ACB tăng trưởng bền vững theo thời gian

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Trải qua hơn ba thập kỷ phát triển, ACB không ngừng duy trì đà tăng trưởng bền vững, được thể hiện rõ qua những chỉ số tài chính ấn tượng. Suốt 5 năm qua, ACB luôn nằm trong nhóm ngân hàng dẫn đầu, giữ vững vị thế ở nhiều chỉ số then chốt.
Thế mạnh của ACB là ở nhóm khách hàng cá nhân Thế mạnh của ACB là ở nhóm khách hàng cá nhân

Tăng trưởng

Ngân hàng hiện nằm trong nhóm các đơn vị có quy mô tín dụng và huy động lớn nhất trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cũng luôn duy trì ở mức cao hàng đầu thị trường - phản ánh hiệu quả vận hành vượt trội và nền tảng tài chính lành mạnh của Ngân hàng.

Một trong những điểm nóng tại Đại hội cổ đông thường niên 2025 của ACB là khả năng thực thi các chỉ tiêu kế hoạch trong bối cảnh thị trường bước sang đầu quý II/2025 với một số thông tin không tích cực. Theo kế hoạch kinh doanh 2025 đã được cổ đông thông qua, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với kết quả năm 2024. Các chỉ tiêu còn lại bao gồm: tổng tài sản tăng 14% lên 984.967 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 14% lên 728.409 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 16% lên 673.596 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2% (cuối năm 2024 là 1,49%).

Kết thúc quý I/2025, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 4.600 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Lãnh đạo ACB cho biết, nguyên nhân chính là do Ngân hàng chủ động triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất nhằm hỗ trợ khách hàng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dù lợi nhuận giảm nhẹ, tỷ lệ ROE vẫn đạt trên 20%. Tính đến cuối quý I, quy mô tín dụng của ACB đạt 590.000 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng huy động vốn (bao gồm tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá) đạt 664.000 tỷ đồng, tăng 4% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ còn 1,48%, tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) ở mức 79,8%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 18,8%, tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất (CAR) trên 11%.

Với chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra, ACB có cơ sở để kỳ vọng hoàn thành mục tiêu từng quý, qua đó hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm 2025. Năm 2025 cũng đánh dấu khởi đầu cho giai đoạn chiến lược 2025 - 2030, với mục tiêu chính là duy trì ROE tối thiểu 20% như 5 năm vừa qua, đồng thời từng bước nâng cao khả năng sinh lời. Các mảng hoạt động liên quan đến khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp và định chế tài chính tiếp tục là động lực tăng trưởng chính.

Năm 2025 đánh dấu khởi đầu cho giai đoạn chiến lược 2025 - 2030 của ACB, với mục tiêu chính là duy trì ROE tối thiểu 20% như 5 năm vừa qua, đồng thời từng bước nâng cao khả năng sinh lời.

Điểm mới trong chiến lược là tăng cường đầu tư vào khối khách hàng doanh nghiệp, khối thị trường tài chính và các công ty con để tối ưu hiệu quả hoạt động.

Tổng giám đốc ACB, ông Từ Tiến Phát chia sẻ, những tháng đầu năm 2025 ghi nhận các yếu tố vừa tích cực, vừa không tích cực đan xen. Tăng trưởng GDP quý I đạt gần 7%, lạm phát được kiểm soát, đầu tư nước ngoài và các chỉ số khác đều khả quan. Tuy nhiên, từ đầu quý II, các yếu tố bất lợi bắt đầu xuất hiện. Đặc biệt, thông tin Mỹ áp thuế quan đối ứng đã ảnh hưởng mạnh tới tâm lý thị trường. Ngay khi có thông tin về thuế quan của Mỹ, ACB đã tiến hành rà soát toàn bộ danh mục khách hàng để đánh giá sơ bộ mức độ ảnh hưởng.

“ACB có những nhận định và chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống kinh doanh. Dù trong kịch bản vĩ mô đầy thách thức, chúng tôi vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay từ 16 - 18%”, ông Phát nói.

Theo ông Phát, thế mạnh của ACB là ở nhóm khách hàng cá nhân. Nhu cầu tín dụng - đặc biệt trong nhóm này - đang phục hồi khi thị trường bất động sản khởi sắc trở lại. Đồng thời, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) cũng cho thấy tín hiệu tăng trưởng tích cực. ACB đã triển khai gói hỗ trợ tổng quy mô 40.000 tỷ đồng, trong đó 20.000 tỷ đồng dành cho SMEs và 20.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp lớn đầu tư vào hạ tầng, công nghệ số. Lãi suất ưu đãi thấp hơn thông thường từ 2% trở lên. Gói hỗ trợ này bao gồm cho vay không tài sản bảo đảm với khách hàng xuất khẩu, tài trợ chuỗi cung ứng, thấu chi tín chấp cho SMEs, cấp tín dụng dài hạn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững. Ngoài ra, ACB cũng đã tung ra gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho người trẻ vay mua nhà.

Vững chắc

Trong bối cảnh ngành ngân hàng liên tục chịu ảnh hưởng từ chuyển đổi số, thay đổi trong hành vi khách hàng và yêu cầu từ thị trường toàn cầu, ACB chọn con đường chủ động đổi mới thay vì bị động thích nghi. Ngân hàng liên tục đầu tư vào hạ tầng công nghệ, đội ngũ nhân sự chất lượng cao và hệ thống dữ liệu, sẵn sàng bứt phá trong kỷ nguyên số. ACB cũng là một trong những ngân hàng tiên phong lồng ghép các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội, quản trị) vào chiến lược kinh doanh, từng bước xây dựng mô hình phát triển bền vững.

Việc xây dựng nền tảng kinh doanh vững chắc, trong đó “Hiệu quả hoạt động kinh tế gắn liền với phát triển bền vững” đã giúp ACB tạo dựng niềm tin lâu dài trong mắt nhà đầu tư, khách hàng và xã hội. Trong bối cảnh toàn ngành đang chuyển mình mạnh mẽ, tầm nhìn và định hướng chiến lược 20 năm tới của ACB được gắn chặt với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tập trung vào chuyển đổi số toàn diện, phát triển bền vững gắn với ESG, đồng hành cùng chính quyền và doanh nghiệp xây dựng hệ sinh thái tài chính hiện đại, xanh và toàn diện.

Cuối quý III/2024, sau quá trình hợp tác kỹ thuật với IFC, ACB chính thức công bố Khung Tài chính bền vững (Sustainable Finance Framework) - được xem là hệ thống công cụ tích hợp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh, phù hợp với chiến lược phát triển dài hạn của Ngân hàng.

Khung này cũng tuân thủ định hướng về tín dụng xanh từ Ngân hàng Nhà nước. Trong thời gian qua, dưới sự dẫn dắt của Ngân hàng Nhà nước, ACB đã tích cực triển khai các hoạt động phù hợp với chương trình hành động của ngành ngân hàng theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, những nỗ lực này cũng phù hợp với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp quốc, thể hiện cách tiếp cận toàn diện và có nguyên tắc của ACB trong việc thúc đẩy tăng trưởng dài hạn gắn với bảo vệ môi trường và cộng đồng.

Đầu năm 2024, ACB chủ động triển khai gói tín dụng 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có để hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc danh mục xanh/xã hội, nhằm tài trợ nhu cầu vốn sản xuất - kinh doanh và đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững. Tính đến cuối tháng 8/2024, Ngân hàng đã giải ngân 86% gói tín dụng này.

Ông Ngô Tấn Long - Phó tổng giám đốc ACB chia sẻ: “Chúng tôi sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp trong quá trình chuyển dịch phát triển bền vững. Về lâu dài, ACB sẽ tiếp tục mở rộng nguồn vốn xanh phù hợp với chiến lược ESG của Ngân hàng”.

Khung Tài chính bền vững của ACB được hoàn thiện dựa trên các nguyên tắc của trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội do Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) ban hành, nguyên tắc cho vay xanh/xã hội do Hiệp hội Thị trường cho vay (LMA) đề xuất, bao gồm: mục đích sử dụng nguồn vốn; quy trình đánh giá và lựa chọn dự án bền vững; quản lý nguồn vốn huy động; báo cáo minh bạch về phân bổ và tác động. Tuân thủ các nguyên tắc này sẽ giúp ACB thiết lập chuẩn mực để phát hành trái phiếu/khoản vay bền vững, đồng thời thúc đẩy hoạt động tài chính có trách nhiệm và hiệu quả.

Khung này sẽ được triển khai cùng với chính sách đánh giá rủi ro môi trường và xã hội (E&S) của ACB. Đặc biệt, Khung đã được tổ chức xếp hạng uy tín Moody’s đưa ra ý kiến đánh giá độc lập về mức độ tuân thủ nguyên tắc và tác động đến môi trường - xã hội. Đồng thời, Moody’s cũng chấm điểm Chất lượng bền vững (Sustainability Quality Score - SQS) của ACB ở mức SQS3 (Tốt) và ghi nhận năng lực quản lý rủi ro ESG mạnh mẽ của Ngân hàng.

Thùy Thanh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục