Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mối lo ngại về lạm phát gia tăng vẫn còn ở mức cao trong tuần tới khi các nhà đầu tư đang mong đợi vào số liệu doanh số bán lẻ tháng 10 cùng với kết quả kinh doanh quý III từ các công ty bán lẻ lớn của Mỹ.
Ảnh Shutter Ảnh Shutter

Doanh số bán lẻ của Mỹ

Dữ liệu nổi bật của lịch kinh tế tuần này là dữ liệu doanh số bán lẻ của tháng 10 của Mỹ được công bố vào thứ Ba (16/11). Trong đó, các nhà kinh tế dự kiến doanh số bán lẻ tháng 10 sẽ ​​tăng 1,1% sau mức tăng 0,7% trong tháng 9.

Lạm phát của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 30 năm trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị rạn nứt và dữ liệu cho thấy tâm lý người tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ trong tháng này, do giá cả cao hơn làm xói mòn sức mua.

Các nhà đầu tư đang đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ phải tăng lãi suất sớm hơn mức dự báo hiện tại để ngăn chặn lạm phát tăng mạnh.

Lịch kinh tế cũng bao gồm dữ liệu về sản xuất công nghiệp vào thứ Ba (16/11), báo cáo về xây dựng nhà ở và giấy phép xây dựng vào thứ Tư (17/11) và số liệu hàng tuần về đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp ban đầu vào thứ Năm (18/11).

Dữ liệu kinh tế của Trung Quốc

Sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu và dữ liệu bao gồm các báo cáo về doanh số bán lẻ, đầu tư tài sản cố định và sản xuất công nghiệp được công bố vào thứ Hai (15/11) dự kiến ​​sẽ xác nhận điều này. Việc Trung Quốc mất dần động lực tăng trưởng đang đặt ra nhiều thách thức lên sự phục hồi kinh tế toàn cầu không đồng đều sau đại dịch.

Sự phục hồi ở Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi một cách tiếp cận tích cực để ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19, cuộc khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản của nước này và cuộc khủng hoảng năng lượng đã đè nặng lên hoạt động sản xuất.

Đối với nền kinh tế thế giới, đà phục hồi kinh tế Trung Quốc giảm tốc có nguy cơ tước đi những hỗ trợ quan trọng. Trước đó, nhu cầu nguyên liệu thô của Trung Quốc tăng cao và việc nước này nhanh chóng mở cửa trở lại sau làn sóng đại dịch ban đầu đã giúp thúc đẩy sự phục hồi toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng năng lượng trong tháng 9 và tháng 10 cùng với áp lực chi phí tăng cao đang ăn mòn lợi nhuận của công ty và ảnh hưởng đến sản lượng của nhà máy. Các nhà kinh tế dự đoán sản xuất công nghiệp của Trung Quốc sẽ mở rộng với tốc độ chậm nhất kể từ đầu năm 2020 ở mức 3%.

Các nhà phân tích cho rằng ngân hàng trung ương của Trung Quốc có thể sẽ thực hiện một cách tiếp cận thận trọng trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế khi tăng trưởng chậm lại kết hợp với lạm phát tăng cao gây lo ngại hiện tượng kinh tế đình trệ.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tổ chức một cuộc gặp trực tuyến với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào thứ Hai (15/11) trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

“Tôi nghĩ thật tốt khi họ trao đổi với nhau. Tôi không nghĩ sẽ có bất cứ điều gì xảy ra trừ khi có một số thay đổi đáng kinh ngạc trong tình hình thuế quan, nhưng tôi nghi ngờ điều gì đó sẽ xảy ra”, Peter Boockvar, giám đốc đầu tư của Bleakley Advisory Group cho biết.

Dữ liệu việc làm của Anh

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho biết, muốn có thêm thông tin về sức mạnh của thị trường lao động trước khi tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát, vì vậy báo cáo việc làm mới nhất vào thứ Ba (16/11) sẽ có yếu tố quyết định liên quan tới việc tăng lãi suất.

Dữ liệu việc làm của tháng 10 sẽ cho biết liệu tỷ lệ thất nghiệp có gia tăng sau khi chương trình trợ cấp tiền lương giai đoạn đại dịch hết hạn vào cuối tháng 9 hay không.

Bên cạnh đó, số liệu lạm phát và số liệu doanh số bán lẻ tháng 10 của Anh cũng sẽ được công bố trong tuần này . Với lạm phát dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng tốc trong thời điểm hiện tại, BoE có thể tiến hành tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 12.

Sự hồi sinh của đại dịch ở châu Âu

Châu Âu đang chứng kiến ​​sự trỗi dậy của đại dịch Covid-19 và tạo gây ra những thách thức cho sự phục hồi kinh tế của khu vực.

Theo dữ liệu do Reuters tổng hợp, Châu Âu hiện đang chiếm hơn một nửa số ca lây nhiễm trung bình trong 7 ngày trên toàn cầu và khoảng một nửa số ca tử vong gần đây nhất, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020 khi đại dịch Covid-19 đạt mức đỉnh điểm ở Ý.

Một số quốc gia bao gồm Hà Lan, Đức, Áo và Cộng hòa Séc đang thực hiện các biện pháp hạn chế hoặc lập kế hoạch các biện pháp mới để làm chậm sự lây lan.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.2 0.0 0.0% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 0.0 0.0% 623 tỷ