Lý do khiến thương mại điện tử chưa thể “đè bẹp” cửa hàng truyền thống?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử, nhất là trong giai đoạn đại dịch có thời điểm đe dọa tới khả năng phục hồi của bán lẻ truyền thống.
Ảnh: Bình Minh. Ảnh: Bình Minh.

Chính sự lên ngôi của thương mại điện tử từng khiến nhiều người tin rằng, mô hình bán lẻ truyền thống đã hết thời. Tuy nhiên, thị trường luôn có cách vận hành rất khác và điều này chưa thể xảy ra.

Nghiên cứu từ Savills Impacts cho hay, sẽ phải rất lâu nữa, thương mại điện tử mới có thể lấn át bán lẻ truyền thống.

Thực tế, các hoạt động thương mại điện tử đang đối mặt với hàng loạt các vấn đề về leo thang chi phí hoạt động cùng chính sách trả hàng đắt đỏ, khiến lợi nhuận giảm đi rõ rệt. Điều này dẫn đến lợi thế cho các nhà bán lẻ đa kênh uy tín, những bên sở hữu và vận hành kênh bán hàng truyền thống và trực tuyến.

Sau dịch, người tiêu dùng có nhu cầu tìm lại sự kết nối với cộng đồng và cảm nhận không gian công cộng. Đồng thời, sự thuận tiện của thương mại điện tử đã mang tới tư duy mua sắm “ngay lập tức” cho khách hàng. Vì vậy, các không gian bán lẻ thoải mãn được cả yếu tố thực tế và trực tuyến được xem là hướng phát triển mới của các thương hiệu trong tương lai.

Trên thực tế, nghiên cứu của Savills Impacts cho thấy đã có những tín hiệu cho thấy ngành bán lẻ truyền thống đang trên đà trở lại. Xu hướng này chưa xuất hiện trên toàn cầu nhưng đã được ghi nhận tại một số thị trường. Khi thương hiệu tiếp tục lựa chọn mở cửa hàng tại những điểm bán lẻ quan trọng và tỷ lệ mặt bằng bán lẻ trống đang giảm dần. Một số thương hiệu cao cấp thậm chí còn đẩy mạnh mở thêm cửa hàng tại những địa điểm mới.

Ông Sam Foyle, Giám đốc Bộ phận Bán lẻ cao cấp, Savills cho biết ngày càng nhiều thương hiệu mở thêm cửa hàng thực tế. Trên toàn cầu, nhiều nhãn hàng dù đã có cửa hàng tại vị trí đắc địa nhưng vẫn tiếp tục kế hoạch mở rộng thêm tới các mặt bằng cao cấp hoặc địa điểm quy tụ nhiều khách du lịch. Một số lại dịch chuyển từ các con phố mua sắm sầm uất sang những địa điểm danh tiếng, thậm chí có trường hợp rời cửa hàng hẳn ra những vùng ngoại ô giàu có.

Tín hiệu phục hồi của ngành bán lẻ hiện đang rõ ràng hơn tại các thành phố lớn. Tỷ lệ trống tại các khu phố thương mại chính đang giảm, và các thương hiệu đang tận dụng lợi thế giá thuê để quay trở lại các điểm nóng mua sắm. Giá thuê bán lẻ cao cấp hiện vẫn ở mức thấp hơn trước đại dịch, trở nên hợp lý với ngân sách, khiến các nhà bán lẻ có thể chi trả được tại các vị trí đắc địa hơn.

Theo Savills Impacts, trong hai năm trở lại đây, giá thuê mặt bằng cao cấp tại các tuyến phố mua sắm nổi tiếng tại Toronto, London, Sydney hay Hong Kong (Trung Quốc) đã tăng trung bình khoảng 7% (số liệu ghi nhận tại quý I/2023). Tuy nhiên, mức này hiện vẫn thấp hơn ít nhất 10% so với năm 2019.

Không nằm ngoài xu hướng của thế giới, bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam dù ghi nhận tốc độ phát triển nhanh chóng nhưng tầm quan trọng của các cửa hàng thực tế vẫn còn đó.

Bà Hoàng Diệu Trang, Quản lý Cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội nhận định, tại thị trường toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, bán lẻ truyền thống và bán lẻ trực tiếp là hai chiến lược bổ trợ lẫn nhau mà các nhãn hàng đang áp dụng.

Nền tảng trực tuyến được sử dụng với mục đích tiếp cận cộng động trực tuyến và tập trung vào doanh số bán hàng. Trong khi đó, các cửa hàng trực tiếp lại mang lại các giá trị vô hình từ trải nghiệm, đặc biệt đối với phân khúc cao cấp, cửa hàng thực tế hỗ trợ tối đa hóa trải nghiệm để xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa khách hàng và thương hiệu.

"Sự cạnh tranh đối với các vị trí đắc địa, có lưu lượng khách hàng lớn tại các tuyến phố mua sắm và trong các trung tâm mua sắm vẫn rất khốc liệt. Do đó, tập trung mang lại trải nghiệm cho khách hàng tại các cửa hàng thực tế vẫn là điều mà nhiều thương hiệu lưu tâm", bà Trang nói.

Bình Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục