Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn dòng vốn M&A

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam, được công nhận là một trong những quốc gia hứa hẹn và hấp dẫn nhất trên toàn thế giới với ưu thế dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng và lượng người tiêu dùng có thu nhập trung bình đang tăng nhanh.
Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn dòng vốn M&A

Đây là chia sẻ từ các chuyên gia tại hội nghị GMAP diễn ra tuần này ở TP.HCM. GMAP là viết tắt của Global M&A Partners, một hiệp hội toàn cầu gồm 30 công ty M&A hoạt động trên 50 quốc gia, vùng lãnh thổ khắp châu Mỹ, châu Âu và châu Á -Thái Bình Dương.

Chủ đề của GMAP năm nay là “M&A tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức”, quy tụ các chuyên gia M&A từ khắp nơi trên thế giới để thảo luận về bối cảnh, xu hướng hiện tại và các cơ hội tiềm năng trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam.

Ông Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cấp cao và Giám đốc Toàn cầu Tập đoàn RECOF, đơn vị chủ trì tổ chức hội nghị năm nay, bày tỏ mong muốn thúc đẩy việc hiện thực hóa các giao dịch M&A xuyên biên giới cho các doanh nghiệp Việt Nam ra toàn cầu, trong đó có Nhật Bản.

Các diễn giả chia sẻ tại hội nghị.

Các diễn giả chia sẻ tại hội nghị.

Thống kê từ GMAP, trong 12 tháng qua, hơn 20 giao dịch xuyên biên giới đã được ký kết giữa các đối tác liên quan đến nhiều địa điểm khác nhau trên toàn cầu, tuy nhiên, chưa có thương vụ nào liên quan đến Việt Nam.

Những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội M&A tại GMAP lần này, theo ông Sam Yoshida bao gồm, mảng tiêu dùng nhanh, bán lẻ, sản xuất và chế biến thực phẩm, logistics, dịch vụ tài chính… - khẩu vị đầu tư này không thay đổi quá lớn kể từ sau dịch. Trong đó, đại dịch đang thúc đẩy mảng logistics trở thành mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư, trong đó có chuỗi cung ứng kho lạnh, cũng là lĩnh vực rất được các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm.

Nói về vấn đề kinh tế Việt Nam đang gặp những thách thức, tăng trưởng có khả năng không đạt như kì vọng (do ảnh hưởng chung của kinh tế toàn cầu và các vấn đề nội tại riêng) liệu có tác động đến việc thu hút dòng vốn đầu tư M&A? Ông Sam Yoshida cho rằng, thực ra tình hình kinh tế Nhật Bản còn tác động mạnh hơn đến nhà đầu tư do đồng yên mất giá (khiến chi phí đầu tư tăng lên 1,3 lần so với giai đoạn trước), kèm theo đó là các điều khoản ràng buộc kinh doanh với cổ đông. Do vậy, với các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường Việt Nam vẫn là lựa chọn tốt hơn.

Ông Ivan Alver, đồng sáng lập Global M&A Partners cho biết thêm, đang có làn sóng nhà đầu tư từ Anh, Mỹ và châu Âu mong muốn tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam, nhờ chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào giúp doanh nghiệp xây dựng năng lực sản xuất lớn. Trong khu vực, Myanmar cũng có chi phí nhân công thấp nhưng yếu tố này đang ngày càng sụt giảm; hay Trung Quốc là thị trường sản xuất lớn nhất nhưng chi phí nhân công đang ngày càng cao nên các nhà đầu tư đang dịch chuyển sang các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, lĩnh vực hấp dẫn với nhà đầu tư châu Âu là sản xuất. Ông Frederic De Boer, đồng sáng lập GMAP, chia sẻ, một số doanh nghiệp châu Âu đã thông qua RECOF tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam và doanh nghiệp Mỹ cũng theo xu hướng này.

"Tôi tới từ Thụy Sĩ và đang có 2 khách hàng doanh nghiệp lớn ở mảng cơ sở hạ tầng, chuyên sản xuất toàn cầu quan tâm tới thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp này có cơ sở ở Trung Quốc và đang muốn dịch chuyển sang Việt Nam, họ đã tìm hiểu về nguồn nhân lực, môi trường kinh doanh và bày tỏ sự hài lòng nên đang tìm hiểu chi tiết để có thể đầu tư nhà máy tại Việt Nam", ông Frederic De Boer nói.

Theo thông tin từ Hội nghị GMAP, trong những năm qua, Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút đầu tư từ nhiều nước châu Á khác nhau, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc. Tuy nhiên, đáng chú ý là sự vắng mặt các khoản đầu tư từ châu Âu và Bắc/Nam Mỹ.

Để khơi thông thêm dòng vốn ngoại vào Việt Nam, đặc biệt qua hình thức M&A, ông Ivan Alver khuyến nghị môi trường chính sách phải thuận lợi hơn, và nhà đầu tư thì luôn quan tâm đến việc sau khi rót vốn đầu tư thì khi đạt lợi nhuận kỳ vọng có thể thực hiện được việc thoái vốn thuận lợi.

M&A Việt Nam 2023

Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 15 - năm 2023 do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Ba (ngày 28/11/2023).

Với chủ đề “Chung tay cùng thịnh vượng”, Diễn đàn dự kiến thu hút hơn 500 khách tham dự và cùng nhau thảo luận chuyên sâu các cơ hội M&A tại Việt Nam, cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu.

Ngoài Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế, để đánh dấu cột mốc 15 năm ra đời, Diễn đàn năm nay sẽ vinh danh các doanh nghiệp và nhà tư vấn M&A tiêu biểu và công bố Báo cáo chuyên sâu về thị trường M&A tại Việt Nam giai đoạn 2009 - 2023.

Một điểm nhấn khác là tham dự Diễn đàn năm nay sẽ có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với các doanh nghiệp đến từ Singapore thông qua chương trình VBEX Connect Business Matching.

Để đăng ký tham dự Diễn đàn, vui lòng liên hệ: Ms. Hoàng Anh - 0373 50 74 55

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục