Những lĩnh vực dẫn đầu xu hướng M&A trong 9 tháng năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại Talkshow “Nhận diện dòng vốn M&A” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 13/11, các nhà phân tích cho biết, 9 tháng 2024, các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, y tế, giáo dục, năng lượng chiếm từ 55 – 60% giá trị giao dịch các thương vụ M&A.
Những lĩnh vực dẫn đầu xu hướng M&A trong 9 tháng năm 2024

Ông Đinh Thế Anh, Thành viên điều hành, Trưởng bộ phận Tư vấn Tài chính doanh nghiệp, KPMG Việt Nam đánh giá, giá trị giao dịch tập trung ở các lĩnh vực trên do ở Việt Nam, nhu cầu tài chính ngân hàng, tài chính tiêu dùng còn mới và cơ hội tăng trưởng còn rất nhiều nên nhà đầu tư vẫn dành nhiều vốn đổ vào mảng này.

Với mảng y tế và giáo dục, giá trị các giao dịch cao do xu thế khẩu vị các nhà đầu tư chuyển sang các ngành truyền thống hơn, yêu cầu có dòng tiền, lợi nhuận và có mô hình kinh doanh rõ ràng so với mô hình trước đây chú trọng nhiều về tăng trưởng. Đặc biệt tại Việt Nam, khu vực tư nhân đang có rất nhiều lợi thế để chiếm lĩnh thị phần khu vực công sẽ có có hội nhận tiền từ các nhà đầu tư.

Ông Thế Anh lấy ví dụ về thương vụ Bệnh viện FV của Việt Nam được Tập đoàn Thomson - tập đoàn y tế lớn của Singapore mua với giá 381,4 triệu USD đầu năm 2024. Ngoài ra, còn nhiều giao dịch liên quan đến mảng y tế, bệnh viện, phòng khám…

Với mảng năng lượng, KPMG đang tham gia các giao dịch liên quan đến năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió cũng nhận thấy kỳ vọng của nhà đầu tư về mảng này đang khá cao. Khá nhiều giao dịch đang bị dừng lại không tiến triển trong 2 năm qua, tuy nhiên, ông Thế Anh kỳ vọng chính sách mới sẽ hỗ trợ các giao dịch được nhộn nhịp trở lại.

Ngoài ra, KPMG cũng kỳ vọng một số ngành sẽ nhận được sự quan tâm toàn diện của các nhà đầu tư nước ngoài như trung tâm dữ liệu khi Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh liên quan đến công nghệ, AI hay bất động sản khu công nghiệp.

“Xu thế Trung Quốc +1 vẫn tiếp tục diễn ra, các nhà máy vẫn đang dịch chuyển sang Việt Nam. Hiện tại, các khu công nghiệp miền Bắc được hưởng lợi rất nhiều. Chúng tôi hy vọng, với việc phát triển cơ sở hạ tầng kết nối giữa các địa phương tại Việt Nam tốt hơn, xu hướng này sẽ lan toả ra cả miền Trung và miền Nam”, ông Thế Anh nói.

Theo quan điểm của ông Hoàng Xuân Trung, Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp - Khối nguồn vốn, Ngân hàng Citi tại Việt Nam, Việt Nam có dân số lớn, thu nhập tăng và dân số trẻ nên nhu cầu sở hữu tài sản, mua sắm, đầu tư rất nhiều, đồng thời, nhu cầu về tiêu dùng, y tế, giáo dục, làm đẹp chắc chắn tăng và ngày càng tăng mạnh mẽ, do đó, những thương vụ về y tế, giáo dục diễn ra nhiều.

Về đầu tư, ông Trung đánh giá, nguồn vốn tìm đến Việt Nam không chỉ đến từ Mỹ, châu Âu mà còn từ châu Á, bởi một số nhà đầu tư nhận định thị trường Việt Nam có dân số trẻ và rất tiềm năng.

“Cơ cấu dân số Việt Nam hiện tại là dân số vàng để chúng ta đón những ngành M&A mới. Còn những ngành như năng lượng tái tạo, ESG bị chậm trễ trong vài năm vừa qua có lẽ liên quan đến chuyện về hành lang pháp lý”, ông Trung cho biết thêm.

Nói thêm về M&A lĩnh vực y tế, giáo dục, ông Phạm Duy Khương, Luật sư điều hành, Công ty Luật ASL nhấn mạnh, cần xem xét các nhà đầu tư tham gia giao dịch M&A với doanh nghiệp Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài hay trong nước. Nếu chỉ là 2 doanh nghiệp trong nước M&A thì sẽ đơn giản về mặt thủ tục pháp lý, nhưng nếu là thương vụ giữa nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam sẽ liên quan đến rào cản pháp lý.

"Ở Việt Nam, không phải tất cả các ngành nghề đều cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn, mà nhiều ngành có quy định về tỷ lệ sở hữu để đảm bảo an ninh quốc gia. Đối với 2 lĩnh vực y tế và giáo dục, ngoài nhu cầu thực tế ngày càng cao, thì mặt hành lang pháp lý cũng đang được nhà nước ủng hộ, tức đây là những ngành nhà đầu tư nước ngoài được phép tiếp cận, có quyền chi phối, điều hành doanh nghiệp nên dễ dàng thu hút đầu tư", ông Khương nói.

Nhận định về xu hướng M&A trong giai đoạn tới, ông Khương cho rằng, xu hướng sẽ tập trung vào những doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là các doanh nghiệp liên quan đến sản xuất, công nghệ cao, năng lượng sạch.

Trong khi theo quan điểm ông Hoàng Xuân Trung, Việt Nam là nước có lợi thế về địa chính trị, thu hút được cả dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và nhiều nước khác. Đây đều là những nước có lợi thế lớn về công nghệ AI, chip nên Việt Nam thời gian tới sẽ đón được làn sóng M&A về công nghệ, AI và chip.

Còn ông Đinh Thế Anh kỳ vọng, thị trường M&A sẽ giao dịch nhộn nhịp trở lại, dựa trên cơ sở rất nhiều nhà đầu tư muốn quay lại những lĩnh vực truyền thống, những doanh nghiệp có lợi nhuận, dòng tiền ổn định, lợi thế rõ ràng cho từng mảng hoạt động.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2024 sẽ diễn ra vào ngày 27/11/2024 tại Khách sạn JW Marriott Saigon (Quận 1, TP.HCM).

Diễn đàn năm nay có chủ đề “Nhộn nhịp thương vụ”, đây là lần thứ 16 diễn đàn được Báo Đầu tư tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận chuyên sâu những cơ hội và xu hướng chủ đạo trong lĩnh vực M&A, phân tích các chiến lược tối ưu hoá giá trị thương vụ, các mô hình hợp tác mới, và cách các doanh nghiệp có thể tận dụng làn sóng M&A để phát triển trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.

Sự kiện dự kiến quy tụ hơn 500 khách tham dự, là các nhà làm chính sách, các chuyên gia uy tín, lãnh đạo các doanh nghiệp, đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các tập đoàn tư nhân trong nước và quốc tế, các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, các công ty niêm yết, các doanh nghiệp có kế hoạch IPO, các doanh nghiệp có nhu cầu thoái vốn và các đơn vị tư vấn M&A hàng đầu.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục