Lỗ nặng, bảo hiểm nông nghiệp tìm hướng đi mới

(ĐTCK) Cùng với việc tạm ngừng triển khai bán mới bảo hiểm nông nghiệp để chờ chủ trương chính thức từ cấp có thẩm quyền, hiện các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được chọn triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đang tự rút kinh nghiệm qua thời gian làm thí điểm bảo hiểm nông nghiệp để tìm hướng đi mới cho sản phẩm này.
Tỷ lệ bồi thường bảo hiểm nông nghiệp lên tới 178,1% Tỷ lệ bồi thường bảo hiểm nông nghiệp lên tới 178,1%

Thông báo mới nhất của Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở kết quả công tác thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn chỉnh văn bản tổng kết báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết thúc chương trình thí điểm và nghiên cứu khả năng thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể chủ động thực hiện, đảm bảo nguyên tắc bảo hiểm cũng như tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán về hướng đi mới cho bảo hiểm nông nghiệp, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, công ty đang chờ xem chính sách của Nhà nước sắp tới sẽ như thế nào để lên phương án kinh doanh phù hợp. Tuy nhiên, mọi phương án phải xây dựng trên nguyên tắc chung là đánh giá, tính toán từ nhiều yếu tố như: chính sách ưu đãi của Nhà nước, các kết quả đã đạt được trong giai đoạn thí điểm...

“Sau khi có kết luận chính thức từ cơ quan có thẩm quyền, trên cơ sở những bài học kinh nghiệm từ thí điểm, công ty sẽ tiếp tục triển khai bảo hiểm cây lúa theo hình thức bảo hiểm chỉ số năng suất. Bảo hiểm vật nuôi có thể được triển khai theo hình thức bảo hiểm truyền thống. Còn bảo hiểm thủy sản thì phải nghiên cứu kỹ hơn”, vị đại diện trên nói.

Trong các loại hình triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, thủy sản là mảng có số tiền bồi thường lớn nhất. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số tiền đã giải quyết bồi thường bảo hiểm đến thời điểm 20/6/2014 là 701,8 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm là 178,1%. Trong đó, bồi thường bảo hiểm thủy sản với tổng số tiền 669,5 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 306%); bồi thường bảo hiểm cây lúa 19 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 20,6%); bồi thường bảo hiểm vật nuôi 13,3 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 15,9%).

“Bảo hiểm thủy sản trong thời gian qua lỗ nặng. Khi tổn thất xảy ra, công ty đã hết sức hỗ trợ và nỗ lực trong quá trình giải quyết nhanh, đúng và đủ cho người dân. Tuy nhiên, có vẻ như vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của người dân, công ty vì thế phải xem xét và đánh giá lại khả năng có tiếp tục triển khai bảo hiểm thủy sản hay không”, đại diện một công ty bảo hiểm chia sẻ.

Cùng với trăn trở về việc có nên tiếp tục triển khai bảo hiểm thủy sản, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, tương lai của bảo hiểm nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào chính sách hỗ trợ nông dân, đặc biệt là hỗ trợ phí bảo hiểm.

“Chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm là một trong những yếu tố quyết định dẫn đến thành công của chương trình. Tới đây, nếu Nhà nước không còn chính sách hỗ trợ nông dân phí bảo hiểm thì khó có thể thực hiện được và mọi việc lại quay về như trước”, một chuyên gia về bảo hiểm nông nghiệp nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia này, tại nhiều nước phát triển như Mỹ, Canada, Úc…, chính phủ vẫn hỗ trợ người dân phí bảo hiểm nông nghiệp. Hỗ trợ phí bảo hiểm được đánh giá là một điều kiện quan trọng và tiên quyết trong sự thành công của bảo hiểm nông nghiệp.

Theo báo cáo của các địa phương và doanh nghiệp bảo hiểm, trong 3 năm triển khai, chương trình bảo hiểm nông nghiệp đã thu hút được 304.017 hộ nông dân/tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia. Bên cạnh những hộ nông dân nghèo (chiếm 76,8% tổng số hộ), hộ cận nghèo (15,1% tổng số hộ), đã có nhiều hộ nông dân không thuộc diện nghèo, cận nghèo tham gia bảo hiểm (24.711 hộ, chiếm 8,1%).

“Có thể dễ dàng nhận thấy tỷ lệ hộ nghèo tham gia bảo hiểm nông nghiệp trong thời gian thí điểm là rất cao so với các đối tượng hộ khác. Đương nhiên, hộ nghèo không phải đóng phí”, đại diện một doanh nghiệp nói.

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục