, cà phê Việt Nam sẽ đánh mất khách hàng, kể cả khách hàng truyền thống”, ông Edward Olivier Helmond bày tỏ lo ngại.

Đại diện Công ty Nestlé Việt Nam cho hay, cà phê robusta Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong công thức của Công ty. Mục tiêu đến năm 2025, doanh nghiệp sử dụng toàn bộ sản phẩm cà phê bền vững từ Việt Nam. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, do đứt gãy chuỗi cung ứng, Nestlé phải chuyển một phần sản lượng thu mua sang các nước khác. "Chúng tôi mong nguồn cung từ Việt Nam ổn định hơn", vị này nói.

Tìm lối thoát trong dài hạn

Trong bối cảnh giá cà phê rất khó đoán định, các chuyên gia đều tin rằng, mục tiêu xuất khẩu cà phê 5 tỷ USD trong năm 2024 là hoàn toàn trong tầm tay. Tuy nhiên, để ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững, các bên liên quan trong chuỗi cung ứng cà phê cần chia sẻ rủi ro, tăng cường hợp tác, hỗ trợ nhau.

Ông Nguyễn Nam Hải đề xuất, các doanh nghiệp FDI cần hợp tác với Vicofa nhiều hơn để có thể làm việc trực tiếp với những doanh nghiệp xuất khẩu lớn, uy tín cao; tránh tình trạng thu mua từ các đơn vị trung gian nhỏ lẻ, thiếu uy tín. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam nên hạn chế tình trạng mua xa - bán xa để đề phòng rủi ro. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ vốn từ các ngân hàng để có đủ vốn mua cà phê trong dân, vì giá cà phê liên tục tăng mạnh dễ gây thiếu hụt nguồn vốn mua hàng.

“Với các tranh chấp hợp đồng mua bán đã xảy ra, người mua và người bán nên cùng nhau đàm phán, thỏa thuận cùng chia sẻ rủi ro, tránh thiệt hại dồn cho một phía”, đại diện Vicofa khuyến nghị.

Dù xảy ra tình trạng “xù” hợp đồng, nhưng nhìn về toàn cảnh bức tranh của ngành, ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) đánh giá, phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã rất dũng cảm khi thực hiện hợp đồng. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chịu lỗ, mua vào giá cao, bán ra giá thấp để đảm bảo giao hàng cho đối tác. Tỷ lệ hủy hợp đồng chủ yếu rơi vào các nguồn cung ứng trung gian nhỏ lẻ.

Vấn đề của ngành cà phê trong dài hạn, theo ông Huy, là những thách thức lớn hơn, như tình trạng suy giảm diện tích vùng trồng, biến đổi khí hậu dẫn đến sụt giảm sản lượng. Điều này đòi hỏi các thành viên trong chuỗi cung ứng cà phê cần ngồi lại, trao đổi về các khó khăn và hợp tác trên tinh thần chia sẻ, cùng phát triển. Đồng thời, cần có sự chọn lọc, loại bỏ dần các đơn vị, đối tác kinh doanh thời vụ, không uy tín ra khỏi chuỗi cung ứng.

“Các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm khảo sát, thống kê diện tích cây cà phê thực tế để có dự báo chuẩn xác về sản lượng và tình hình cung - cầu. Những địa phương trồng cà phê trọng điểm ở khu vực Tây Nguyên cần có giải pháp để tăng sản lượng, chất lượng cà phê thông qua việc cải tạo giống, ứng dụng kỹ thuật canh tác mới, thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Lê Đức Huy khuyến nghị.

Về phía cơ quan quản lý, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt phụ trách phía Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, không chỉ cà phê, mà nhiều ngành nông sản khác của Việt Nam cũng gặp tình trạng mạnh ai nấy làm. Điều này dẫn đến tình trạng: khi nông dân thắng thì doanh nghiệp lỗ, khi doanh nghiệp lãi thì nông dân bị thiệt.

"Không cách nào khác là phải liên kết xây dựng vùng nguyên liệu ổn định về số lượng, chất lượng và hài hòa lợi ích các bên. Chỉ có liên kết mới ổn định được sản xuất và là tiền đề để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam", ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh.

Nhung Bùi
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục