Điều đáng nói là mới thành lập được 3 năm, nhưng có tới 2 năm, Vạn Trường Phát đạt doanh thu… 0 đồng, hoạt động bán hàng không phát sinh khi cũng chỉ đạt 0 đồng. Vạn Trường Phát không phải công ty đại chúng, cũng chẳng có tên tuổi gì trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản như lời quảng bá của doanh nghiệp, nhưng chỉ với lời hứa mua lại dự án bằng tiền thu từ phát hành trái phiếu, Vạn Trường Phát được Tân Thành Long An đem đất để thế chấp làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu 10.000 tỷ đồng.
Sau cú bắt tay với Tân Thành Long An (thế chấp đất làm tài sản đảm bảo) và một số tổ chức làm đại lý tư vấn, phát hành, Vạn Trường Phát đã thu về 10.000 tỷ đồng từ trái phiếu (cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu), trở thành một trong những doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn nhất năm 2021.
Nhưng rồi Vạn Trường Phát “mất dạng” khi trụ sở “bốc hơi”, không trả lãi, không mua lại trái phiếu hay phối hợp xử lý tài sản đảm bảo là lô đất thế chấp.
Tất cả khiến hàng ngàn trái chủ “chết đứng”, không ít người tan nát nhà cửa bởi tài sản tích cóp nhiều năm có nguy cơ tan thành mây khói.
Vụ việc trên cho thấy phần nào lỗ hổng trong kiểm soát trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chưa phải là công ty đại chúng.
Khác xa với trái phiếu đại chúng (chịu chế tài khá chặt chẽ về điều kiện chào bán, niêm yết...), hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của công ty chưa đại chúng theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ. Loại hình này không phải đăng ký, báo cáo hay phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước. Chỉ có một điểm duy nhất kiểm soát hạn chế rủi ro đối với loại hình trên là yêu cầu "nhà đầu tư chuyên nghiệp" theo Điều 11, Luật Chứng khoán 2019.
Như vậy, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của công ty chưa đại chúng phụ thuộc lớn vào sự chủ động, tính tuân thủ của các chủ thể tham gia thị trường, của doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian và nhà đầu tư...
Đành rằng, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, lãi suất cao thường đi kèm rủi ro lớn, song do chưa chịu sự quản lý chặt chẽ, lại phát triển nóng, thu vốn “khủng” với tiêu chí kiểm soát “chỉ bán nhà đầu tư chuyên nghiệp” rất dễ hợp thức hóa, thì nhiều người dân bình thường, thậm chí cả người về hưu, lao động phổ thông có tiền gửi tiết kiệm hoàn toàn có thể trở thành… nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Đáng lo hơn, nếu ngân hàng chào mời mua trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp chưa niêm yết có mức độ rủi ro cao, thì vô hình trung sẽ khiến người dân cũng như nhà đầu tư càng yên tâm, vì họ lầm tưởng rằng, đây cũng là hình thức đầu tư vào ngân hàng giống như gửi tiết kiệm hoặc những trái phiếu này đã được ngân hàng kiểm định, bảo lãnh.
Tâm lý trên khiến nhà đầu tư quyết định mua trái phiếu từ doanh nghiệp mà không tìm hiểu thêm. Trong khi đó, không loại trừ trường hợp, nhân viên tư vấn của ngân hàng có thể cung cấp thông tin không đầy đủ cho khách hàng, nhằm bán được trái phiếu để hưởng phí dịch vụ hoặc để đảo được nợ. Hành vi này tất yếu ảnh hưởng tới quyền lợi nhà đầu tư.
Hơn thế, khi doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ và trung gian môi giới không là thể thức độc lập kiểm soát nhau, mà bắt tay thông đồng, thì nhà đầu tư cá nhân chắc chắn sẽ gặp những bất lợi nằm ngoài rủi ro kinh doanh của doanh nghiệp phát hành - như trường hợp Vạn Trường Phát “mất tích”.
Để bịt lỗ hổng pháp lý, tránh tái diễn những vụ việc tương tự như Vạn Trường Phát, Tân Hoàng Minh hay An Đông… các cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng có thêm chế tài mạnh tay, bởi những vụ việc trên không chỉ gây thiệt hại cho trái chủ, mà có nguy cơ gây mất an ninh, trật tự xã hội, gây bất ổn trên thị trường trái phiếu nói riêng, thị trường tài chính nói chung.
Việc có thêm các chế tài chặt chẽ còn giúp thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh, minh bạch, giúp những doanh nghiệp làm ăn chân chính có điều kiện thuận lợi hơn trong huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu để phát triển sản xuất, kinh doanh.