Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Không để người kinh doanh phải tìm cách lách luật

Những điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang hướng tới nguyên tắc bảo đảm cho người kinh doanh an toàn và rẻ hơn.
Người kinh doanh cần được quyền cân nhắc hoạt động theo hình thức hộ kinh doanh hay thành lập doanh nghiệp. Người kinh doanh cần được quyền cân nhắc hoạt động theo hình thức hộ kinh doanh hay thành lập doanh nghiệp.

Ứng xử với hộ kinh doanh đang không phù hợp?

Phần thảo luận về những điểm mới của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nóng lên khi có lời thừa nhận đang sở hữu cả doanh nghiệp và hộ kinh doanh của một doanh nghiệp, bị cho rằng là để trốn nghĩa vụ, trách nhiệm về thuế.

“Chúng tôi dùng doanh nghiệp để ký hợp đồng, nhưng dùng hộ kinh doanh để thực hiện. Vì chi phí hoạt động hộ kinh doanh thấp hơn, linh hoạt hơn”, một doanh nghiệp không muốn tiết lộ tên biện hộ lý do.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, hộ này có thể đã vi phạm pháp luật. Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp hiện hành và Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh không được thuê quá 10 lao động, chỉ được đăng ký kinh doanh tại 1 điểm, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện… Trong khi đó, một doanh nghiệp không thể chỉ ký hợp đồng với các đối tác cùng địa bàn hoạt động.

Tuy nhiên, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM, thành viên Ban Soạn thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lại đặt ngược vấn đề, tại sao hộ kinh doanh không được quyền làm lớn.

fig come hereNhững cải cách trong Luật Doanh nghiệp phải được đồng hành và kết hợp với cải cách, thay đổi các văn bản luật và cả hệ thống tòa án... Có như vậy mới tạo ra hệ thống thể chế thân thiện với thị trường, vì doanh nghiệp, thúc dẩy doanh nghiệp phát triển. Lần sửa đổi này, cần tập trung nhiều hơn vào thực thi quản trị công ty, nhất là doanh nghiệp nhà nước và các công ty niêm yết.TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM

“Tiền của họ, tại sao lại giới hạn quyền kinh doanh của họ. Chúng tôi đi khảo sát, đúng là có tình trạng các hộ vi phạm quy định, thuê nhiều người làm, hoạt động kinh doanh sang nhiều tỉnh, thậm chí cả nước. Nhưng, họ vẫn chọn rủi ro, chứ không chọn thành lập doanh nghiệp. Phải chăng, ứng xử của pháp luật với hộ kinh doanh đang không phù hợp”, ông Hiếu phân tích.

Sự ra đời của hộ kinh doanh ở Việt Nam có lý do đặc thù. Khi Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty ra đời năm 1990, các doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định. Những nhóm người kinh doanh dưới vốn pháp định hoạt động theo nghị định của Hội đồng Bộ trưởng với tên gọi là hộ kinh doanh. Trước đó, hình thức kinh doanh này được gọi là hộ cá thể, theo Nghị định số 27/1988/HĐQT.

Có thể thấy, hộ kinh doanh cũng là một hình thức kinh doanh như doanh nghiệp, được người dân lựa chọn, nhưng quản lý nhà nước lại khá lúng túng với hình thức này, luôn muốn đẩy các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp 2014 có yêu cầu hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên 10 lao động trở lên phải thành lập doanh nghiệp.

“Thực ra, đây là một quy định có tính ép buộc hành chính, mặc dù vẫn để dư địa cho người dân lựa chọn hoạt động theo hình thức hộ kinh doanh. Điều chúng tôi quan tâm là với cách quy định này, nguồn lực của hộ kinh doanh bị lãng phí nếu họ tuân thủ đúng quy định. Ngược lại, rủi ro kinh doanh của họ rất lớn. Đây là lý do chúng tôi sửa nội dung này trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) theo hướng thừa nhận hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh, nghĩa là thừa nhận vai trò, vị trí quan trọng của khu vực này với nền kinh tế, trả lại quyền kinh doanh cho các hộ, để họ lớn hơn nếu muốn”, ông Hiếu phân tích.

Điều này có nghĩa là các hộ kinh doanh tỷ đô từng được coi là biểu hiện của cách thức kinh doanh trá hình sẽ được thừa nhận, bên cạnh các hình thức doanh nghiệp khác.

Phải thúc đẩy doanh nghiệp quản trị tốt

Quản trị doanh nghiệp chưa bao giờ là vấn đề được nhắc tới với các hộ kinh doanh, bởi bản chất của khu vực này là cá nhân kinh doanh và chịu trách nhiệm vô hạn cho các hoạt động của mình. Quy định về thủ tục hoạt động cũng rất đơn giản, sổ sách kế toán có 6 loại, nộp thuế môn bài, VAT và thu nhập cá nhân hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp theo hình thức thuế khoán hay theo kê khai…

Khi hộ kinh doanh được quyền lớn lên một cách chính danh, không lo ngại bị ép thành doanh nghiệp, họ sẽ an tâm đầu tư dài hạn và sẽ lớn nhanh. Nhưng khi đó, mô hình này có thể sẽ đối mặt với các vấn đề về quản trị, các yêu cầu minh bạch hơn của đối tác hay có nhu cầu thu hút vốn từ bên ngoài…

“Lúc này, người kinh doanh sẽ cân nhắc hoạt động theo hình thức hộ kinh doanh hay thành lập doanh nghiệp để phù hợp với yêu cầu hoạt động mới. Ngay cả việc nộp thuế, nhiều người lo ngại hộ kinh doanh lớn sẽ né nghĩa vụ về thuế. Nhưng, họ sẽ tính toán nộp thuế thu nhập cá nhân hay nộp thuế doanh nghiệp có lợi hơn để chọn mô hình kinh doanh phù hợp. Nên lần này, chúng tôi chỉ đề xuất sửa đổi những quy định đang hạn chế nguồn lực, cơ hội của hộ kinh doanh chứ không bắt hộ kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp. Đây là quyền của người kinh doanh”, ông Hiếu giải thích.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng có quy định chuyển đổi hộ kinh doanh thành công ty cổ phần và công ty TNHH, để đảm bảo tính liên tục của các hộ kinh doanh nếu họ có nhu cầu chuyển đổi.

Tất nhiên, đây mà một nội dung nhỏ trong mục tiêu chính của lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp này, đó là quản trị doanh  nghiệp, nhưng theo các chuyên gia, cũng là một bước phải làm. Bởi, thực tế quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam đang thấp khá xa so với các nước trong khu vực.

Phải nói rõ, quy định pháp lý về quản trị doanh nghiệp của Việt Nam không quá thấp. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo Môi trường kinh doanh, Việt Nam đang đứng thứ 97/190 về chỉ số bảo vệ nhà đầu tư, tương đương với Indonesia và cao hơn Philippines.

Nhưng thứ hạng của Việt Nam trong Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN lại thấp xa so với hai quốc gia trên.

“Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN tính dựa trên 100 doanh nghiệp tốt nhất trên thị trường chứng khoán, nghĩa là các doanh nghiệp có quản trị thuộc nhóm tốt nhất ở Việt Nam. Nên chúng tôi chọn cách sửa đổi các quy định liên quan đến các điểm yếu lớn trong quản trị doanh nghiệp của Việt Nam hiện tại, đó là trách nhiệm của người quản lý, cổ đông kiện người quản lý”, ông Hiếu nói.

Cụ thể, các khoản 2, Điều 114, khoản 4 Điều 149 Luật Doanh nghiệp yêu cầu cổ đông phải có thời gian sở hữu tối thiểu từ 10% cổ phần và trong 6 tháng liên tục mới có quyền đề cử người vào HĐQT. Đây là lý do mà chủ mới của Sabeco chỉ có thể thực hiện tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thay đổi các thành viên HĐQT sau 6 tháng là cổ đông chi phối.

Hơn thế, quy định này đã cản trở cổ đông, nhóm cổ đông nhỏ tiếp cận thông tin về hoạt động của công ty và tham gia vào các quyết định quan trọng của công ty. Thậm chí, quy định này còn cản trở cả cổ đông lớn, vì Luật Chứng khoán quy định cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông đã được coi là cổ đông lớn…

Xác định hộ kinh doanh như một mô hình tổ chức là cần thiết

 PGS-TS. Nguyễn Thường Lạng, Trường đại học kinh tế quốc dân Hà Nội

Việc xác định hộ kinh doanh như 1 hình thức kinh doanh, bình đẳng với doanh nghiệp là cần thiết. Xác định rõ như vậy để khẳng định vị trí pháp lý, quyền kinh doanh của hình thức này. Nhưng với quy định này, Luật Doanh nghiệp đang mang màu sắc của luật kinh doanh, nghĩa là phủ các hình thức kinh doanh khác ngoài doanh nghiệp.

Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp cần chú ý tới tính ổn định của pháp luật

 Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Công ty NHQuang và Cộng sự

Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp cần xem xét và giữ ổn định một số nội dung cốt lõi. Theo tôi đó là vấn đề về sở hữu doanh nghiệp; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp; bảo đảm thuận lợi cho người dân, nhà đầu tư gia nhập thị trường; mô hình tổ chức doanh nghiệp, nhóm công ty, hộ kinh doanh…

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục