Malaysia được kỳ vọng hưởng lợi sau lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhu cầu dầu cọ toàn cầu có khả năng chuyển sang Malaysia sau lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia, nhưng các doanh nghiệp trong ngành cảnh báo rằng tình trạng thiếu lao động có thể cản trở sản lượng của nước này.
Malaysia được kỳ vọng hưởng lợi sau lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Trồng trọt và Hàng hóa Malaysia Zuraida Kamaruddin nói với giới truyền thông hôm Chủ nhật (24/4) rằng, Malaysia có thể tăng sản lượng dầu cọ với việc mở lại biên giới của đất nước.

“Tôi tin tưởng rằng Malaysia đã sẵn sàng và có thể cung cấp dầu cọ cho các thị trường toàn cầu vì sản lượng của chúng tôi dự kiến ​​sẽ tăng sau khi mở cửa trở lại biên giới, điều này cho phép thuê lao động nước ngoài”, ông cho biết.

Trong một thông báo hôm thứ Sáu tuần trước (22/4), Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, việc xuất khẩu dầu ăn và dầu cọ thô (CPO) sẽ bị đình chỉ bắt đầu từ thứ Năm (28/4) nhằm nỗ lực bình ổn giá cả ở nước này.

Trong những tháng gần đây, giá dầu ăn ở Indonesia đã tăng vọt trong bối cảnh giá CPO toàn cầu tăng, khiến chính phủ nước này phải áp dụng mức trần giá và hạn chế xuất khẩu.

Trong một sự kiện riêng vào Chủ nhật (24/4), Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Trồng trọt và Hàng hóa Malaysia Wee Jeck Seng cho biết, sản lượng dầu cọ địa phương hiện đang bị ảnh hưởng bởi vấn đề thiếu hụt lao động đang diễn ra, và do đó Malaysia khó có khả năng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu cao để bù đắp thiếu hụt nguồn cung từ Indonesia.

Trong năm ngoái, dầu cọ của Indonesia lần lượt chiếm 59% và 56% sản lượng và xuất khẩu dầu cọ của thế giới và xuất khẩu dầu cọ của Indonesia chiếm 30% tổng xuất khẩu dầu và chất béo trên thế giới.

“Do đó, bước đi quyết liệt này của Indonesia chắc chắn sẽ có tác động lớn đến các quốc gia khác, đặc biệt là các nhà nhập khẩu dầu cọ lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Liên minh châu Âu”, ông Wee Jeck Seng cho biết.

Thứ trưởng Wee Jeck Seng nói thêm rằng, Chính phủ Malaysia cũng sẽ kiểm soát giá cả và giá trần cho dầu cọ để giúp bảo vệ người tiêu dùng khỏi những tác động của giá dầu cọ tăng cao trên thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, ông cho rằng điều này cũng đồng nghĩa với việc chính phủ sẽ phải chịu chi phí trợ cấp dầu ăn cao hơn do giá dầu cọ trên thị trường tăng để đảm bảo quyền lợi và lợi ích của người tiêu dùng Malaysia được bảo vệ.

Trong khi đó, Hiệp hội Dầu cọ Malaysia (MPOA) cho biết, lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia có thể sẽ là một lợi thế cho ngành dầu cọ Malaysia.

Tờ The Star dẫn lời Giám đốc điều hành MPOA Nageeb Wahab cho biết, ông dự kiến ​​ngành công nghiệp dầu cọ địa phương sẽ có thể thu được lợi nhuận xuất khẩu cao hơn trong năm nay, đặc biệt là trong 2-3 tháng tới.

Tổng giám đốc Hội đồng Dầu cọ Malaysia (MPOB) Ahmad Parveez Ghulam Kadir cho biết: “Bất kỳ thay đổi chính sách nào của Indonesia chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Malaysia” vì nước này là nhà sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn thứ hai sau Indonesia.

“Lệnh cấm chắc chắn sẽ khiến hầu hết nhu cầu dầu cọ toàn cầu chuyển sang Malaysia”, ông cho biết.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng Malaysia đang phải đối mặt với vấn đề cung cấp dầu cọ do tình trạng thiếu lao động trầm trọng và nước này có thể không hấp thụ được nhiều nhu cầu của toàn cầu.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục