Có thể thấy, tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt năm nay cao hơn cổ tức bằng tiền mặt trong những năm trước, đồng thời cũng cao hơn so với kế hoạch trước đó của chính những doanh nghiệp này, nhất là tại các mã chứng khoán GAS và DPM.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thanh toán cổ tức bằng tiền trên lợi nhuận sau thuế năm 2013 của một số công ty cũng tăng cao so với những năm trước đó. Mức tăng mạnh nhất được ghi nhận tại DPM, với tỷ lệ chi trả cổ tức trên lợi nhuận sau thuế tăng từ 42% năm 2011 lên 90% năm 2013; tiếp đến là GAS và VNM.
Để lý giải cho xu hướng này, tất cả các công ty nêu trên đều có cổ đông chính là Nhà nước. Từ năm ngoái, việc thu ngân sách của Chính phủ đã gặp khó khăn, mặc dù mức thâm hụt ngân sách đã được điều chỉnh lên 5,3% GDP, cao hơn so với mức 4,8% cho năm 2012. Có nhiều nguyên nhân của việc tăng thâm hụt ngân sách.
Thứ nhất, lộ trình hội nhập thương mại, nhiều loại thuế nhập khẩu và xuất khẩu của Việt Nam đã được cắt giảm hoặc xóa bỏ, làm giảm số thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Thứ hai, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước đã suy giảm và số lượng doanh nghiệp phải đóng cửa tăng lên, làm giảm nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nhằm giảm thâm hụt ngân sách, Quốc hội và Chính phủ hy vọng tăng thu ngân sách thông qua thu nhập từ cổ tức của các công ty mà Nhà nước giữ cổ phần và lợi nhuận giữ lại từ các công ty nhà nước sở hữu 100% vốn. Điều này được thể hiện qua Nghị quyết 54/2013/QH13 của Quốc hội về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, Nghị quyết 57/2013/QH13 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 và Nghị định số 204/2013/NĐ-CP ngày 5/12/2013 của Chính phủ về thu tiền cổ tức của các công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước do các bộ, ngành, địa phương quản lý và lợi nhuận sau trích lập các quỹ của các tập đoàn, tổng công ty có 100% vốn nhà nước và khoản lãi của nước chủ nhà ở Liên doanh Vietsovpetro.
Trong năm 2013, Bộ Tài chính đã thu vào ngân sách trên 20.000 tỷ đồng cổ tức doanh nghiệp nhà nước và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các tập đoàn, tổng công ty mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.
Vì vậy, áp lực từ các cổ đông nhà nước là một trong những lý do cho tỷ lệ cổ tức cao bất ngờ được đề xuất trong đại hội đồng cổ đông năm nay. Điều này có thể dễ dàng được thực hiện, do các công ty này đã trải qua một thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm trước đó và tích lũy được một số lượng lớn lợi nhuận giữ lại.
Ước tính sơ bộ, chỉ riêng cho năm tài chính 2013, các doanh nghiệp đề cập trên đây đã chi trả cho cổ đông nhà nước thêm 6.180 tỷ đồng tiền cổ tức. Con số này chưa tính đến các ngân hàng quốc doanh được cổ phần hóa mà Nhà nước nắm sở hữu chi phối, bao gồm Vietcombank (VCB),
VietinBank (CTG) và BIDV (BID). Nếu tính cả lượng tiền cổ tức từ 3 ngân hàng này cho năm 2013, ước tính có thêm gần 3.000 tỷ đồng được nộp vào ngân sách.
Các khoản tiền lớn chi trả cổ tức sẽ làm giảm nguồn vốn của doanh nghiệp, buộc các doanh nghiệp phải tăng cường vay nợ để bù đắp nguồn vốn cho việc mở rộng sản xuất, kinh doanh. Thực tế này dẫn đến chi phí lãi vay tăng lên, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Thực tế, kế hoạch kinh doanh năm 2014 của các doanh nghiệp trên có tốc độ tăng trưởng chậm lại so với trước đây. Bảng 3 cho thấy, ngoại trừ BVH và DHG có kế hoạch lợi nhuận năm 2014 tăng nhẹ so với năm 2013, các doanh nghiệp còn lại đều dự kiến lợi nhuận giảm đáng kể. Do đó, các doanh nghiệp này đều lên kế hoạch chi trả cổ tức thấp hơn cho năm 2014 (Bảng 1). Thực tế đó đặt ra câu hỏi về tính bền vững với nguồn thu ngân sách từ cổ tức tại các doanh nghiệp niêm yết này trong những năm tới.