Từ hy vọng đến thất vọng
Tiền thân là một đơn vị kinh doanh xăng dầu thành lập năm 2012, đến năm 2017, Landmark Holding tăng vốn và hợp tác với CTCP Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình (Công ty Ba Đình) nhằm vực dậy dự án “chết yểu” Thành An Tower tại 21 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội, làm bàn đạp để niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE).
Tiếp quản dự án này, Landmark Holding đối mặt với nhiều lùm xùm quanh việc xử lý nghĩa vụ tài chính và giải quyết quyền lợi cho những khách hàng cũ, nhưng Công ty vẫn tự tin vào khả năng xoay chuyển tình thế và lên sàn HOSE vào tháng 10/2018.
Với khách hàng mua nhà tại dự án Thành An Tower, việc có một tên tuổi mới với sự tự tin về năng lực tài chính vào tiếp quản giúp khách hàng cũ thắp lên hy vọng sẽ có nhà sau cả chục năm nộp tiền, còn những khách hàng mới cũng tự tin hơn khi mua nhà, nhất là sau thông điệp “chuẩn bị cho bước đi táo bạo hơn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và bất động sản” của Landmark Holding và việc đổi tên dự án thành Manhattan Tower.
Thực tế, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018, Landmark Holding đã nhận từ khách hàng số tiền ứng trước để mua căn hộ tại dự án Manhattan Tower lên tới hơn 157,3 tỷ đồng. Tức đã có hàng trăm khách hàng nộp tiền mua dự án này qua Landmark Holding.
Tuy nhiên, không khí nhộn nhịp, khẩn trương trên công trường dự án không diễn ra được lâu. Đến tháng 12/2018, dự án một lần nữa dừng triển khai sau khi đang xây dựng tới tầng 21. Tới tháng 3/2019, toàn bộ máy móc trên công trường được nhà thầu rút đi hết. Trong khi đó, theo tiến độ cam kết trong hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và các khách hàng, dự án dự kiến sẽ cất nóc vào tháng 5/2019, bàn giao căn hộ vào quý IV/2019 (chậm hơn không quá 90 ngày kể từ ngày bàn giao dự kiến).
Việc dự án bất ngờ đứng hình trở lại khiến nhiều khách hàng lo lắng. Từ tháng 3/2019 đến tháng 6/2019, nhóm khách hàng mua căn hộ dự án Thành An Tower đã cử đại diện đến gặp và làm việc với chủ đầu tư, nhưng không thể gặp được lãnh đạo Công ty.
Sự việc lên tới đỉnh điểm khi giữa tháng 8/2019, hàng loạt khách hàng bất ngờ nhận được thông báo từ phía Landmark Holding với nội dung, sau nỗ lực đàm phán giữa lãnh đạo Landmark Holding và Công ty Ba Đình, ngày 11/6/2019, Landmark Holdings nhận được Văn bản số 31/2019/CV/BĐ-21LVL về việc thu hồi quyền khai thác dự án, nhận bàn giao toàn bộ tài liệu liên quan đến khách hàng, công nợ phải thu của dự án Manhattan Tower. Đồng thời, từ ngày 15/8, Công ty Ba Đình sẽ tiếp quản lại toàn bộ khách hàng mua nhà dự án Manhattan Tower.
Mặc dù trong văn bản của mình, Landmark Holdings khẳng định, việc chuyển giao không làm mất đi quyền lợi theo hợp đồng của khách hàng, nhưng trên thực tế, việc tiếp quản và thực hiện tiếp hợp đồng là triển khai dự án tiếp hoàn toàn không được Công ty Ba Đình thực hiện, dù đã hứa hẹn hết lần này tới lần khác (chủ đầu tư hứa xây lại dự án vào ngày 14/2019, sau đó là 20/4/2019, 1/5/2019 và tiếp đó là 15/5/2019, nhưng tới nay, theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, dự án vẫn bất động).
Mong manh khả năng đòi lại tiền
Chia sẻ sau khi gửi thông báo tới khách hàng hồi tháng 8/2019, đại diện Landmark Holding cho biết, thời gian đầu Công ty tham gia dự án với vai trò nhà phát triển, ký hợp đồng và thanh toán trực tiếp cho Vinaconex là tổng thầu thi công. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, đã có thỏa thuận ba bên giữa nhà thầu, Landmark Holding và chủ đầu tư Ba Đình là Công ty Ba Đình sẽ thanh toán trực tiếp cho nhà thầu thi công. Tuy nhiên, Công ty Ba Đình không thực hiện đúng thỏa thuận là thanh toán cho bên thi công, nên dự án bị dừng.
Theo vị này, bản thân Landmark Holding với vai trò phát triển dự án, nhưng vẫn ở thế “bị động” và để chủ động trong việc trả lời cho khách hàng, cũng như trong việc phát triển dự án, Ban lãnh đạo Landmark Holding cũng đã đề xuất mua lại toàn bộ dự án để triển khai, nhưng việc thương lượng giữa Công ty và Công ty Ba Đình không thành công.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, theo báo cáo tài chính kiểm toán 2018 của Landmark Holding, ngày 1/11/2017, Công ty Ba Đình và Landmark Holding đã ký kết Hợp đồng số 05/HĐUQ-BĐ, theo đó, Công ty Ba Đình ủy quyền cho Landmark Holding bán (cho thuê hoặc cho thuê mua) dự án Thành An Tower. Tuy nhiên, đến ngày 4/1/2018, hai bên lại thanh lý Hợp đồng số 05/HĐUQ-BĐ, chuyển sang ký thỏa thuận mua bán số 05/TTMB-BĐ để Landmark Holding mua lại từ Công ty Ba Đình 327 căn chung cư và khu thương mại dịch vụ Thành An Tower. Sau khi thỏa thuận được ký kết, Landmark Holding phải đặt cọc 250 tỷ đồng và số tiền Landmark Holding đã chuyển cho Công ty Ba Đình là gần 211 tỷ đồng.
Như vậy, theo lý thuyết, trong trường hợp khách hàng mua nhà tại dự án Manhattan Tower qua Landmark Holding đòi lại tiền, công ty này sẽ đòi lại từ Công ty Ba Đình để trả lại cho khách hàng. Tuy nhiên, việc thu hồi lại số tiền này không dễ dàng, bởi theo báo cáo tài chính năm 2019 của Landmark Holding, số tiền gần 211 tỷ đồng này vẫn được Công ty hạch toán trong khoản mục Các khoản phải thu ngắn hạn, trong khi Công ty Ba Đình cũng đang vướng mắc về tài chính tại nhiều dự án khác.
Cũng cần nói thêm, số tiền gần 211 tỷ này cũng đã được Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt (VietValues) đưa vào cơ sở để từ chối đưa ra ý kiến trong báo cáo kiểm toán 2019 với lý do chưa nhận được thư xác nhận của khách hàng về khoản mục này.
Điểm đáng chú ý là trong báo cáo tài chính năm 2018 của Landmark Holding được Công ty TNHH Kiểm toán A&C thực hiện xác nhận không có vấn đề gì, nhưng trong báo cáo tài chính 2019 do VietValues kiểm toán, kiểm toán viên xác định rằng, với những tài liệu hiện có tại Landmark Holding, kiểm toán không thể kiểm tra tính đúng đắn của các khoản trên bằng các thủ tục kiểm toán khác. Do đó, kiểm toán không thể xác định được ảnh hưởng (nếu có) của nó đến bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, cũng như báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Chính vì kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến trong báo cáo tài chính năm 2019, nên cổ phiếu LMH bị rơi vào trường hợp hủy niêm yết bắt buộc, theo công văn ngày 28/4/2020 của HOSE.
Điều đáng nói, trong khi nhiều khách hàng nộp tiền mua nhà dự án Thanh An Tower cho Landmark Holding đang đứng ngồi không yên vì không biết tiền của mình đi về đâu, thì ý kiến nhấn mạnh của công ty kiểm toán cho biết, trong năm, Landmark Holding cho vay cá nhân và tổ chức bất thường khá nhiều với số tiền lên tới hơn 136,4 tỷ đồng. Mặc dù tại số dư ngày 31/12/2019 còn hơn 31,1 tỷ đồng, nhưng các khoản cho vay này chưa có hợp đồng và cho vay dưới hình thức tín chấp, không có các tài sản đảm bảo hoặc cam kết bảo lãnh của bên thứ ba.
Cũng theo báo cáo tài chính năm 2019, trong năm này, Công ty lỗ sau thuế hơn 27,3 tỷ đồng và tình hình tiếp tục xấu trong quý I/2020 với khoản lỗ 7 tỷ đồng.
Quý đầu năm 2020, Landmark Holding cũng ghi nhận doanh thu thuần và giá vốn hàng bán đồng loạt giảm 87% so với cùng kỳ, chỉ còn 49 tỷ đồng và 46 tỷ đồng. Lãi gộp giảm 84%, xuống còn gần 3 tỷ đồng.
Tính tới cuối quý I/2020, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của LMH giảm đến 65% so với đầu năm, xuống mức 25 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh sụt giảm, nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc, cùng với việc khó có thể đòi lại tiền đã chuyển cho Công ty Ba Đình, tương lai đòi lại tiền mua nhà dự án Manhattan Tower qua Landmark Holding của nhiều khách hàng xem ra không dễ dàng.
Sau giai đoạn tăng mạnh từ cuối quý II đến đầu quý III/2019, có lúc lên mức 17.850 đồng (phiên 16/8/2019), cổ phiếu LMH đã rơi tự do sau đó với thông tin tiêu cực tại dự án Manhattan Tower. Hiện cổ phiếu này chỉ có thị giá trên dưới 1.000 đồng.
Theo thông tin từ HOSE, 2 lãnh đạo của Landmark Holding là ông Lương Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT và ông Trương Hoàng Vũ, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc đã bị bán giải chấp tổng cộng 348.200 cổ phiếu LMH vào ngày 5/2.
Sau giao dịch, ông Vinh và ông Vũ còn nắm giữ khoảng 172.000 cổ phiếu và 1,2 triệu cổ phiếu LMH.
Sau đó, từ đầu tháng 12/2019 đến đầu tháng 1/2020, ông Vũ đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu LMH, nhưng chỉ mua hơn 16.000 cổ phiếu.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com