Luật PPP: Nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu tối thiểu là 15% là quá thấp

Luật PPP quy định nhà đầu tư phải góp vốn chủ sở hữu tối thiểu là 15% tổng mức đầu tư dự án không bao gồm vốn nhà nước, theo một số đại biểu là quá thấp
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội). Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội).

Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) quy định nhà đầu tư phải góp vốn chủ sở hữu tối thiểu là 15% tổng mức đầu tư dự án không bao gồm vốn nhà nước, theo một số đại biểu mức này quá thấp.

Ngoài cơ chế chia sẻ rủi ro, kiểm toán những khâu nào, quy định về góp vốn chủ sở hữu và lựa chọn nhà đầu tư PPP, có nên đưa dự án BT vào hay không ...cũng là những vấn đề được đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận sáng 28/5 tại Quốc hội.

Ít nhất là 20 đến 30%

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) thì PPP là hình thức huy động tỷ suất đầu tư cao nhất và huy động vốn tư nhân cao nhất mà vẫn quy định góp vốn ít nhất là 15% tổng mức đầu tư dự án như đối với các dự án thông thường là không đúng.

Luật này phải quy định nhà đầu tư phải góp vốn tối thiểu ở mức ít nhất là 20% đến 30% vốn chủ sở hữu thì mới hợp lệ với dự án PPP, đại biểu Bình góp ý.

Đồng ý với quan điểm này, đại biểu  Phạm Văn Tuân (Thái Bình) nói, để đạt được mục tiêu huy động nguồn lực của nhà nước cho đầu tư và đầu tư theo phương thức đối tác công tư, cần nâng tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư lên khoảng 25 đến 30%, qua đó sẽ lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt để thực hiện dự án và giảm áp lực trả chi phí lãi vay của nhà nước.

Theo đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) tỷ lệ 15% là khá thấp, không có chênh lệch nhiều so với khoản dự phòng của dự án. Vì vậy, cần xem xét quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu cao hơn, có thể nâng lên là 30% để hạn chế tình trạng nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Ngoài ra, đại biểu Trang cho rằng cần có chính sách ưu đãi đầu tư đối với chủ đầu tư góp vốn chủ sở hữu trên 50% tổng mức đầu tư dự án.

Ngoài mức góp vốn, một số vị đại biểu còn quan tâm đến phương thức đấu thầu lựa chọn là nhà đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình cho rằng nếu chỉ đưa ra một hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà không đấu thầu dự án thì chưa phù hợp.

Theo ông Bình thì nên đấu thầu dự án thì sẽ lựa chọn được các nhà đầu tư cạnh tranh hơn, chi phí thấp hơn, giải pháp công nghệ tốt hơn, giải pháp kinh doanh tốt hơn, thu hồi nhanh vốn hơn và đảm bảo hiệu quả hơn. Đồng thời nếu đấu thầu dự án thì sẽ chốt được các thông số cơ bản của hợp đồng PPP. Đó là chi phí đầu tư, thời gian thu hồi vốn, giải pháp công nghệ gắn với dự án và hiệu quả dự án. Do đó, những điều kiện cơ bản trong hợp đồng PPP sẽ được ký kết và sẽ đảm bảo khách quan thông qua đấu thầu và đảm bảo tính pháp lý hơn, khách quan hơn, an toàn hơn cho phía nhà nước.

Không đưa dự án BT vào dự thảo Luật PPP

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để hai phương án về dự án BT để Quốc hội chọn.

Một là sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến dự án áp dụng loại hợp đồng BT theo phương thức mới theo hướng chặt chẽ hơn tại dự thảo Luật PPP, tạo lập cơ sở pháp lý thống nhất để điều chỉnh dự án áp dụng loại hợp đồng BT nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc phát sinh trong thời gian qua và bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về ngân sách nhà nước. Hai là không quy định dự án BT tại luật này.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) tỏ rõ quan điểm không nên đưa dự án BT vào trong điều luật PPP. Bởi vì, bản chất của hợp đồng BT là việc nhà nước đặt hàng hoặc nhà nước thuê một nhà đầu tư tư nhân bỏ tiền ra xây dựng công trình, sau đó bàn giao cho nhà nước và nhà nước sau đó sẽ thanh toán có thể bằng tiền hoặc bằng công trình.

Ông Cường phân tích, nếu như thuê nhà đầu tư để xây dựng công trình thì đã có điều chỉnh bằng Luật Đấu thầu, là lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình. Việc thanh toán cho nhà đầu tư bằng các giá trị tài sản hoặc đất đai thì đã có điều chỉnh ở luật về quản lý tài sản công .

Nếu vẫn cứ đưa BT là một dạng dự án PPP, theo đại biểu Cường sẽ dẫn đến tình trạng thiết kế ra sao, đầu tư như thế nào, xây dựng thế nào hoàn toàn là do nhà đầu tư tự quy định và sau đó nhà nước phải mua lại theo giá mà nhà đầu tư đã khai báo.

Điều đó dẫn đến tình trạng công trình này có thể giá sẽ đội lên hơn so với giá trị thực. Ngược lại nhà đầu tư cũng sẽ được hưởng những ưu đãi của chính sách ưu đãi đối với PPP và như vậy quá trình giao đất, thanh toán đất cũng có thể nhà đầu tư lại được hưởng giá thấp.

Như thế sẽ lặp lại tiêu cực như trong thời gian vừa qua là Nhà nước mua công trình giá đắt và đổi lại đất đai và tài sản với giá rẻ, ông Cường nhấn mạnh sự cần thiết không nên đưa dự án BT vào Luật PPP.

Nhắc lại nhận xét này trong phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần phải cân nhắc kỹ, nếu có thiết kế hình thức BT trong luật này thì cũng phải bổ sung các điều khoản hết sức chặt chẽ để tránh tiêu cực như đại biểu Cường đã nêu.

Nguyễn Lê ​
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục