Vượt qua “vùng trũng” quý II
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán MWG) đạt tổng doanh thu 70.804 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành 51% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế 2.576 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành 41% kế hoạch năm.
Tại Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã chứng khoán FRT), kết quả kinh doanh tích cực hơn nhiều, dù quý II/2022, thị trường bán lẻ đi vào “vùng trũng” khi nhu cầu mua sắm giảm sau dịp lễ, tết.
Theo FPT Retail, nửa đầu năm 2022, Công ty đạt doanh thu hợp nhất 13.999 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 52% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 263 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 37% kế hoạch năm.
Trong đó, doanh thu chuỗi nhà thuốc Long Châu đạt 4.008 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ; doanh thu online đạt 2.618 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ và chiếm 19% tổng doanh thu. Ngành hàng laptop vẫn là điểm sáng của FPT Retail khi mang lại doanh thu 2.278 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.
Đối với Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán PNJ), doanh nghiệp này nhìn nhận, trong quý I/2022, sức mua hồi phục sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng bước sang quý II, thị trường bán lẻ có dấu hiệu suy giảm. Để cải thiện tình hình, PNJ đã đưa ra thị trường những sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, đẩy mạnh chiến lược mở rộng thị phần, chuyển đổi số.
Nhờ đó, kết thúc tháng 6/2022, PNJ đạt tổng doanh thu 18.210 tỷ đồng, tăng 56%; lợi nhuận sau thuế 1.088 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2021. So với kế hoạch cả năm, Công ty đã hoàn thành 70,5% mục tiêu doanh thu và 82,5% mục tiêu lợi nhuận.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã chứng khoán DGW) đạt 11.810 tỷ đồng doanh thu và 351 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2022, lần lượt tăng trưởng 28% và 58% so với cùng kỳ.
Nhìn về 6 tháng cuối năm 2022, một số nhà phân tích cho rằng, mức tăng trưởng của nhóm bán lẻ sẽ không cao, thậm chí lợi nhuận quý IV của Digiworld và FPT Retail có thể suy giảm so với cùng kỳ năm 2021 - quý có doanh thu máy tính xách tay cao đột biến.
Áp lực lạm phát những tháng cuối năm 2022
Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, lạm phát toàn cầu tính đến quý II/2022 là 7,8%, mức cao nhất kể từ năm 2008 (9,2%).
Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới công bố ngày 26/7/2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, GDP toàn cầu tăng 3,2% trong năm nay, giảm 0,4% so với dự báo hồi tháng 4. Đồng thời, IMF nâng dự báo lạm phát toàn cầu thêm 1%, lên mức 5,7% ở các nền kinh tế phát triển, 8,7% ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Tại Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 tăng 0,4% so với tháng 6, tăng 3,59% so với tháng 12/2021 và tăng 3,14% so với tháng 7/2021; CPI bình quân 7 tháng năm 2022 tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát tăng làm giảm sức mua, nhưng triển vọng ngành bán lẻ trong trung và dài hạn vẫn được đánh giá khả quan.
Lạm phát được nhiều chuyên gia đánh giá vẫn trong tầm kiểm soát, cả năm 2022 ít có khả năng vượt mức 4%, dù vẫn chịu áp lực lạm phát nhập khẩu trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu (chi phí này chiếm 37% tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế).
Tuy nhiên, Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định, lạm phát gia tăng sẽ tác động tiêu cực đến chi tiêu của người tiêu dùng, tăng trưởng của các doanh nghiệp bán lẻ trong thời gian tới sẽ không cao như kỳ vọng. Tăng trưởng lợi nhuận của Digiworld và FPT Retail đã đạt đỉnh vào quý IV/2021, trong khi PNJ có thể đạt đỉnh vào quý III/2022.
Nhìn nhận lạm phát sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp bán lẻ trong 2 quý cuối năm 2022, SSI Research khuyến nghị, nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng nhóm cổ phiếu này trong ngắn hạn.
Triển vọng các doanh nghiệp trong trung và dài hạn
Theo phân tích của SSI Research, năm 2023, Digiworld có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận với sự đóng góp nhiều hơn từ các hợp đồng mới được ký kết (hợp đồng phân phối thiết bị gia dụng thương hiệu Whirlpool và Joyoung) và doanh thu từ các hợp đồng hiện tại có thể gia tăng (phân phối điện thoại di động Xiaomi, iPhone...).
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, trong năm 2022 và giai đoạn trung hạn, Digiworld có triển vọng tăng trưởng tốt nhờ việc mở rộng danh mục phân phối, hoạt động kinh doanh cốt lõi tiếp tục khả quan.
Nhìn về dài hạn, có 3 yếu tố hỗ trợ cho Digiworld: các kênh phân phối có sẵn; nhu cầu về các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) gia tăng; vị thế doanh nghiệp tăng cao mang lại lợi thế thương lượng với các nhà cung cấp và các bên bán lẻ.
Đối với FPT Retail, SSI Research nhận định, công ty này có thể gia tăng lợi nhuận trong năm 2013 nhờ thị phần ICT tăng lên và chuỗi nhà thuốc Long Châu tiếp tục giành thị phần từ các cửa hàng thuốc nhỏ lẻ.
FPT Retail cho biết, tính đến 30/6/2022, Công ty có 678 nhà thuốc Long Châu trên cả nước, mở mới 278 nhà thuốc so với đầu năm. Quý III/2022, doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện và nâng cao các dịch vụ nhằm đưa đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm tốt nhất.
Trong khi đó, lợi nhuận năm 2023 của MWG có thể tăng nhờ thị phần mảng ICT và điện tử gia dụng (CE) được cải thiện, nhưng còn phụ thuộc vào khả năng thành công của hoạt động tái cơ cấu mảng Bách hóa xanh trong quý II và III/2022. Theo SSI Research, nếu quá trình tái cấu trúc thành công, mức tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai có thể bắt kịp mức tăng trước đại dịch Covid-19 (giai đoạn 2017 - 2019 tăng 30 - 40%).
Về PNJ, trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư cuối tháng 7/2022, ban lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ, lạm phát chưa ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh tháng 6 - 7/2022, nhưng dự kiến sẽ có một số tác động vào cuối quý III và đầu quý IV. Mặc dù vậy, PNJ kỳ vọng, trong 6 tháng cuối năm nay, Công ty sẽ tăng trưởng ít nhất 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, để lạm phát trung bình cả năm 2022 vượt mức 4% thì CPI trong 6 tháng cuối năm phải tăng trung bình hơn 0,7%/tháng. Kịch bản này ít có khả năng xảy ra. Kịch bản nhiều khả năng xảy ra là giá xăng dầu và các nguyên vật liệu không tăng mạnh trong thời gian tới, tốc độ tăng CPI trong nửa cuối năm 2022 sẽ không quá 0,5%/tháng.