Chỉ dành cho dự án quy mô lớn
Hồi âm từ các đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho thấy, Dự án Luật PPP đã tiếp tục được quan tâm "gỡ khó".
Có những đoàn không chỉ lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội trong đoàn, mà còn tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan chức năng tại địa phương, các thành viên tổ tư vấn chính sách, pháp luật của đoàn.
Nhìn chung, các góp ý đều đồng tình việc thu hẹp còn 5 lĩnh vực đầu tư gồm: giao thông vận tải; nhà máy điện, lưới điện; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; y tế; giáo dục - đào tạo (không còn trụ sở cơ quan nhà nước).
Cho rằng 5 lĩnh vực này vẫn là quá rộng, đại biểu Nguyễn Hồng Vân, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên phân tích, các nhà máy thủy điện, điện mặt trời, điện sinh khối, điện gió... hiện tư nhân đầu tư có hiệu quả, có cần thiết phải đưa vào lĩnh vực đầu tư PPP hay không?
Về quy mô tối thiểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phương án 1 giữ mức 200 tỷ đồng như Chính phủ đề xuất, phương án 2 là giao Chính phủ quy định chi tiết không thấp hơn 100 tỷ đồng đối với từng lĩnh vực như đầu tư kết cấu hạ tầng, giáo dục - đào tạo, y tế... hoặc theo địa bàn như đô thị, đồng bằng, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Chọn hạn mức 200 tỷ đồng, Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Phước cho rằng, quy định này thống nhất với định hướng thu hẹp lĩnh vực đầu tư dự án PPP, bảo đảm tập trung đầu tư lớn vào các dự án PPP quan trọng cần khuyến khích, ưu tiên thu hút nguồn nhân lực từ khu vực tư nhân.
Cũng lựa chọn phương án 1, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Hữu Toàn góp ý, không nên quy định mức thấp hơn, dễ dẫn đến dàn trải cả vốn nhà nước và tư nhân ra quá nhiều dự án PPP. Các dự án có tổng mức đầu tư nhỏ hơn 200 tỷ đồng cần thiết phải đầu tư sẽ bố trí vốn đầu tư công từ ngân sách.
Rõ trách nhiệm trong chia sẻ rủi ro
Một trong các vấn đề lớn mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều vị đại biểu còn băn khoăn là cơ chế chia sẻ rủi ro.
Dự thảo luật gửi lấy ý kiến đại biểu chuyên trách đã xác định không phải trong mọi trường hợp đều được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, không tiếp cận theo hướng chia sẻ khi nhà đầu tư dự án PPP thua lỗ, mất vốn, mà chỉ xem xét việc áp dụng chia sẻ khi doanh thu của dự án bị sụt giảm do lỗi từ phía Nhà nước. Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu sẽ được xem xét trên cơ sở kiểm soát doanh thu theo từng thời kỳ của dự án.
Đây là lần thứ hai liên tiếp trong hai phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành thời gian cho ý kiến về Dự án Luật PPP. Để lấy ý kiến của các đại biểu chuyên trách, những vấn đề quan trọng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục rà soát, chỉnh lý, từ lĩnh vực đầu tư, quy mô dự án, cơ chế chia sẻ rủi ro, hoạt động kiểm toán...
Theo đại biểu Trần Thị Thanh Lam, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP được thực hiện thông qua đấu thầu, nhà đầu tư thấy có khả năng làm được thì họ mới nộp hồ sơ đấu thầu. Vì thế, phải tuân thủ nguyên tắc thị trường, lời hoặc lỗ phải do doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, Nhà nước không nên chia sẻ trong trường hợp này.
Liên quan đến ngân sách, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn cho rằng, dự thảo luật quy định về sử dụng nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với trường hợp dự án PPP được áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro là không khả thi, vì đây không phải là nguồn ngân sách sẵn có. Theo đại biểu, trường hợp dự án PPP được cấp có thẩm quyền quyết định áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu, cần chỉnh lý lại theo hướng giao Bộ Tài chính, Sở Tài chính tổng hợp, bố trí trong dự toán chi thường xuyên hằng năm tương tự khoản trả nợ của ngân sách nhà nước.
Bổ sung hình thức công khai cộng đồng
Ngoài những vấn đề nêu trên, các vị đại biểu còn quan tâm góp ý khá nhiều nội dung khác về kiểm toán, giám sát, điều chỉnh dự án...
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội góp ý, quy định khi tăng tổng mức đầu tư từ 10% trở lên thì phải điều chỉnh chủ trương đầu tư PPP là phù hợp và cũng phù hợp với Luật Đầu tư công. Nếu quy định tổng mức đầu tư tăng 20% trở lên là cao, sẽ làm thay đổi phương án tài chính cũng như hiệu quả của dự án PPP, do đó làm mất đi ý nghĩa và tính chính xác trong việc quyết định chủ trương đầu tư.
Từ thực tế giám sát các dự án BOT giao thông cho thấy, việc công khai thông tin rất quan trọng để tạo sự đồng thuận của người dân.
Với Dự án Luật PPP, đại biểu Phạm Thị Thu Trang, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi góp ý, cần bổ sung hình thức công khai cộng đồng về thông tin dự án PPP nơi có dự án để người dân tham gia giám sát, tăng cường hiệu quả giám sát cộng đồng.
Đại biểu Huỳnh Sang, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước nhận xét, Dự án Luật chưa quy định về việc bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi nội dung và “thời điểm chuyển giao” về thực thi pháp luật, trong khi đây cũng là một vấn đề mà các nhà đầu tư rất quan tâm.
Nhấn mạnh các dự án PPP luôn đòi hỏi cao sự ổn định về môi trường đầu tư, đại biểu Sang đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một điều quy định về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật.
Theo kế hoạch, Dự án Luật PPP sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), tuy nhiên, phương án lùi thêm một kỳ họp nữa để có thời gian hoàn thiện cũng đã được tính đến.