Lệnh cấm xuất khẩu tất cả các sản phẩm dầu cọ của Indonesia bắt đầu từ ngày 28/4

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Kinh tế của Indonesia Airlangga Hartarto cho biết, lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia có hiệu lực bắt đầu từ thứ Năm (28/4) sẽ bao gồm dầu cọ thô cũng như các sản phẩm tinh chế.
Lệnh cấm xuất khẩu tất cả các sản phẩm dầu cọ của Indonesia bắt đầu từ ngày 28/4

“Chính sách áp dụng cho tất cả các sản phẩm là CPO (dầu cọ thô), RPO (dầu cọ tinh luyện), RBD (dầu cọ tinh chế, tẩy trắng và khử mùi), POME (nước thải còn sót lại từ quá trình sản xuất dầu cọ) và dầu ăn đã qua sử dụng”, ông cho biết.

Bộ trưởng Hartarto cho biết, chỉ thị được đưa ra trực tiếp từ Tổng thống Joko Widodo sau khi nhận được "ý kiến ​​đóng góp và phản hồi từ công chúng".

“Chính sách này đảm bảo tất cả các sản phẩm CPO được dành riêng để đảm bảo dầu ăn sẵn có ở mức giá 14.000 rupiah (0,97 USD/lít), đặc biệt là tại các chợ truyền thống và cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông cho biết.

"Tổng thống cam kết đặt người dân Indonesia làm ưu tiên chính cho tất cả các chính sách của chính phủ”, ông cho biết thêm.

Bộ trưởng Hartarto cho biết, lệnh cấm xuất khẩu sẽ kéo dài cho đến khi giá dầu ăn trong nước xuống dưới 14.000 rupiah/lít.

“Lệnh cấm sẽ tạo ra những tác động bất lợi. Nó có khả năng làm giảm sản lượng dầu cọ… Tôi hiểu Nhà nước cần thuế, cần thu, cần thặng dư, nhưng việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản của mọi người là một ưu tiên quan trọng”, Tổng thống Joko Widodo cho biết.

“Là nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, thật trớ trêu khi chúng tôi đang gặp phải tình trạng thiếu dầu ăn. Là tổng thống, tôi không thể cho phép điều đó xảy ra. Sự khan hiếm đã diễn ra trong bốn tháng qua và chính phủ đã ban hành một số chính sách nhưng chúng không có tác dụng. Tôi yêu cầu tất cả các doanh nghiệp kinh doanh dầu cọ ưu tiên nhu cầu trong nước và đáp ứng nhu cầu của mọi người. Nếu nhu cầu trong nước được đáp ứng, thì chắc chắn tôi sẽ bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu”, Tổng thống Joko Widodo cho biết.

Giá dầu cọ thô toàn cầu đã tăng hơn 50% kể từ cuối năm ngoái do nguồn cung dầu hạt hướng dương không chắc chắn từ Ukraine và Nga và tác động của hạn hán đối với đậu nành Nam Mỹ khiến các nhà sản xuất chuyển sang dầu cọ như một sự thay thế.

Điều này tạo động lực cho các nhà sản xuất dầu cọ ở Indonesia đẩy mạnh xuất khẩu, dẫn đến tình trạng khan hiếm trong nước.

Vào cuối tháng 1/2022, Indonesia đã cố gắng kiểm soát sản lượng xuất khẩu của mình bằng cách yêu cầu tất cả các nhà sản xuất bán ít nhất 30% sản phẩm dầu cọ trong nước. Chính phủ cũng đưa ra mức trần giá 9.300 rupiah/lít (0,64 USD/lít) dầu cọ thô bán tại Indonesia và đặt giá bán lẻ tối đa cho dầu ăn làm từ dầu cọ là 14.000 rupiah/lít (0,97 USD/lít).

Nhưng các vấn đề thực thi và cáo buộc đầu cơ tích trữ bởi những kẻ trục lợi khiến người Indonesia tiếp tục đối mặt với tình trạng khan hiếm dầu ăn.

Tháng trước, chính phủ Indonesia đã loại bỏ cả hai giới hạn giá nhằm khuyến khích sản xuất nhiều dầu ăn hơn. Trong khi động thái giải quyết vấn đề khan hiếm, việc dỡ bỏ mức giá trần bán lẻ đã khiến giá dầu ăn trong nước tăng vọt lên tới 70%.

Trong khi đó, lệnh cấm xuất khẩu đã khiến các nước nhập khẩu phải tranh giành nhau để tìm các giải pháp thay thế. Các chuyên gia đã dự đoán giá hàng hóa sẽ tiếp tục tăng vọt.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục