Lạm phát tăng cao, chứng khoán ngắt mạch hưng phấn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall khởi sắc trong phiên ngày thứ Sáu (12/11), tuy nhiên vẫn có tuần giảm đầu tiên sau 5 tuần liên tiếp tăng điểm sau khi đón nhận dữ liệu lạm phát đáng thất vọng.
Lạm phát tăng cao, chứng khoán ngắt mạch hưng phấn

Đại học Michigan hôm thứ Sáu công bố dữ liệu sơ bộ về tâm lý người tiêu dùng tháng 11, theo đó chỉ số này bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm. Theo đó, nhiều người tham gia khảo sát đã chỉ ra những lo ngại về lạm phát khiến mức sống bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, Bộ Lao động Mỹ cho biết, lượng người lao động tự nguyện bỏ việc tăng lên mức kỷ lục trong tháng 9 với 4.43 triệu người, trong khi nền kinh tế Mỹ có 10,44 triệu việc làm trong tháng.

Tâm trạng tồi tệ của người tiêu dùng có thể khiến các nhà bán lẻ lo lắng khi mùa mua sắm nghỉ lễ đang đến gần và khiến thị trường quan tâm hơn đến các báo cáo doanh số bán lẻ sắp tới.

Walmart, Target Corp, Home Depot Inc và Macy's là một trong những nhà bán lẻ nổi tiếng dự kiến ​​sẽ báo cáo kết quả kinh doanh vào tuần tới.

Tính đến nay, đã có 459 công ty thuộc S&P 500 công bố báo cáo quý III. Trong số đó, 80% mang lại lợi nhuận vượt kỳ vọng, theo Refinitiv.

Mặt khác, chứng khoán Mỹ đêm qua ghi nhận đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ megacap, dẫn đầu bởi Apple và Microsoft.

Bên cạnh đó, cổ phiếu của Johnson & Johnson tăng 1,2% sau khi hãng này tuyên bố tách thành hai công ty, chia mảng chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng khỏi mảng kinh doanh dược phẩm và thiết bị y tế.

Ngược lại, Tesla giảm 2,8% khi có thông tin rằng CEO Elon Musk đã bán thêm 700 triệu USD cổ phiếu hãng xe điện, tiếp tục thực hiện lời hứa sau cuộc thăm dò trên Twitter vào cuối tuần trước.

Cổ phiếu Alibaba giảm 0,6% sau khi gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc báo cáo doanh số bán hàng chậm nhất từ ​​trước đến nay trong Ngày Độc thân 11/11.

Bộ ba chỉ số chính trên phố Wall kết thúc trong sắc xanh nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu tăng trưởng, dẫn đầu bởi nhóm công nghệ megacap.

Kết thúc phiên 12/11, chỉ số Dow Jones tăng 179,8 điểm (+0,5%), lên 26.100,31 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 35,58 điểm (+0,72%), lên 4.682,85 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 156,68 điểm (+1%), lên 15.860,96 điểm.

Trong tuần, S&P 500 giảm 0,31%, Dow Jones giảm 0,63%, trong khi Nasdaq Composite giảm 0,69%.

Chứng khoán châu Âu khép lại tuần tăng thứ sáu liên tiếp với một phiên thứ Sáu ổn định khi kết quả mạnh mẽ từ công ty mẹ của Cartier kết thúc một mùa báo cáo quý III mạnh mẽ, kéo theo đà tăng của nhóm cổ phiếu xa xỉ.

STOXX 600 đang có mức tăng cao kỷ lục trong tháng 11, được thúc đẩy bởi các thông điệp ôn hòa từ ngân hàng trung ương, báo cáo kinh doanh lạc quan và các dấu hiệu phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của ECB hôm thứ Sáu thừa nhận, lạm phát khu vực đồng euro có thể giảm chậm hơn so với dự báo trước đó, một phần do tắc nghẽn chuỗi cung ứng.

Hơn nữa, châu Âu lại trở thành tâm điểm của Covid-19, với Đức, Pháp và Hà Lan đang phải xem xét áp dụng trở lại các biện pháp giãn cách.

Kết thúc phiên 12/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 36,27 điểm (-0,49%), xuống 7.347,91 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 10,96 điểm (+0,07%), lên 16.094,07 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 31,85 điểm (+0,45%), lên 7.091,40 điểm.

Kết thúc tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 0,60%, chỉ số DAX tăng 0,25%, chỉ số CAC 40 tăng 0,72%.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản Nhật Bản tăng khi giới đầu tư ồ ạt chọn mua nhóm cổ phiếu công nghệ.

Chứng khoán Trung Quốc trái chiều, với chỉ số bluechip giảm, khi nhóm cổ phiếu bất động sản bị chốt lời.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, được thúc đẩy bởi các công ty công nghệ lớn, dù Alibaba là điểm trừ, sau khi doanh số Ngày Độc thân của họ tăng với tốc độ chậm nhất từ ​​trước đến nay.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, nhưng ghi nhận tuần giảm điểm do rủi ro lạm phát ngày càng tăng và trục trặc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kết thúc phiên 12/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 332,11 điểm (+1,13%), lên 29.609,97 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 6,31 điểm (+0,18%), lên 3.539,10 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 79,98 điểm (+0,32%), lên 25.327,97 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 43,88 điểm (+1,50%), lên 2.968,80 điểm.

Kết thúc tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,01%, chỉ số Shanghai Composite tăng 1,36%, chỉ số Hang Seng tăng 1,84%, chỉ số KOSPI giảm 0,02%.

Nỗi lo lạm phát khiến giá vàng có phiên thứ bảy liên tiếp tăng giá. Nhà đầu tư tỏ ra lo lắng trước khả năng lạm phát cao không chỉ còn là vấn đề trong ngắn hạn mà sẽ vẫn còn kéo dài khi mà giá hàng hóa tăng cao, mức lương tăng và gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa.

Kết thúc phiên 12/11, giá vàng giao ngay tăng 3,30 USD (+0,18%), lên 1.865,20 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 4,60 USD (+0,25%), lên 1.868,50 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 2,6%, giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 2,8%.

Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 18 chuyên gia trên phố Wall, có 15 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 2 người cho rằng giá vàng sẽ giảm và có 1 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Đối với khảo sát trực tuyến với 1.018 người tham gia, 71% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 16% cho rằng giá vàng giảm và 13% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.

Giá dầu giảm vào thứ Sáu, xóa sạch mức tăng phiên trước do lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nhanh kế hoạch tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Kết thúc phiên 12/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,80 USD (-1%), xuống 80,79 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,70 USD (-0,8%), xuống 82,17 USD/thùng.

Trong tuần, dầu Brent giảm khoảng 0,7%, trong khi WTI giảm 0,6%.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục