Luật không đi vào cuộc sống, phải sớm thay đổi tư duy xây dựng luật pháp

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều luật không đi vào cuộc sống, rất nhiều luật chưa có hiệu lực đã phải sửa đổi, bổ sung. PGS-TS. Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng, cần phải thay đổi tư duy xây dựng luật pháp theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, là luật chỉ quy định những vấn đề khung, vấn đề có tính nguyên tắc.
PGS-TS. Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp). PGS-TS. Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp).

Là chuyên gia nhiều kinh nghiệm về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, theo ông, quy trình xây dựng luật pháp của Việt Nam có thực sự chặt chẽ?

Phải nói là vô cùng chặt chẽ. Minh chứng là trên thế giới, rất ít nước có Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như Việt Nam. Ngày từ năm 2008, Việt Nam đã ban hành Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tức là làm luật phải theo luật, chứ không được phép tùy tiện.

Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định rất chặt chẽ quy trình xây dựng Hiến pháp; bộ luật, luật, nghị quyết, pháp lệnh, nghị định, thông tư, quyết định của tất cả các cơ quan, tổ chức từ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân đến UBND, HĐND các cấp. Luật quy định cụ thể thẩm quyền ban hành cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; việc tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức lấy ý kiến; tổng hợp, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý...

Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chặt chẽ như vậy, nhưng thưa ông, có thể nói, rất nhiều luật có chất lượng rất thấp?

Đúng vậy. Rất nhiều luật sau vài năm đã phải sửa đổi, bổ sung. Luật phải sửa đổi, bổ sung nhiều đến mức, Quốc hội phải ban hành một luật sửa 5-7 luật, thậm chí hàng chục luật; nhiều luật chưa có hiệu lực đã phải sửa đổi, bổ sung, có những luật “chết” ngay khi ban hành.

Có thể thấy, trước khi có Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) năm 2020, các hoạt động đầu tư PPP, BOT, BTO, BT... thực hiện theo Nghị định 64/2018/NĐ-CP và trước đó nữa là Nghị định 15/2015/NĐ-CP diễn ra bình thường. Nhưng khi có Luật PPP, các hình thức đầu tư này đều dừng lại.

Trường hợp khác, Luật Phá sản được xây dựng từ năm 2003 đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung, thay thế, nhưng đến nay, rất ít doanh nghiệp phá sản theo Luật Phá sản.

Theo ông, vì sao? Nguyên nhân là quy trình xây dựng bị cắt khúc.

Theo quy định, Quốc hội quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm. Chủ tịch nước và nhiều cơ quan có quyền xây dựng và trình dự án luật trước Quốc hội, nhưng hầu hết các luật, pháp lệnh đều do Chính phủ xây dựng. Sau khi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được Quốc hội thông qua, Chính phủ giao một bộ, ngành nào đó chủ trì soạn thảo. Bộ, ngành được giao chủ trì soạn thảo thành lập ban soạn thảo với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, các cơ quan hữu quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đại diện cộng đồng doanh nghiệp.

Ban soạn thảo tổ chức xây dựng đề cương dự thảo luật, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, đối tượng bị tác động bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có việc tổ chức rất nhiều hội thảo, tọa đàm. Chưa kể nhiều cơ quan báo chí, cơ quan nghiên cứu, hiệp hội, hội nghề nghiệp cũng tổ chức hội thảo, tọa đàm, tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và gửi ban soạn thảo.

Sau khi Dự thảo tương đối hoàn thiện, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, sau đó trình ra Quốc hội để đại biểu Quốc hội thảo luận. Sau giai đoạn này, thẩm quyền thuộc về Ủy ban Thẩm tra dự án luật của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội được bầu theo cơ cấu, các đại biểu Quốc hội có chuyên môn khác nhau, trình độ khác nhau, nghề nghiệp chính khác nhau (trừ một ít đại biểu chuyên trách), trong đó hầu hết chưa từng có chuyên môn về luật pháp, rất nhiều người trước khi trở thành đại biểu Quốc hội không hề biết quy trình xây dựng pháp luật, nhưng đại biểu cho ý kiến, ủy ban thẩm tra dự án luật phải tổng hợp, giải trình, vài người có ý kiến giống nhau thì phải tiếp thu và đưa vào dự thảo. Kết quả là, khi luật ban hành có nội dung khác khá xa, thậm chí nhiều nội dung trọng yếu khác xa so với Dự thảo Chính phủ trình ban đầu. Luật bị cắt khúc, rất nhiều nội dung quan trọng đã được ban soạn thảo dày công xây dựng với đầy đủ căn cứ khoa học, kinh nghiệm quốc tế, thông lệ trên thế giới và thực tiễn đang xảy ra đã bị bỏ hoặc sửa lại theo ý muốn chủ quan. Đó là nguyên nhân khiến chất lượng nhiều luật rất thấp.

Luật pháp là hành lang pháp lý điều chỉnh mọi mối quan hệ trong xã hội, có thể thúc đẩy hoặc hạn chế, thậm chí kéo lùi sự phát triển. Theo ông, phải làm gì để nâng cao chất lượng xây dựng luật pháp?

Tại Phiên khai mạc Kỳ họp Quốc hội thứ tám (ngày 21/10/2024), Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh vấn đề cấp bách hiện nay là phải đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật, bám sát thực tiễn để xây dựng các quy định pháp luật, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội, nhưng cũng không cầu toàn để mất thời cơ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh vấn đề xây dựng pháp luật tại Hội nghị Toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW khóa XII (ngày 1/12/2024). Theo ông, Quốc hội đổi mới công tác xây dựng pháp luật theo hướng ban hành luật ngắn gọn, tập trung quy định những nội dung đúng thẩm quyền, bảo đảm tính ổn định của luật, chuyển từ tư duy quản lý sang khuyến khích sáng tạo, khơi thông, phát huy các nguồn lực để phát triển, tập trung tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn, thiết thực phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục