Lãi vay thấp không dành cho... tất cả

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Liên tiếp các ngân hàng công bố giảm lãi cho vay, tuy nhiên, đi vào chi tiết có thể thấy, lãi vay thấp không dành cho mọi khách hàng.
Một số ngân hàng tiếp tục giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 Một số ngân hàng tiếp tục giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch

Vietcombank vừa quyết định giảm đồng loạt lãi suất tiền vay cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng trong thời gian 3 tháng đến hết 22/5/2021 cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Cụ thể, đối với khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng giảm tới 10% số tiền lãi phải trả cho các khách hàng bị ảnh hưởng mạnh nhất và giảm tới 5% số tiền lãi phải trả cho các khách hàng bị ảnh hưởng còn lại. Đối với khách hàng cá nhân, Ngân hàng giảm lãi suất 0,2%/năm cho các khách hàng vay vốn sản xuất - kinh doanh.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho hay, trong năm 2020, Ngân hàng có 5 lần giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, với tổng dư nợ được hỗ trợ 441.768 tỷ đồng. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng do giảm lãi suất là gần 4.000 tỷ đồng.

Một ngân hàng khác, HDBank tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ dành cho khách hàng, lãi suất chỉ từ 3%/năm để cùng khách hàng thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa duy trì, phát triển kinh tế. Theo đó, Ngân hàng ban hành chính sách tự động giảm lãi suất cho vay đến 4,5% cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ mà không cần khách hàng phải đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải. Giải pháp HDBank dành cho khách hàng là được vay ưu đãi để sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng lên đến 3 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi chỉ từ 3%/năm, ân hạn vốn gốc 6 tháng.

Lãi suất cho vay không giảm sâu, giảm nhanh theo lãi suất huy động, giúp các ngân hàng lãi cao trong năm qua.

Đối với người cho thuê nhà, HDBank thiết kế, triển khai chương trình “ưu đãi cho vay, trọn tay chia sẻ” có hạn mức tài trợ lên đến 2 tỷ đồng/khách hàng, lãi suất ưu đãi từ 9%/năm, thời gian ân hạn gốc lên tới 24 tháng. Còn với hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ, Ngân hàng cấp hạn mức tài trợ đến 2 tỷ đồng/khách hàng, thời hạn hợp đồng hạn mức tín dụng 60 tháng, lãi suất ưu đãi từ 8,6%/năm.

Thực tế cho thấy, lãi vay giảm phần lớn được các ngân hàng dành cho phân khúc khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang chịu tác động của đại dịch Covid-19.

Có nhu cầu vốn vay mua trả góp căn hộ tại một dự án của Khang Điền ở Quận 9. TP.HCM, chị Hoa tìm hiểu ở một số ngân hàng như ACB, VietA Bank, Vietcombank, song lãi suất cho vay dao động từ 9 - 10%/năm. Chị Hoa cho hay, mức lãi suất này chỉ mới giảm nhẹ so với đầu năm 2020. Hiện ở một số ngân hàng khác đang có chương trình ưu đãi lãi suất cho cá nhân vay mua nhà như VIB, BIDV..., nhưng các nhà băng này cũng chỉ ưu đãi trong 3 - 6 tháng. Sau đó, lãi vay sẽ được cộng thêm biên độ 2,5 - 3%, tính trên lãi suất tiết kiệm 12 tháng thì tổng lãi suất cho vay mua nhà cũng lên đến 9 - 12%/năm.

Tổng giám đốc một ngân hàng thừa nhận, lãi suất cho vay trong thời gian qua được ngân hàng cắt giảm 2 - 2,5%, song với cá nhân, nhất là vay mua nhà, lãi suất chưa giảm nhiều. Bởi lẽ, đây là các khoản vay dài hạn, ngân hàng cho vay vốn huy động kỳ hạn dài, lãi suất cao nên khó có thể điều chỉnh giảm ngay lãi suất cho phân khúc khách hàng này, mà cần có độ trễ 3 - 6 tháng tới mới có thể cân đối được chi phí để giảm lãi suất.

Hiện lãi suất cho vay mua nhà tại đang được nhiều ngân hàng áp dụng đối với cá nhân dao động 9 - 12%/năm; lãi suất cho vay tiêu dùng ở mức tương tự. Một số ngân hàng như BIDV, VIB, Vietcombank áp dụng mức lãi suất ưu đãi 8 - 9%/năm trong 3 - 6 tháng.

Khó giảm theo lãi suất huy động

Lãi suất tiết kiệm hiện đã giảm mạnh so với đầu năm 2020 sau 3 lần Ngân hàng Nhà nước ra quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1,5 - 2% trong năm qua. Mức trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn tiền gửi dưới 6 tháng còn 3,9%/năm. Đối với kỳ hạn 6 - 13 tháng, lãi suất cao nhất từ 5 - 6%/năm. Thế nhưng, lãi suất cho vay vẫn được các nhà băng điều chỉnh giảm nhỏ giọt.

Đang có dư nợ trả góp trong 2 năm trị giá 500 triệu đồng tại một ngân hàng có trụ sở ở Quận 3. TP.HCM, ông Quang cho biết, với lãi suất vay 12%/năm từ đầu năm 2020 đến nay, ngân hàng chỉ mới điều chỉnh được một lần lãi suất xuống 11,5%/năm. Với xu hướng lãi suất giảm của các nhà băng trong thời gian gần đây, ông Quang đã không dưới 2 lần đề nghị ngân hàng xem xét, song đến nay vẫn chưa được điều chỉnh giảm lãi suất.

Đại diện một doanh nghiệp cho hay, họ đang rơi vào tình trạng lãi vay giảm không tương xứng với lãi suất huy động. Sau thời gian áp dụng cố định, lãi suất được tính dựa trên lãi suất huy động cộng với biên độ từ 3,5 - 4,5%/năm nhưng lại không được thấp hơn mức sàn lãi suất cho vay hiện tại. Do vậy, muốn hưởng lãi suất thấp hơn, doanh nghiệp buộc phải xoay được dòng tiền để trả nợ trước hạn, nếu không đành chịu lãi suất cao. Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay, việc xoay được dòng tiền không phải dễ dàng với các doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, lãi suất cho vay không giảm sâu, giảm nhanh theo lãi suất huy động. Đó là lý do chính giúp các ngân hàng đạt lợi nhuận cao trong năm qua, do biên lãi ròng (NIM) tăng cao khi lãi huy động giảm, lãi suất cho vay giảm không theo kịp lãi suất tiền gửi.

Trong năm nay, theo TS. Hiếu, có thể xảy ra trường hợp tương tự khi mặt bằng lãi suất đầu vào đã giảm, nhưng đầu ra chưa thực sự giảm nhiều. NIM của các ngân hàng có chiều hướng cải thiện. Tuy nhiên, do nợ xấu của các ngân hàng có nguy cơ tăng vì phải cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh bởi dịch Covid-19 nên ngân hàng nới biên độ lãi suất huy động và cho vay để tăng NIM. Lợi nhuận thu về cao hơn, nhưng các nhà băng cũng phải dành để trích lập dự phòng.

Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, các ngân hàng sẽ tiếp tục được lợi từ việc chi phí vốn giảm khi lãi suất huy động giảm từ 2 - 2,5% trong năm 2020 và mức giảm mạnh diễn ra trong nửa cuối năm 2020 kéo dài sang đầu năm 2021, nhằm kích cầu tăng trưởng tín dụng. Tín dụng năm nay có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 12 - 13%.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, lãi suất huy động đang ở gần mức thấp nhất trong lịch sử, nhưng lãi vay vẫn có thể giảm thêm do tác động của độ trễ. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thúc đẩy các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí đi vay, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh kinh tế phục hồi.

Thế nhưng, theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, việc giảm mạnh lãi suất lúc này không phải là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy tín dụng, vì nút thắt tín dụng là tổng cầu vẫn suy giảm. Bên cạnh đó, ngân hàng đang cẩn thận trong hoạt động cho vay nhằm hạn chế nợ xấu mới phát sinh.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhìn nhận, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát, việc tiêm chủng vắc-xin chuẩn bị triển khai, lạm phát tăng trở lại, lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ có diễn biến tăng trong thời gian tới.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục