Điểm không phù hợp
Theo Bộ Tài chính, kết quả kê khai hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của các doanh nghiệp có chứng khoán niêm yết lần đầu giai đoạn 2004 - 2006 cho thấy, số doanh nghiệp có chứng khoán niêm yết lần đầu trong giai đoạn này là 163 doanh nghiệp. Trong đó, số doanh nghiệp đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế là 106 doanh nghiệp; số doanh nghiệp không đủ điều kiện hưởng ưu đãi (năm 2009 mới kê khai hưởng ưu đãi thuế) là 31 doanh nghiệp; số doanh nghiệp chưa kê khai hưởng ưu đãi thuế là 26 doanh nghiệp.
Theo phán quyết của cơ quan thuế, ngoài hàng loạt doanh nghiệp niêm yết như: CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) CTCP Sông Đà 9.09 (S99); CTCP Viglacera Từ Sơn (VTS)… bị truy thu thuế TNDN, thì còn nhiều doanh nghiệp đang trong diện thanh, kiểm tra và đối mặt với nguy cơ cũng bị truy thu thuế. Mới đây, BMP đã có đơn khiếu nại gửi Tổng cục Thuế.
Nhằm giải quyết dứt điểm các kiến nghị, bức xúc từ phía doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có Công văn 97/BTC-TCT ngày 3/1/2014 báo cáo chi tiết vấn đề và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ chấp nhận biện pháp mà Bộ đã xử lý ưu đãi thuế TNDN đối với các doanh nghiệp có chứng khoán niêm yết lần đầu giai đoạn 2004 - 2006 là được giảm 50% thuế trong năm 2007 - 2008; không kéo dài thực hiện ưu đãi này từ năm 2009. Những doanh nghiệp đã kê khai ưu đãi sai phải thu hồi và không thực hiện phạt hành chính, phạt chậm nộp do nguyên nhân bất khả kháng… Trên cơ sở đề xuất này của Bộ Tài chính, tại Công văn 794/VPCP-KTTH ngày 29/1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có tỷ lệ cổ phần do cổ đông nhà nước sở hữu lớn, việc truy thu thuế theo phương án mà Bộ Tài chính đề xuất đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Lý do là bởi một tỷ lệ đáng kể phần lợi nhuận sau thuế đã được các doanh nghiệp phân phối cho cổ đông, trong đó có cổ đông nhà nước. Do đó, việc truy thu thuế vừa gây khó cho doanh nghiệp, vừa không phù hợp vì xét về bản chất, thông qua việc phân phối cổ tức, tiền đã chảy vào túi ngân sách, trong khi việc truy thu thuế là một hình thức lặp lại của việc thu tiền cho ngân sách. Nói cách khác, đối với ngân sách nhà nước, việc truy thu thuế chẳng qua là hình thức chuyển tiền từ túi nọ sang túi kia.
Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
Trả lời Đầu tư Chứng khoán tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2014 của Bộ Tài chính vừa diễn ra, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Lê Hồng Hải cho biết, Bộ Tài chính đã họp, trao đổi với các doanh nghiệp về hướng tháo gỡ khó khăn nêu trên. Trên cơ sở các ý kiến này, ngày 12/6/2014, Bộ Tài chính đã có Công văn số 7817/BTC-TCT tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 30/6/2014, Văn phòng Chính phủ có Công văn trả lời số 4835/VPCP-KTTH. Theo đó, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo: về nguyên tắc, việc ưu đãi thuế TNDN đối với trường hợp niêm yết chứng khoán lần đầu giai đoạn 2004 - 2006 phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 794/VPCP-KTTH ngày 29/1/2014. Để xử lý khó khăn, vướng mắc như báo cáo của Bộ Tài chính tại Công văn 7817/BTC-TCT, đồng ý về nguyên tắc thực hiện truy thu thuế TNDN phải nộp sau khi trừ đi phần lãi hoặc cổ tức đã chia cho đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng thời giao Bộ Tài chính làm việc với các đơn vị, tổ chức đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp được nhận phần lãi cổ tức được chia này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Bà Hải cho biết thêm, vì tính chất phức tạp của vấn đề truy thu thuế TNDN đối với các doanh nghiệp có chứng khoán niêm yết lần đầu giai đoạn 2004 - 2006, nên trên cơ sở nguyên tắc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tùy từng trường hợp cụ thể, Bộ Tài chính sẽ có hướng xử lý phù hợp.