M&A bất động sản: Cờ về tay khối ngoại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ góp mặt nhiều hơn trong các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) lĩnh vực bất động sản, bởi nguồn tiền trong nước đang hạn hẹp, thanh khoản sụt giảm...
M&A bất động sản: Cờ về tay khối ngoại

Nhà đầu tư nước ngoài luôn “Yes”

Đây là khẳng định của bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam, khi nói đến những cơ hội trong hoạt động M&A mảng bất động sản hiện nay. Theo bà Trang Bùi, thị trường bất động sản Việt Nam ở thời điểm hiện tại vẫn còn non trẻ, có nhiều điểm cần điều chỉnh. Tuy nhiên, các quỹ đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm đến thị trường.

Vị CEO Cushman & Wakefield cho biết, trong danh sách các thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thị trường Việt Nam có những yếu tố nền tảng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Khi được hỏi có muốn đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam hay không, thì câu trả lời của các nhà đầu tư ngoại là “yes” (có).

Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho hay, kinh tế Việt Nam so với nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang có các tín hiệu tích cực, giúp thu hút sự quan tâm của dòng vốn ngoại. Đầu tư trực tiếp nước ngoài là nguồn vốn đáng tin cậy đối với các doanh nghiệp bất động sản trong nước.

Chỉ trong 6 tháng qua, Savills Việt Nam đã đón tiếp nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia cấp cao tại các thị trường lớn trên thế giới và hơn 50 đại diện của dịch vụ tư vấn khách thuê bất động sản thương mại xuyên biên giới ở Mỹ, Anh, Trung Đông, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đông Nam Á…, tất cả đều bày tỏ sự quan tâm đến thị trường Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, bán lẻ, logistics, văn phòng và nhà ở.

“Việc Việt Nam liên tục được chọn là điểm đến của các tập đoàn đa quốc gia cho thấy sức hút mạnh mẽ của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư, bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động”, ông Neil MacGregor nói.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 2022 nhận xét, môi trường kinh tế thế giới biến động như hiện nay sẽ tạo ra các điều kiện để kích hoạt những cơ hội M&A mới. Thị trường M&A tại Việt Nam đang giống như một chiếc lò xo bị nén, chỉ chờ cơ hội bật lên.

Đồng quan điểm, ông Peter Chi Lok Woo, Chủ tịch MAA Capital, một đơn vị tư vấn tài chính và M&A dự báo, năm 2023, có rất nhiều cơ hội M&A hấp dẫn ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, cho cả bên bán và bên mua. Theo đó, hoạt động M&A lĩnh vực bất động sản sẽ duy trì đà tăng trưởng cao.

Dưới góc độ là nhà đầu tư đã tham gia thị trường bất động sản Việt Nam từ giai đoạn khó khăn 2008 - 2012, bà Khanh Nguyễn, Giám đốc Khối Phát triển kinh doanh, Công ty Gamuda Land cho hay, Tập đoàn Gamuda Land vào Việt Nam từ năm 2010, vì coi đây là thị trường nhiều tiềm năng.

“Thời điểm đó, những khu vực chúng tôi chọn không quá cạnh tranh, nhưng chúng tôi đã chứng minh và thành công với hướng đi đó. Giá trị chúng tôi mang lại phát triển nhiều mảng xanh và môi trường bền vững tại các dự án. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, chúng tôi vẫn cam kết đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam.

Những giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản Việt Nam trước đây, chúng tôi vẫn quyết định đầu tư và đã vượt qua. Hiện tại, chúng tôi coi là một giai đoạn điều chỉnh tiếp theo của thị trường. Chúng tôi đang mong đợi sự điều chỉnh về hành lang pháp lý vào năm 2023 để thị trường phát triển bền vững hơn”, bà Khanh Nguyễn chia sẻ.

Giải pháp vốn an toàn cho các doanh nghiệp

Nhiều cuộc thăm dò đã chỉ ra xu hướng M&A tại Việt Nam sẽ tăng tốc trong thời gian tới. Đáng chú ý, khi nhiều doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn trong việc triển khai dự án thì phương án tìm đối tác sáp nhập hoặc chuyển nhượng dự án được xem là lối ra.

Như trường hợp của LDG Group, doanh nghiệp này vẫn còn các dự án dang dở, không thể triển khai tại TP.HCM bởi vướng pháp lý lẫn dòng tiền.

Đại diện LDG Group cho biết, Công ty sẽ huy động vốn từ bên ngoài và sử dụng nguồn tiền có sẵn để tiến hành thu hồi sản phẩm, đảm bảo lợi ích cho khách hàng, đồng thời dự phòng rủi ro pháp lý. Trong điều kiện thuận lợi, nếu thu hồi được toàn bộ sản phẩm, doanh nghiệp sẽ tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng lại dự án.

M&A được xem là con đường ngắn nhất để các dự án bất động sản đang thiếu vốn triển khai đúng tiến độ.

Trong bối cảnh thị trường đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hoạt động tái cơ cấu của các doanh nghiệp bất động sản như LDG Group tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động M&A.

Đây vừa là cơ hội, vừa là giải pháp khả dĩ để khối ngoại tối ưu giá trị đầu tư ở Việt Nam. Tuy nhiên, các phương thức M&A gần đây có nhiều thay đổi, các thương vụ thâu tóm, mua đứt bán đoạn dần ít đi, mà thay vào đó là liên doanh, liên kết.

Chẳng hạn, vào tháng 8/2022, Tập đoàn Danh Khôi đã có thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Tokyu Corporation tại dự án nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Tokyu góp 49%, tương ứng 490 tỷ đồng.

Trước đó, tháng 6/2022, thương vụ M&A của Công ty cổ phần Công nghiệp Logistics KTG & Bousteak và Bousteak Projects (Singapore) ghi nhận con số thoả thuận lên tới 6,9 triệu USD. Tương tự, Warburg Pincus (Mỹ) rót 250 triệu USD vào Khu nghỉ dưỡng Tropicana của Novaland…

Từ góc nhìn đầu tư, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam nhận định, hoạt động M&A sẽ đóng vai trò then chốt để “giải cứu” các nhà phát triển bất động sản trong nước, cũng như phù hợp với tâm lý đầu tư của các nhà giao dịch tin tưởng vào tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam.

Đối với nhà giao dịch là các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, hoặc các nhà phát triển lớn, M&A là chiến lược tăng trưởng nhanh, hiệu quả để tối ưu hóa danh mục đầu tư, tăng cường năng lực tài chính.

M&A đang được kỳ vọng là chiếc chìa khóa để giải bài toán cùng thắng (win-win) cho thị trường bất động sản, đồng thời trở thành động lực giúp thị trường thoát khỏi tình trạng trầm lắng, dần trở nên sôi động hơn trong thời gian tới.

Nhận định chung về thị trường M&A giai đoạn 2023 - 2024, ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho biết, điều kiện thị trường năm nay ghi nhận những khó khăn do xung đột Nga - Ukraine, hay kinh tế Mỹ, châu Âu mấp mé bờ vực suy thoái, dẫn đến khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư suy giảm. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam vẫn là điểm sáng nếu so sánh với các thị trường khác trong cùng hoàn cảnh là kinh tế thế giới đang gặp khó khăn.

“Chúng tôi vẫn lạc quan một cách khiêm tốn về triển vọng của thị trường trong năm 2023 và 2024”, ông Ái nói và cho rằng, thị trường thời gian tới sẽ là thị trường của người mua, chứ không phải của người bán. Đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp mặt nhiều hơn ở phía bên mua, bởi vì nguồn tiền trong nước đang hạn hẹp khi lãi suất tăng lên và thanh khoản sụt giảm, buộc doanh nghiệp phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư do sức ép về tài chính.

Tăng Triển - Việt Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục