Luật sư Vũ Minh Tiến: Bất động sản xanh, thị trường đang thiếu một quy chuẩn đánh giá chung

(ĐTCK) Thương mại điện tử là cách nhanh nhất và ngắn nhất để giảm khí thải carbon. Tại Việt Nam, thương mại điện tử là công cụ rất hiệu quả để đi sâu vào các thị trường quốc tế, tránh hàng rào thuế quan, kỹ thuật, để vào EU, Mỹ, các cường quốc nhập khẩu hàng hoá nhiều.
Theo ông Vũ Minh Tiến, thị trường đang thiếu một quy chuẩn, quy luật, để thống nhất về mặt cách hiểu, thẩm định về tiêu chuẩn, quy chuẩn đánh giá một dự án xanh. Ảnh Dũng Minh

Quan điểm trên được ông Vũ Minh Tiến, Thành viên HĐQT VIAD Group chia sẻ bên lề Hội thảo "Tiên phong chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn" do Báo Đầu tư vừa tổ chức.

Về thị trường tín chỉ carbon và hướng đi mới cho Việt Nam, đến nay hầu hết các doanh nghiệp vẫn rất mơ hồ. Là công ty tư vấn, ông hãy chia sẻ thêm những thông tin mới nhất về việc dựng thị trường này?

Theo thoả thuận Paris, tín chỉ carbon là tài sản của mỗi quốc gia, vì thoả thuận Paris chỉ cho phép các nước phát triển và đang phát triển hợp tác với nhau để giảm khí thải. Từ đó, các nước phát thải nhiều cần bắt tay với các nước phát thải ít hơn, để cùng nhau xây dựng thị trường thông qua giao dịch tín chỉ carbon.

Tín chỉ carbon ở Việt Nam rất tiềm năng. Trong khoảng 10 năm gần đây, tín chỉ carbon được nhắc đến rất nhiều, tuy nhiên hành lang pháp lý để phát triển thành thị trường carbon thực sự ở Việt Nam còn thiếu. Tin mừng là năm 2028, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ cùng nhau xây dựng một thị trường carbon hoàn chỉnh, để Việt Nam tiếp cận thị trường tín chỉ carbon quốc tế, từ đó phát huy tiềm lực về tài nguyên, thiên nhiên, nguồn lao động, quản trị và giảm khí thải, để biến tín chỉ carbon ở Việt Nam thực sự thành tài sản vô cùng lớn đóng góp vào nền kinh tế.

Về cách tiếp cận của doanh nghiệp với tài chính chuyển đổi số, chuyển đổi kép, để vận hành thị trường tín chỉ carbon?

Tín chỉ carbon là câu chuyện lâu dài, do đó yếu tố tài chính là yếu tố đầu tiên. Theo tôi, các tổ chức phi chính phủ, các quỹ, các ngân hàng quốc tế đã bắt đầu quan tâm và có những gói tài chính thiết thực mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia. Tuy nhiên, chúng ta chưa có hành lang pháp lý để đánh giá đâu là một dự án xanh, đâu là dự án có thể cấp tín dụng xanh, từ đó doanh nghiệp bị bối rối khi áp dụng.

Để khắc phục những vấn đề này, một số tổ chức tài chính đã áp dụng những quy định quốc tế. Ví dụ, SeaBank áp dụng quy chuẩn tương tự Indonesia, phát hành trái phiếu xanh, lá trái phiếu xanh; BIDV cũng bắt đầu có những khoản tiền gửi đầu tiên mang tên là tiền gửi xanh.

Khi câu chuyện tài chính được giải quyết, có nghĩa là đầu vào ta đã có, thì vấn đề tiếp theo là đầu ra của câu chuyện tín dụng xanh. Vấn đề này rất cần cơ quan quản lý nhà nước quan tâm thúc đẩy, để khi xây dựng chính sách không có độ trễ, kịp thời đưa vào cuộc sống, giải ngân toàn bộ những khoản tín dụng xanh, cash xanh đang chờ cho nhà đầu tư.

Đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và một trong những mảng mới nổi hiện nay là thương mại điện, cần làm gì để tiếp cận các dòng tài chính xanh?

Chúng ta nhìn thấy xu hướng tất yếu của thị trường Việt Nam là dòng tiền thường hay đổ vào bất động sản, trải qua những thăng trầm của bất động sản, cốt lõi vấn đề là làm sao phát triển bất động sản xanh. Ở Việt Nam, khái niệm này không mới, đã nhìn thấy cách đây 20 năm, nhưng dự án được coi là bất động sản xanh chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Để nói về bất động sản xanh, bao gồm giao thông, hạ tầng, điện, năng lượng tái tạo, giảm rác thải…, phải đảm bảo xanh tất cả các yếu tố này thì mới được coi là bất động sản xanh. Điều đó cần tầm nhìn của các nhà đầu tư để thấy được lợi ích của bất động sản xanh và khi lợi ích đủ lớn, đủ hấp dẫn, không cần phải vận động thì doanh nghiệp cũng sẽ tự làm. Nên cần đồng bộ ngay từ khâu lập quy hoạch, đã có 2/3 số lượng tỉnh thành ở Việt Nam bắt đầu có những quy hoạch xanh theo chỉ đạo.

Doanh nghiệp cần tiếp thu và điều chỉnh dự án sao cho phù hợp với quy hoạch xanh, sau đó đến phần triển khai, thiết kế, xây dựng. Tất cả quy chuẩn đó phải áp dụng đồng bộ, thống nhất, có mục tiêu trở thành bất động sản xanh, đưa năng lượng tái tạo, tín chỉ carbon vào trong các dự án.

Bất động sản không chỉ dừng lại là bán nhà, bán hạ tầng, công trình, mà bán những thứ giá trị dài hạn hơn, dòng tiền có thể xây dựng từ phát triển bền vững, xây dựng và quản lý sử dụng tài nguyên có hiệu quả, giảm khí thải và năng lượng tái tạo.

Đối với thương mại điện tử, sẽ là tầm nhìn của 10-15 năm tiếp theo, khi tham gia chuỗi cung ứng, thương mại điện tử là cách nhanh nhất và ngắn nhất để giảm khí thải carbon. Tại Việt Nam, thương mại điện tử là công cụ rất hiệu quả để đi sâu vào các thị trường quốc tế, tránh hàng rào thuế quan, kỹ thuật, để vào EU, Mỹ, các cường quốc nhập khẩu hàng hoá nhiều.

Thương mại điện tử phi truyền thống thực sự là giải pháp, với nhiều công đoạn như đóng gói sản phẩm, tiêu dùng, đều phải xanh, tuân thủ nhiều tiêu chuẩn ngặt nghèo ở các nước phát triển. Khi thương mại điện tử phát triển, các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tiếp cận và có kênh phân phối vô cùng hiệu quả, không chỉ ở trong nước, giúp cho thương mại điện tử Việt Nam phát triển, đặc biệt là sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.

Việt Nam cần phải thích ứng, trong đó thương mại điện tử là cách hiệu quả để có thể chống chọi, vượt qua hàng rào thuế quan, đưa những sản phẩm hàng hoá xanh đến tay người tiêu dùng.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục