Giá cọ, đậu tương, hạt cải dầu châu Âu và thậm chí cả dầu hạt cải GMO của Canada đã đạt mức cao lịch sử sau thông báo của Indonesia vào ngày 27/4.
Philippe Chalmin, giáo sư kinh tế tại Đại học Paris-Dauphine cho biết: “Chúng tôi đã gặp vấn đề với đậu nành ở Nam Mỹ, với cải dầu ở Canada, cả hai loại cây trồng đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán kéo dài”. Sau đó là sự tàn phá đối với "những bông hoa hướng dương ở Ukraine" do ảnh hưởng bởi tình hình chiến sự ở Ukraine.
Theo James Fry, chủ tịch công ty tư vấn LMC, dầu cọ là loại dầu thực vật được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới và Indonesia chiếm 35% xuất khẩu toàn cầu.
Theo các nhà chức trách, lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia được đưa ra nhằm giảm giá trong nước và hạn chế tình trạng khan hiếm hàng.
“Việc tăng giá đã bắt đầu từ năm ngoái và nó càng trở nên trầm trọng hơn do xung đột ở Ukraine”, giáo sư Philippe Chalmin cho biết.
Không giống như các loại hạt có dầu khác, quả cọ không được hái một lần mà phải được chế biến ngay lập tức. Trong khi đó hệ thống lưu trữ dầu cọ của Indonesia, vốn đã có trữ lượng đáng kể hiện đang bị căng thẳng hơn nữa.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Thương mại Indonesia cho biết nước này sẽ áp đặt “các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt' đối với những người vi phạm lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ”.
Vòng luẩn quẩn
Mặc dù giá dầu thực vật cùng với nhiều mặt hàng nông sản khác đã tăng trong nhiều tháng qua, nhưng nhu cầu vẫn chưa chậm lại.
Arlan Suderman, nhà kinh tế trưởng về hàng hóa tại StoneX Financial cho biết: “Rất khó để phân bổ nhu cầu khi các mặt hàng thực phẩm với giá cao hơn”.
Dầu cọ được sử dụng nhiều trong thực phẩm chế biến như mì gói và bánh nướng cũng có mặt trong các sản phẩm tiêu dùng khác, chẳng hạn như các mặt hàng chăm sóc cá nhân và mỹ phẩm.
Nhà phân tích Paul Desert-Cazenave của công ty tư vấn Grainbow cho biết: “Cuối cùng thì giá sẽ giảm xuống, nhưng vẫn còn quá sớm để đo lường mức tăng giá đối với người tiêu dùng”.
Trong ngắn hạn, loại hạt có dầu duy nhất có thể giúp hạ nhiệt bớt thị trường dầu thực vật là đậu tương. Trong đó, Mỹ và Brazil là hai nhà xuất khẩu đậu tương hàng đầu thế giới vẫn còn dự trữ sẵn sàng, mặc dù nhiều lô hàng hơn từ các quốc gia này sẽ chỉ có tác động nhẹ đến giá dầu ăn.
Trong tháng 3, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo rằng họ dự kiến diện tích trồng đậu tương sẽ tăng hơn 4% so với năm ngoái, trong khi ngô sẽ giảm một lượng tương đương.
Trong khi đó, quốc gia xuất khẩu hạt cải dầu hàng đầu thế giới Canada cho biết rằng họ dự kiến sẽ giảm 7% diện tích dành cho hạt cải dầu GMO được sử dụng trong dầu hạt cải.
Các nhà phân tích và kinh tế học cho biết họ thấy cần phải có chính sách công liên quan đến cuộc khủng hoảng lương thực, vì ngoài thực phẩm, dầu thực vật cũng được sử dụng rộng rãi trong nhiên liệu sinh học.
Dựa trên cuộc khủng hoảng hiện tại, "chúng ta sẽ thấy nhiều áp lực hơn đối với các quốc gia trong việc giảm các nhiệm vụ pha trộn diesel sinh học và các lệnh bắt buộc sử dụng diesel tái tạo", nhà kinh tế Suderman cho biết.
Châu Âu đã thông qua chỉ thị vào năm 2018 loại trừ dầu cọ khỏi các mục tiêu năng lượng tái tạo vào năm 2030. Một số nước trong EU bao gồm cả Pháp, đã ngừng sử dụng dầu cọ.
Bất chấp tình hình hỗn loạn hiện nay, Indonesia và Malaysia là hai nhà xuất khẩu lớn thứ hai thế giới vẫn duy trì các chương trình tương ứng pha trộn dầu cọ trong nhiên liệu sinh học.
Michael Zuzolo, chủ tịch Global Commodity Analytics and Consulting cho biết, vấn đề tồi tệ hơn là nhiều nhà nhập khẩu dầu cọ lớn, chủ yếu là Ai Cập, Bangladesh và Pakistan đã chứng kiến đồng tiền của họ mất giá đáng kể trong những tháng gần đây.
Trong khi đó, một số nhà xuất khẩu hạt có dầu lớn như Mỹ và Brazil lại trải qua điều ngược lại khi đồng đô la đạt mức cao nhất trong nhiều năm.
“Đây là tình huống xấu nhất bắt đầu xảy ra”, ông Michael Zuzolo cho biết.
Điều này đang đặt các nhà nhập khẩu vào "vòng luẩn quẩn tiêu cực mà họ sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giữ nguồn cung cấp dồi dào, đó là thảm kịch tiềm tàng mà chúng ta đang phải đối mặt”, ông cho biết.