Hôm nay, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Hôm nay (20/11), Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về 2 dự luật quan trọng là dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Trong đó, buổi sáng Quốc hội sẽ thảo luận về Luật Đầu tư và buổi chiều thảo luận về Luật Doanh nghiệp.
Một phiên toàn thể tại Quốc hội Một phiên toàn thể tại Quốc hội

Trước đó, ngày 15/11, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội 2 Tờ trình về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Các đại biểu cũng đã cho ý kiến về các dự luật này tại phiên thảo luận tổ cùng ngày.

Ý kiến khác nhau về việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Theo Tờ trình của Chính phủ, mục tiêu của lần sửa đổi Luật Đầu tư này là nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn trên cơ sở bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Hai là, hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng thời cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.

Ba là, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đăng ký đầu tư; cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý giữa các cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trên cơ sở đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Luật này sửa đổi 36 điều, bổ sung 4 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư năm 2014.

Theo đó, bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan. Bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Thu hẹp phạm vi dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo hướng loại bỏ dự án sản xuất thuốc lá; phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh sân golf; nâng mức vốn dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ từ 5.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó là các nội dung quy định liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm liên quan đến đề xuất đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, có 2 loại ý kiến về vấn đề này.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Luật đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Đồng thời, đề nghị có quy định xử lý chuyển tiếp đối với các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ hiện nay, làm rõ tác động và phương án xử lý đối với các doanh nghiệp này trong dự thảo Luật.

Loại ý kiến thứ hai không nên đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời gian qua do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân.

Vì vậy, đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này, ông Thanh nói.

Có nên đưa Hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp?

Đối với dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), mục tiêu tổng quát là hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN 4.

Quan điểm xây dựng luật là tiếp tục kế thừa, tiếp tục phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong các Luật Doanh nghiệp 2000, 2005 và 2014 trong hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế. Đồng thời, bảo đảm thống nhất, phù hợp với sự thay đổi của pháp luật có liên quan, thay đổi kinh tế xã hội trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động cải cách mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh.

Luật này sửa đổi tại 66 điều; bãi bỏ 2 điều; bổ sung 8 điều và 1 chương (chương VIIa, gồm 5 điều, về Hộ kinh doanh).

Nội dung về Hộ kinh doanh là “tiêu điểm” của dự thảo luật sửa đổi lần này.

Nội dung và nguyên tắc cơ bản của quy định này là tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh. Đồng thời, quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự; bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh, như: chỉ được sử dụng dưới 10 lao động; bổ sung quy định về chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nhằm khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành công ty.

Về vấn đề này, nhiều ý kiến thảo luận ở tổ đã kiến nghị nên đưa quy định về hộ kinh doanh vào Nghị định, sau quá trình xem xét, điều chỉnh sẽ xây dựng thành luật riêng về hộ kinh doanh.

Tại phiên thảo luận tổ 17 ngày 15/11, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nội dung quy định về hộ kinh doanh được quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP, song tâm lý các nhà đầu tư chưa yên tâm đối với loại hình này do còn nhiều rủi ro và các hộ kinh doanh đang bị hạn chế nhiều quyền.

Bộ trưởng Dũng phân tích, chúng ta quy định tất cả các quyền của người dân và doanh nghiệp ở luật chứ không phải nghị định. Bây giờ chưa có luật riêng về hộ kinh doanh, chỉ có điều chỉnh ở Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để khuyến khích chuyển sang doanh nghiệp.

Khẳng định việc đưa hộ kinh doanh vào luật là cần thiết, Bộ trưởng Dũng khẳng định, “luật này không làm cản trở hay khó khăn thêm đối với hộ kinh doanh, mà khẳng định địa vị pháp lý và được bảo vệ bởi pháp luật, qua đó khơi thông nguồn lực khu vực này”.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục