Ði những con đường khó
Với đặc thù khí hậu nhiệt đới ẩm, nước ta có lợi thế phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, trong đó có trồng trọt các loại cây ăn trái. Dẫu vậy, sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn ở trình độ lạc hậu, việc tạo ra hạt giống chất lượng cao đang là bài toán nan giải. Lâu nay, hơn 80% hạt giống dưa hấu F1 tại Việt Nam được nhập khẩu với giá cao.
Trăn trở với điều này, từ vài năm trước, Tập đoàn Lộc Trời đã hợp tác, nghiên cứu, canh tác thử nghiệm và nhận chuyển giao kỹ thuật với Hagihara Farm (Nhật Bản) trong sản xuất hạt giống dưa hấu.
Ðã có lúc việc thử nghiệm gặp thất bại. Ấy là khi Lộc Trời trồng thử nghiệm tại Pleiku, Gia Lai theo yêu cầu của Hagihara Farm. Thất bại vì “không kiểm tra biên nhiệt độ ở đây” dù trước đó, họ đã khảo sát thổ nhưỡng rất kỹ càng. Sau đó, Lộc Trời phải thuyết phục đối tác chuyển sang trồng thử tại đồng bằng sông Cửu Long, khu vực có các điều kiện tự nhiên phù hợp.
Và mô hình canh tác tại Tiền Giang và Hậu Giang mà Lộc Trời và các nông dân nỗ lực ngày đêm chăm bón đã được đối tác Nhật Bản đánh giá đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu trong quá trình kiểm nghiệm.
Trước mắt, Hagihara Farm “đặt hàng” Lộc Trời 100 kg hạt giống dưa hấu không hạt và 200 kg hạt giống dưa hấu có hạt. Hagihara Farm nhập hạt giống dưa hấu F1 về Nhật Bản để tiếp tục xuất khẩu và trồng ra thương phẩm, cung cấp cho thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, công ty này cũng có kế hoạch trồng dưa hấu thương phẩm tại Việt Nam để xuất sang thị trường khác. Với thành công của dự án hợp tác này, Lộc Trời đã khẳng định mạnh mẽ về năng lực của mình trong việc sản xuất hạt giống chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế và đặt bước chân đầu tiên hướng đến thị trường hạt giống toàn cầu.
“Ðây không chỉ là tin vui đối với người nông dân, mà còn mở ra triển vọng rất lớn cho ngành xuất khẩu rau quả của Việt Nam, hiện đang được kỳ vọng là một ngành hàng chủ lực của nông nghiệp. Khát vọng của Công ty là không chỉ sản xuất, phân phối hạt giống để xuất sang Nhật, mà còn tiến tới xây dựng quy trình trồng dưa hấu hữu cơ tại Việt Nam”, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời hồ hởi chia sẻ.
Trong chiến lược phát triển chuỗi nông nghiệp bền vững, Lộc Trời đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng. Trước khi trồng thử nghiệm thành công giống hạt dưa hấu từ Nhật Bản, Tập đoàn đã khẳng định uy tín trên thị trường hạt giống với các giống lúa Lộc Trời 1, Lộc Trời 3, Lộc Trời 5… có khả năng thích ứng với vùng đất nhiễm phèn, cho năng suất cao, chất lượng gạo thơm ngon.
Không dừng lại ở các kết quả đã đạt được, Lộc Trời định hướng liên tục mở rộng hợp tác, đặc biệt là hướng tới sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhất trên thế giới.
Từ cuối năm 2016, Lộc Trời bắt đầu triển khai sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (SRP). Ðây là bộ tiêu chuẩn đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa gạo bền vững có tiêu chí nhấn mạnh các yếu tố kinh tế - xã hội, môi trường và 8 vấn đề bảo đảm sản xuất lúa gạo bền vững như: quản lý tốt đồng ruộng, sử dụng nguồn tài nguyên nước hợp lý, quản lý sâu bệnh, quản lý dinh dưỡng, giảm thất thoát sau thu hoạch, bộ tiêu chí coi trọng an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn sức khoẻ cho người lao động, người tiêu dùng.
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, toàn bộ vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo của Tập đoàn Lộc Trời với gần 12.000 ha đều đã sản xuất thành công gạo theo tiêu chuẩn SRP.
Mới đây, trong chuyến công tác đến thăm vùng nguyên liệu áp dụng theo bộ tiêu chí sản xuất lúa gạo bền vững SRP của Tập đoàn Lộc Trời, các chuyên gia điều phối về kỹ thuật SRP, nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) đánh giá rất cao thành công của Tập đoàn trong việc hợp tác, giúp đỡ nông dân sản xuất lúa bền vững dựa trên 46 tiêu chí của SRP.
Mô hình này giúp nông dân giảm khoảng 15% chi phí đầu tư cho thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ sức khỏe nông dân và bảo vệ môi trường.
Việc áp dụng bộ tiêu chí sản xuất lúa bền vững do SRP ban hành sẽ giúp người nông dân sản xuất ra hạt gạo an toàn, chất lượng. Bà con nông dân khi hợp tác sản xuất với Tập đoàn Lộc Trời sẽ được Lực lượng 3 Cùng của Tập đoàn sát cánh hỗ trợ trong suốt mùa vụ để đảm bảo việc tuân thủ các quy trình kiểm soát đồng ruộng.
Bên cạnh đó, khâu canh tác của bà con được đưa vào áp dụng giải pháp quản lý dịch hại tiên tiến, thân thiện với môi trường theo hướng hữu cơ sinh học mà Lộc Trời đang không ngừng nghiên cứu phát triển.
Ðiểm sáng kết quả bán niên và cơ hội từ các FTA
Báo cáo tài chính quý II/2019 của Tập đoàn Lộc Trời cho biết, doanh thu của Tập đoàn trong quý này đạt 2.955 tỷ đồng, giảm 4,4% so với cùng kỳ 2018. Nhờ giá vốn giảm mạnh, lợi nhuận gộp tăng hơn 17,4% lên 628,7 tỷ đồng. Trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn thu về 192 tỷ đồng, tăng 62,7% so với cùng kỳ, cao nhất trong vòng 3 năm gần đây.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Công ty đạt 4.600,4 tỷ đồng doanh thu, giảm 0,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại tăng 30,7% so với cùng kỳ, đạt 250 tỷ đồng. Với kết quả này, Lộc Trời đã hoàn thành 48% kế hoạch lợi nhuận cả năm được cổ đông thông qua.
Việc thay đổi chính sách công nợ và tái cơ cấu hệ thống bán hàng vật tư nông nghiệp được Lộc Trời tập trung triển khai từ đầu năm 2019 với mục tiêu cải thiện chất lượng các khoản phải thu, đảm bảo tăng trưởng bền vững của hoạt động bán hàng trong dài hạn. Một chuyển động nổi bật nằm ở mảng gạo của doanh nghiệp.
Trong báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) được công bố mới đây, biên lợi nhuận gộp của mảng gạo có thương hiệu trong nửa đầu năm 2019 đạt từ 20 -25%, khá hấp dẫn so với kênh xuất khẩu truyền thống (dưới 10%). Việc xuất khẩu sang thị trường EU và Nhật Bản cũng giúp giá xuất khẩu tốt và ổn định hơn các thị trường đang phát triển và Trung Quốc.
Tỷ trọng doanh thu của sản phẩm gạo có thương hiệu trong nửa đầu năm 2019 đã tăng lên mức 16% trong tổng doanh thu ngành gạo so với mức 7,5% của cùng kỳ 2018 và triển vọng tiếp tục tích cực.
Hiện nay toàn bộ vùng nguyên liệu của Lộc Trời đang được sản xuất theo tiêu chuẩn EU dựa trên nền tảng bộ tiêu chuẩn SRP, bên cạnh lợi thế về thuế suất nhập khẩu gạo (0%) với hạn ngạch lên đến 80.000 tấn gạo các loại mỗi năm ngay khi Hiệp định thương mại tự do EU- Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực.
Cùng với sự đồng hành, giúp đỡ của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), các chuyên gia điều phối về kỹ thuật SRP, các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI), đặc biệt là sự kết hợp, nỗ lực không ngừng của người nông dân, Tập đoàn Lộc Trời đã và đang góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho hạt gạo Việt Nam, tận dụng tốt hơn các cơ hội trên thị trường quốc tế, đặc biệt với mặt hàng gạo chất lượng cao.
Ðồng thời, việc kết nối nông dân Việt với chuỗi cung ứng lúa gạo toàn cầu sẽ giúp họ cải thiện sinh kế trên cơ sở sản xuất bền vững.