Eximbank đi nhanh, nhưng không vội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết quả lợi nhuận trước thuế đạt 832 tỷ đồng trong quý I/2025, tăng 25,8% so với cùng kỳ của Eximbank (mã chứng khoán EIB) đã phản ánh hiệu quả bước đầu từ quá trình tái cấu trúc toàn diện mô hình hoạt động, quản trị rủi ro và chiến lược phát triển khách hàng trong bối cảnh nền kinh tế còn đối diện nhiều thách thức.
Kết quả kinh doanh tích cực quý đầu năm là nền tảng vững chắc để Eximbank chủ động trong chính sách tín dụng và điều hành nguồn vốn trong các quý tiếp theo Kết quả kinh doanh tích cực quý đầu năm là nền tảng vững chắc để Eximbank chủ động trong chính sách tín dụng và điều hành nguồn vốn trong các quý tiếp theo

Hoạt động kinh doanh tăng trưởng ấn tượng

Theo báo cáo tài chính quý I/2025 của Eximbank, thu nhập lãi thuần tiếp tục là nguồn thu chủ lực, đạt 1.354 tỷ đồng. Các mảng hoạt động ngoài lãi ghi nhận sự cải thiện đáng kể, đặc biệt là kinh doanh ngoại hối với lãi thuần đạt 201,7 tỷ đồng, tăng mạnh 141% so với cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ ngân hàng mang về 146 tỷ đồng, tăng 32,2%, trong khi lãi thuần từ các hoạt động khác tăng lên 109 tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng vượt 1.800 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ, cho thấy nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu đang mang lại hiệu quả rõ rệt. Việc thúc đẩy mạnh các mảng ngoài lãi sẽ giúp Eximbank giảm sự phụ thuộc vào thu nhập từ lãi vay, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh trong môi trường kinh tế khó khăn.

Tính đến hết quý I/2025, tổng tài sản của Eximbank đạt 251.133 tỷ đồng, tăng 4,74% so với cùng kỳ. Cho vay khách hàng đạt 180.336 tỷ đồng, tăng 9,2%, trong khi dư nợ tín dụng đạt 182.258 tỷ đồng, tăng 8,34%. Tín dụng được phân bổ vào các lĩnh vực trọng tâm như khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), doanh nghiệp FDI và hệ sinh thái doanh nghiệp lớn, phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Tiền gửi khách hàng đạt 175.759 tỷ đồng, tăng 4,96%, tương đương mức tăng gần 8.300 tỷ đồng so với đầu năm.

Eximbank tiếp tục duy trì các chỉ số an toàn tài chính ở mức tích cực: Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn duy trì quanh mức 23-25%, thấp hơn ngưỡng 30% của Ngân hàng Nhà nước; tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) kiểm soát dưới 85% và hệ số an toàn vốn (CAR) xấp xỉ 12%, cao hơn mức tối thiểu 8% theo quy định. Các chỉ số này phản ánh chiến lược điều hành thận trọng, bảo đảm khả năng ứng phó linh hoạt trước các biến động vĩ mô và thị trường.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của Eximbank đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu tăng trưởng cao

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của Eximbank đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu tăng trưởng cao

Chiến lược phát triển bền vững và đẩy mạnh chuyển đổi số

Theo lãnh đạo Eximbank, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 và các năm tới là phát triển nền tảng khách hàng, định vị phân khúc mục tiêu, nâng cao hiệu quả, gia tăng năng lực cạnh tranh. Eximbank sẽ tái cấu trúc tài chính và danh mục tài sản, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, phát huy mô hình xử lý nợ tập trung; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, cải thiện các chỉ số sinh lời, tăng cường năng lực tài chính, khả năng ứng phó rủi ro. Eximbank luôn chú trọng kiện toàn năng lực quản trị rủi ro, nhất là với rủi ro thanh khoản thông qua chỉ số an toàn vốn. Eximbank đã có lộ trình triển khai các tiêu chuẩn Basel III, IFRS…, qua đó đưa việc công bố thông tin đến chuẩn mực quốc tế.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2025 tổ chức vào cuối tháng 4/2025, các cổ đông Eximbank đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng mạnh: Tổng tài sản đạt 265.500 tỷ đồng, tăng 10,7%; huy động vốn 206.000 tỷ đồng, tăng 15,5% và dư nợ tín dụng 195.500 tỷ đồng, tăng 16,2%; lợi nhuận trước thuế đạt 5.188 tỷ đồng, tăng gần 24% so với kết quả năm trước.

Đáng chú ý, Eximbank đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu ở dưới mức 1,99% cho thấy cam kết cao trong việc nâng cao chất lượng tín dụng và hiệu quả vận hành. Để đạt được các mục tiêu đề ra, Ban Tổng giám đốc Eximbank đưa ra các giải pháp nhằm tăng trưởng quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng bền vững - an toàn - hiệu quả. Trong đó, cải thiện NIM (biên lãi thuần) thông qua đẩy mạnh phân khúc ngân hàng bán lẻ, doanh nghiệp SME; tăng cường khai thác hệ sinh thái khách hàng doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI, gia tăng nguồn vốn không kỳ hạn (CASA), nguồn vốn có chi phí thấp từ các tổ chức kinh tế và dân cư; bám sát diễn biến thị trường, tận dụng cơ hội để tăng trưởng nguồn vốn trung - dài hạn đảm bảo cho nhu cầu phát triển kinh doanh.

Chia sẻ tại đại hội, ông Nguyễn Hoàng Hải - Quyền Tổng giám đốc Eximbank cho biết, Ngân hàng sẽ thực hiện một loạt thay đổi quan trọng trong thời gian tới, không chỉ về cấu trúc tổ chức, mà còn trong cách xây dựng hình ảnh thương hiệu trên thị trường. Những thay đổi này sẽ được phản ánh qua thị giá cổ phiếu, quy mô vốn hóa, và vị thế thương hiệu, chứ không đơn thuần là con số lợi nhuận. Eximbank theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, ưu tiên hiệu quả, an toàn hệ thống, với mục tiêu “đi nhanh, nhưng không vội” để tạo nền móng vững chắc cho các giai đoạn phát triển tiếp theo.

Eximbank đã, đang đầu tư cho chuyển đổi số, thay đổi mạnh mẽ về tư duy số hóa toàn diện từ onboarding khách hàng trực tuyến, triển khai các dịch vụ tài chính trên nền tảng số, phục vụ khách hàng trên không gian số. Điều này sẽ giúp giảm mạnh chi phí vận hành, tinh gọn nhân sự, tăng tốc độ và năng suất hệ thống. Tuy nhiên, đi cùng với đó là yêu cầu đầu tư lớn cho công nghệ và hoạch định rõ ràng để không bị tụt hậu so với tốc độ phát triển công nghệ mới.

Theo đó, Eximbank tập trung vào thế mạnh của mình ở mảng xuất nhập khẩu, tập trung tối ưu hóa lợi ích, giao dịch tài trợ thương mại, tăng thu nhập từ phí dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ, thay vì chỉ cạnh tranh bằng lãi suất. Eximbank có những khách hàng gắn bó bền vững 15-20 năm, tỷ lệ khách hàng lâu năm thuộc tốp cao nhất thị trường là nền tảng để phát triển mảng tài trợ thương mại về dài hạn. Năm qua, Eximbank được nhiều đối tác nước ngoài cấp hạn mức tài trợ lớn 200-400 triệu USD để phục vụ tài trợ thương mại.

Ông Hải cũng nhấn mạnh, Eximbank tăng cường các hoạt động quản trị rủi ro, kiểm soát chặt và nỗ lực xử lý nợ xấu ở các giai đoạn trước. Mục tiêu của Eximbank là đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 2% trong năm 2025. Một điểm thuận lợi lớn cho công tác xử lý nợ xấu đó là chất lượng tài sản thế chấp của Eximbank là rất tốt, tỷ lệ cho vay có tài sản đảm bảo lên tới 96% tổng dư nợ. Tăng trưởng tín dụng Eximbank đi đôi với đảm bảo an toàn hoạt động, kiểm soát chặt chẽ nợ xấu phát sinh, hoàn thiện mô hình xử lý nợ tập trung.

Đặc biệt, đẩy mạnh chuyển đổi số, ngân hàng số toàn diện tiếp tục là chiến lược quan trọng để Eximbank thực hiện các mục tiêu trên. Bên cạnh các chỉ tiêu tài chính, Eximbank tiếp tục đầu tư vào nền tảng số, hiện đại hóa vận hành, tái định vị thương hiệu theo hướng ngân hàng đa kênh, thân thiện, minh bạch và bền vững. Hệ thống ngân hàng số EDigi, nền tảng dành cho doanh nghiệp EBiz cùng loạt công nghệ như AI, RPA và sinh trắc học giọng nói đang dần được tích hợp sâu trong quy trình vận hành. Đây là nền tảng giúp Eximbank tối ưu chi phí, nâng cao trải nghiệm khách hàng và gia tăng hiệu suất làm việc nội bộ.

Với nền tảng tài chính ổn định, định hướng phát triển rõ ràng và sự đồng thuận chiến lược từ Ban lãnh đạo đến các cổ đông, Eximbank đang thể hiện quyết tâm từng bước khẳng định vị thế là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần năng động, minh bạch và đáng tin cậy hàng đầu tại Việt Nam.

Minh Anh
Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2025

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục