Thưa luật sư, một trong những khó khăn của các công ty khởi nghiệp là tìm kiếm nguồn vốn, bởi các công ty này hầu như chỉ có ý tưởng kinh doanh để bắt đầu mà không có bất cứ tài sản nào để thế chấp ngân hàng. Liệu ý tưởng kinh doanh có được coi là tài sản để thế chấp ngân hàng vay vốn hay không?
Ngân hàng được hiểu đơn giản là doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ. Mục đích kinh doanh là lợi nhuận. Một ngân hàng chỉ cho vay tiền nếu có cơ sở đảm bảo rằng họ sẽ thu lại được cả vốn và lãi. Vì thế, ý tưởng kinh doanh có được ngân hàng chấp nhận làm tài sản bảo đảm hay không còn phải xem liệu có cơ sở để họ xử lý tài sản thu hồi nợ nếu gặp rủi ro khách hàng không có khả năng trả nợ.
Luật sư Lê Quang Minh
Vậy thông thường các ngân hàng sẽ nhận tài sản nào để bảo đảm cho các khoản vay? Những tài sản bảo đảm đó phải có đặc điểm gì?
Các loại hình vay vốn ngân hàng phổ biến bao gồm vay tín chấp, vay thế chấp tài sản và vay có bảo lãnh. Để có thể thế chấp được thì ý tưởng kinh doanh phải là tài sản có giá trị tính được bằng tiền, nếu người vay không trả được tiền vay thì ngân hàng có thể bán tài sản đó để thu lại vốn đã cho vay.
Có hai dạng tài sản là hữu hình và vô hình. Tài sản hữu hình nôm na là tài sản tồn tại ở hình thái vật chất cụ thể nhìn thấy được như nhà ở, xe cộ, nhà xưởng, trong khi đó tài sản vô hình không mang hình thái cụ thể và không nhìn thấy được.
Ý tưởng kinh doanh không phải là dạng tài sản hữu hình. Vậy nó có thể là tài sản vô hình được không? Trả lời câu hỏi này, để được coi là tài sản thì ý tưởng kinh doanh phải có giá trị định được bằng tiền, được pháp luật bảo hộ.
Các loại tài sản vô hình mà pháp luật bảo hộ gồm các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp bao gồm có sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Khi nào ý tưởng kinh doanh đủ điều kiện là tài sản, được bảo hộ, có thể định giá được để sử dụng làm tài sản bảo đảm? Theo ông, những người khởi nghiệp có thể làm gì để biến ý tưởng kinh doanh của mình thành tài sản?
Có vẻ như ý tưởng kinh doanh có khả năng bao trùm các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh. Để có thể làm tài sản thế chấp thì các đối tượng này phải được pháp luật bảo hộ và có giá trị tính được bằng tiền.
Để được bảo hộ thì một đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ phải đáp ứng được các điều kiện bảo hộ do pháp luật quy định. Ví dụ, một kế hoạch thực hiện công việc kinh doanh cho dù có mới, độc đáo, sáng tạo, hiệu quả như thế nào đi nữa, cũng không thể được bảo hộ là sáng chế vì nó là đối tượng loại trừ không được bảo hộ theo quy định tại Điều 59 của Luật Sở hữu trí tuệ. Đối với các đối tượng khác của quyền sở hữu công nghiệp như là tên doanh nghiệp, để được bảo hộ như tên thương mại thì tên doanh nghiệp phải được sử dụng trong hoạt động kinh doanh và có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác.
Tuy nhiên, được bảo hộ mới chỉ là điều kiện cần. Để làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng, điều kiện đủ là tài sản đó phải có giá trị tính được bằng tiền. Như vậy, có thể thế chấp tên doanh nghiệp được bảo hộ như tên doanh nghiệp để vay vốn ngân hàng hay không? Cho dù có được bảo hộ như là tên doanh nghiệp đi chăng nữa, thì việc thế chấp tên doanh nghiệp để vay vốn ngân hàng lại là điều không tưởng, vì tên doanh nghiệp mới thành lập hầu như không có giá trị tính được bằng tiền. Hơn nữa ngân hàng không thể bán tên doanh nghiệp để thu lại vốn đã cho vay.
Tương tự đối với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ khác như nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp. Một nhãn hiệu, một kiểu dáng công nghiệp thậm chí đã được đăng ký cấp văn bằng bảo hộ độc quyền không nhất thiết là một tài sản có giá trị bán được để ngân hàng chấp nhận là tài sản thế chấp để cho vay. Việc đăng ký mới một nhãn hiệu (nếu có khả năng tự phân biệt và không tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác có ngày nộp đơn đăng ký sớm hơn) cho 6 sản phẩm hay dịch vụ mất 1.020.000 đồng phí, lệ phí nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ và thời gian là khoảng 1 đến 2 năm.
Chủ sở hữu sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu này không thể đem nó để thế chấp đề nghị ngân hàng cho vay tiền để kinh doanh. Lý do là mặc dù nhãn hiệu này được bảo hộ và là tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, nhưng vì nó là mới, không có gì để đảm bảo rằng đây là tài sản có giá trị, có thể bán được, trao đổi được.
Thực tế cho thấy, trong rất nhiều nhiều trường hợp, nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ, thậm chí đã được sử dụng nhưng hoàn toàn không có giá trị mua bán, trao đổi và do đó chủ sở hữu các giấy chứng nhận đăng ký này đơn giản là không gia hạn và để cho chúng chấm dứt hiệu lực.
Có thể ngân hàng không coi ý tưởng kinh doanh là tài sản để bảo đảm cho khoản vay bởi khi không trả được nợ thì ngân hàng ko biết làm gì với ý tưởng kinh doanh đó. Thế nhưng rõ ràng là nếu ai đó có vốn và biết được ý tưởng này thì họ có thể kinh doanh thành công, có lãi?
Việc này liên quan đến đối tượng là bí mật kinh doanh. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.
Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau theo quy định tại điều 84 Luật Sở hữu trí tuệ. Đó là (1) không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được; (2) khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó; (3) được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
Vì sẽ không có một văn bằng bảo hộ nào được cấp cho bí mật kinh doanh, sẽ là điều không thực tế nếu một người có ý định chứng minh, thuyết phục một ngân hàng rằng ý tưởng kinh doanh của mình đáp ứng được cả ba điều kiện bảo hộ trên đây. Thêm nữa, nếu có là bí mật kinh doanh được bảo hộ đi chăng nữa, thì thực tế rất khó, thậm chí là không thể chứng minh, thuyết phục về giá trị tính được bằng tiền của bí mật kinh doanh đó.
Như vậy, thực tế là không thể đem ý tưởng kinh doanh để thế chấp vay vốn ngân hàng phục vụ cho mục đích khởi nghiệp. Chưa kể, thông thường, ý tưởng kinh doanh càng độc đáo thì càng khó giải thích và thuyết phục cho mọi người hiểu và chấp nhận mức độ rủi ro của nó.
Không thể khởi nghiệp mà không có ý tưởng kinh doanh. Tất cả các doanh nghiệp thành công cũng không thể không có khởi đầu. Vậy ý tưởng của các doanh nghiệp thành công này tất nhiên phải có giá trị. Tuy nhiên, ngân hàng không chấp nhận chúng ngay từ đầu như một loại tài sản thế chấp để cho vay vốn, bởi số người có ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp luôn cao hơn nhiều lần số người khởi nghiệp thành công, bất kể là ý tưởng kinh doanh của họ hay, thuyết phục đến đâu đi chăng nữa. Thật khó để xác định ai sẽ thành công chỉ trên cơ sở xem xét ý tưởng kinh doanh để cho vay. Đây mà một rủi ro quá lớn mà các ngân hàng không dễ dàng chấp nhận.
Vậy đâu là lối ra về vốn cho những người khởi nghiệp?
Vốn là khó khăn chung mà các công ty khởi nghiệp phải chấp nhận và tìm cách vượt qua nếu muốn thành công. Ngoài ngân hàng, vốn còn nằm trong người thân, bạn bè, trong các chủ doanh nghiệp, xã hội. Có rất nhiều tấm gương đã khởi nghiệp và thành công, việc họ huy động vốn như thế nào, có bí quyết gì đặc biệt sẽ là bài học tốt cho những cá nhân đang ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp. Doanh nghiệp khởi nghiệp buộc phải tự mình vượt qua khó khăn này để đạt được mục tiêu, còn nếu không, phải chấp nhận rằng mình không có chung số phận với những người đã thành công.