“DN sẽ trở thành công cụ kinh doanh hấp dẫn hơn…”
Đó là nhìn nhận của ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, người trực tiếp tham gia soạn thảo Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi, khi đánh giá về tác động của Luật DN sửa đổi khi được Quốc hội thông qua và áp dụng trong thời gian tới.
Trong lần sửa đổi Luật DN trước đây, ban soạn thảo chỉ tập trung “cởi trói” cho DN khi gia nhập thị trường, có nghĩa là chủ yếu giải tỏa những bế tắc về thủ tục. Còn lần sửa đổi này, theo ông Hiếu, không chỉ dừng lại ở cải cách về thủ tục, mà còn tạo ra cơ chế để hướng DN đạt những mục tiêu cao hơn, xa hơn. Đó là tiếp sức cho DN phát triển bền vững, thu hút mạnh hơn các nguồn vốn đầu tư trong xã hội, thông qua hệ thống cơ chế làm cho DN trở thành công cụ kinh doanh hấp dẫn, an toàn và rẻ hơn.
Thực tế cho thấy, do những hạn chế của quy định hiện hành, nhất là khả năng bảo vệ nhà đầu tư rất yếu khi họ bỏ vốn vào DN nên nhiều nhà đầu tư không mấy mấy mặn mà bỏ vốn vào sản xuất - kinh doanh. Điều này thể hiện qua chỉ số về mức độ bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam luôn ở mức thấp trong báo cáo hàng năm của Ngân hàng Thế giới. Năm nay, chỉ số này xếp ở vị trí cao nhất kể từ khi Việt Nam được xếp hạng, nhưng vẫn ở vị trí 157/189 quốc gia, còn những năm trước thường xếp ở vị trí từ 170 - 180, gần cuối của bảng xếp hạng. Đây là một trong những nguyên nhân giải thích tại sao lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chưa trở thành kênh hút mạnh các dòng vốn từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước.
“Tuy nhiên, hạn chế trên sẽ dần được khắc phục, khi qua trao đổi với các chuyên gia quốc tế, với hàng loạt cải cách của Luật DN sửa đổi lần này, chỉ số về mức độ bảo vệ nhà đầu tư sẽ có sự cải thiện mạnh mẽ. Điều này sẽ góp phần tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn, tiết kiệm chi phí hơn cho DN...”, ông Hiếu nói và phân tích thêm, luật công ty của các quốc gia đều xác định rõ tầm quan trọng của chế định bảo vệ nhà đầu tư. Đây là một trong những yếu tố cốt lõi để đạt được mục tiêu đưa DN ngày càng trở thành công cụ kinh doanh an toàn hơn, hấp dẫn hơn như mong đợi của nhà đầu tư.
Nắn vốn vào doanh nghiệp
“Ở góc độ nhà đầu tư, cứ nơi nào có khả năng sinh lời hiệu quả thì họ sẽ bỏ vốn đầu tư. Thế nhưng, ở góc độ Chính phủ, thì cần có các giải pháp hợp lý để nắn dòng vốn đầu tư trong xã hội, kể cả dòng vốn đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực mang lại nhiều lợi ích hơn cho quốc kế dân sinh. Nghĩa là Nhà nước muốn hướng các dòng vốn này đầu tư mạnh hơn vào sản xuất - kinh doanh, thay vì để tiền nằm chết do đầu tư vào vàng, ngoại tệ, hay gửi tiết kiệm”, ông Hiếu nói và cho biết thêm, đây là lý do Luật DN sửa đổi lần này khi quy định về công ty cổ phần đưa ra một loạt cải cách về quản trị, cơ chế bảo vệ cổ đông, minh bạch thông tin…, qua đó để nhà đầu tư nhận thấy rằng, DN thực sự là công cụ đầu tư an toàn, hiệu quả và hấp dẫn.
Từ bước cải cách trên, các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng sẽ tạo ra tác động tích cực để nhà đầu tư dần tái cơ cấu các kênh đầu tư theo hướng gia tăng tỷ trọng vốn đầu tư vào sản xuất - kinh doanh thông qua mua cổ phần, cổ phiếu của các DN. Qua đó, thúc đẩy nền sản xuất phát triển, tạo thêm các sản phẩm, dịch vụ cũng như công ăn việc làm mới, trên cơ sở đó đóng thuế nhiều hơn, góp phần tăng thu cho ngân sách.
Tương tự như lần sửa đổi Luật DN trước đây, giới chuyên gia kỳ vọng, Luật DN sửa đổi lần này sẽ tạo ra động lực mới, vừa thúc đẩy phát triển các nhân tố tiếp sức cho DN, trong đó có thu hút các nguồn vốn đầu tư mạnh hơn vào sản xuất - kinh doanh, vừa thúc đẩy nội tại DN sản xuất - kinh doanh sáng tạo, tiết kiệm chi phí hơn, qua đó đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn.