Thứ Tư, chứng khoán Mỹ chứng kiến đà bán tháo mạnh ở nhóm cổ phiếu bán lẻ. Cổ phiếu Target giảm 4,7% bất chấp hãng báo cáo kết quả quý III tích cực và nâng dự báo lợi nhuận năm nay vượt kỳ vọng của giới phân tích nhờ kỳ vọng vào kỳ nghỉ lễ sắp tới.
Cổ phiếu Walmart tiếp tục giảm phiên thứ hai liên tiếp sau khi công bố báo cáo quý III cho thấy biên lợi nhuận trong kỳ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các nhà bán lẻ tên tuổi khác dù báo cáo kết quả kinh doanh quý vừa qua cũng lao dốc trong phiên. Cổ phiếu Macy's và Kohls lần lượt giảm 4,5% và 3,1%, trong khi Gap và Urban Outfitters lần lượt giảm 5,2% và 4,2%.
Trước đó vào hôm thứ 16/11, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, doanh số bán lẻ của Mỹ bất ngờ tăng 1,7% trong tháng 10, cao hơn mức 1,4% dự kiến cho thấy đà tăng của lạm phát đã không kìm hãm tăng trưởng kinh tế cho đến hiện tại. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn lo ngại việc giá cả tăng cao thêm nữa sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng và đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tình huống buộc thắt chặt chính sách trước thời hạn.
Những bình luận trái ngược nhau từ Chủ tịch Fed St.Louis James Bullard và Chủ tịch San Francisco Mary Daly hôm thứ Ba cũng khiến thị trường thêm bất ổn.
Bà Daly thừa nhận rằng số liệu lạm phát cao đến mức "lóa mắt", nhưng cho rằng vẫn quá sớm để kết luận rằng liệu ngân hàng trung ương Mỹ có nên đẩy nhanh tiến độ thắt chặt chính sách không. Trong khi đó, ông Bullar kêu gọi ngân hàng trung ương Mỹ có lập trường cứng rắn hơn trong ứng phó lạm phát.
Bộ ba chỉ số chính trên phố Wall đóng cửa giảm điểm. Ngược lại, trong phiên ngoài giờ, Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures diễn biến khá tích cực.
Kết thúc phiên 17/11, chỉ số Dow Jones giảm 211,17 điểm (-0,58%), xuống 35.931,05 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 12,23 điểm (-0,26%), xuống 4.688,67 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 52,28 điểm (-0,33%), xuống 15.921,51 điểm.
Chứng khoán châu Âu ảm đạm trong phiên ngày thứ Tư khi áp lực lạm phát và dịch bệnh bùng phát làm lu mờ những con số lợi nhuận khả quan trong mùa báo cáo quý III.
Dữ liệu mới nhất của Refinitiv cho thấy, lợi nhuận quý III của các công ty thuộc STOXX 600 dự kiến sẽ tăng 60,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 103,6 tỷ euro (117,2 tỷ USD).
Trong khi đó, lạm phát tháng 10 của khu vực đồng euro đã tăng gấp hơn hai lần so với mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), với hơn một nửa mức tăng là do giá năng lượng tăng đột biến.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 của khu vực sử dụng đồng tiền chung euro tăng 0,8% so với tháng trước khiến lạm phát tính theo năm tại tăng EU lên tới 4,1%. Trong khi đó, nước Anh công bố lạm phát 4,2%, mức cao nhất trong 10 năm qua.
Kết thúc phiên 17/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 35,77 điểm (-0,49%), xuống 7.291,20 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 3,27 điểm (+0,02%), lên 16.251,13 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 4,25 điểm (+0,06%), lên 7.156,85 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản đảo chiều giảm điểm do lo ngại về chi phí tăng và đồng yên yếu đi đã lấn át sức mạnh của các cổ phiếu công nghệ lớn.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, dẫn đầu cổ phiếu kim loại màu và năng lượng mới.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, do các gã khổng lồ công nghệ chịu áp lực trước báo cáo thu nhập quý III.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm khi giới đầu tư bắt đầu chốt lời sau đợt phục hồi gần đây của thị trường.
Kết thúc phiên 17/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 119,79 điểm (-0,40%), xuống 29.688,33 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 15,58 điểm (+0,44%), lên 3.537,37 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 63,70 điểm (-0,25%), xuống 25.650,08 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 34,79 điểm (-1,16%), xuống 2.962,42 điểm.
Sau hai phiên giảm, giá vàng đêm qua bật tăng trong bối cảnh lạm phát tại châu Âu tăng chóng mặt, thị trường chứng khoán lao dốc.
Kết thúc phiên 17/11, giá vàng giao ngay tăng 16,90 USD (+0,91%), lên 1.867,30 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 16,10 USD (+0,87%), lên 1.870,20 USD/ounce.
Giá dầu giảm trong phiên thứ Tư sau khi OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo về tình trạng dư cung sắp xảy ra, trong khi Covid-19 bùng phát trở lại tại châu Âu làm tăng rủi ro đối với nhu cầu nhiên liệu.
Cả IEA và OPEC trong gần đây đều cho biết nguồn cung có thể sẽ dư thừa trong vài tháng tới. Lo ngại điều này, OPEC+ đã duy trì thỏa thuận chỉ tăng sản lượng lên 400.000 thùng/ngày mỗi tháng bất chấp kêu gọi tăng nhiều hơn từ Mỹ.
Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo hôm 16/11 cho biết, nhóm nhận thấy các dấu hiệu về nguồn cung dầu dư thừa sẽ tăng lên từ tháng tới, thêm vào đó các thành viên và các đồng minh sẽ phải “rất, rất thận trọng”.
IEA dự kiến nguồn cung từ Mỹ sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn trong quý II/2022 với số lượng giàn khoan của Mỹ đang tăng lên khi các nhà khai thác tư nhân đang tìm cách tận dụng giá dầu thô ở mức cao.
Ngoài ra, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 2,1 triệu thùng trong tuần trước, ngược lại với kỳ vọng tăng 1,4 triệu thùng của các nhà phân tích.
Kết thúc phiên 17/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 2,40 USD (-3%), xuống 78,36 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,36 USD (-1,7%), xuống 81,05 USD/thùng.