Lần đầu tiên nhiệt độ toàn cầu vượt qua ngưỡng quan trọng trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Năm (8/2), các nhà khoa học cho biết rằng lần đầu tiên nhiệt độ toàn cầu đã vượt qua ngưỡng nóng lên quan trọng trong cả năm 2023, đồng thời kêu gọi cắt giảm lượng khí thải nhà kính làm nóng lên hành tinh.
Lần đầu tiên nhiệt độ toàn cầu vượt qua ngưỡng quan trọng trong năm 2023

Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu cho biết, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong khoảng thời gian 12 tháng tính đến tháng 1/2024 đã cao hơn 1,52 độ C so với mức trung bình tiền công nghiệp giai đoạn 1850-1900 và cao hơn 0,64 độ so với mức trung bình giai đoạn 1991-2020.

Tuy nhiên, những phát hiện này không thể hiện sự phá vỡ Thỏa thuận Paris nhằm mục đích “hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C, tốt nhất là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp” trong thời gian dài.

Nhưng cơ quan giám sát khí hậu của EU cho biết, dữ liệu này củng cố sự cần thiết phải nhanh chóng giảm phát thải khí nhà kính để tránh điều tồi tệ nhất mà cuộc khủng hoảng khí hậu đang xảy ra.

C3S cũng xác nhận rằng tháng đầu tiên của năm 2024 là tháng 1 ấm nhất được ghi nhận, với nhiệt độ bề mặt trung bình là 13,14 độ C - cao hơn khoảng 0,7 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1991-2020 và cao hơn 0,12 độ C so với tháng 1 ấm nhất trước đó được ghi nhận vào năm 2020.

Các nhà khoa học gần đây đã xác nhận năm 2023 là năm nóng kỷ lục.

“Năm 2024 bắt đầu với một tháng phá kỷ lục khác - đây không chỉ là tháng 1 ấm nhất được ghi nhận mà chúng ta vừa trải qua khoảng thời gian 12 tháng với nhiệt độ cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp… Giảm nhanh lượng khí thải nhà kính là cách duy nhất để ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu tăng lên”, Samantha Burgess, Phó giám đốc của C3S cho biết.

Dữ liệu được đưa ra sau nhiều lần cảnh báo rằng thế giới vẫn “không đi đúng hướng” trong việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Ngưỡng 1,5 độ C được công nhận là mục tiêu dài hạn quan trọng vì nhiệt độ toàn cầu có nhiều khả năng vượt quá mức này. Nếu nhiệt độ toàn cầu vượt qua ngưỡng này, điều đó có thể dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ hoặc những thay đổi có khả năng không thể đảo ngược đối với một số hệ thống lớn nhất của Trái đất.

Matt Patterson, trợ lý nghiên cứu sau tiến sĩ về vật lý khí quyển tại Đại học Oxford đã mô tả những phát hiện về C3S là một “cột mốc quan trọng”, nhưng cảnh báo rằng chúng không có nghĩa là Thỏa thuận Paris đã thất bại.

“Nhiệt độ một năm trên ngưỡng 1,5 độ C là không đủ để vi phạm thỏa thuận khí hậu Paris vì thỏa thuận này liên quan đến nhiệt độ trung bình trong vòng 20 đến 30 năm…Tuy nhiên, việc vượt quá 1,5 độ C trong một năm cho thấy khoảng thời gian mà nhân loại phải cắt giảm đáng kể lượng khí thải và tránh biến đổi khí hậu nguy hiểm đang thu hẹp nhanh chóng”.

Liên Hợp quốc lưu ý rằng việc thế giới đã ấm lên khoảng 1,1 độ C đã gây ra một loạt các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trên khắp thế giới.

Brian Hoskins, Chủ tịch Viện Grantham tại Đại học Hoàng gia Luân Đôn cho biết, những phát hiện của C3S là “cảnh báo rõ ràng về tính cấp bách của hành động cần thiết nhằm hạn chế biến đổi khí hậu ở bất kỳ mục tiêu nào như Paris”.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục