Yêu cầu này vừa được Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi qua văn bản cho các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp tỉnh, thành phố; các cơ quan chuyên môn của địa phương.
Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các cơ quan chuyên môn phối hợp thực hiện thông báo và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi và cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Các đơn vị kiểm tra, đánh giá thực địa và tổng hợp danh sách vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi (quả có vỏ xanh, dừa gọt vỏ) và cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh (quả sầu riêng có vỏ, sầu riêng xay nhuyễn và cơm sầu riêng không có vỏ) có đủ hồ sơ, trang thiết bị máy móc đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu; sau đó gửi kết quả tổng hợp danh sách về Cục Bảo vệ thực vật trước ngày 1/4/2024.
Năm 2024, xuất khẩu rau quả kỳ vọng tiếp tục tạo sự bùng nổ nếu dừa tươi và sầu riêng đông lạnh được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, nếu sầu riêng đông lạnh Việt Nam được cấp phép, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ tăng thêm 30% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này mỗi năm. Còn dừa tươi được dự đoán sẽ mang về 500-600 triệu USD từ thị trường tỷ dân.
Trước đó, sầu riêng cũng được hưởng lợi khi Việt Nam ký kết nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc vào tháng 7/2022. Từ bước đà này, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tươi trong năm 2023 đã tăng kỷ lục, đạt khoảng 2,3 tỷ USD, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm 2022.