Lãi vay có dư địa hạ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Gói hỗ trợ lãi suất tái cấp vốn quy mô 100.000 tỷ đồng dự kiến triển khai đang tạo kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm sâu.
Từ 23/1/2020 đến nay, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng miễn, giảm cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là gần 26.000 tỷ đồng. Từ 23/1/2020 đến nay, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng miễn, giảm cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là gần 26.000 tỷ đồng.

Ngân hàng giảm lợi nhuận để hạ lãi suất

SCB vừa triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho khoản vay mới đến hết ngày 19/3/2022, dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể, với gói ưu đãi 1, lãi suất cho vay từ 6,99%/năm, áp dụng với khách hàng duy trì số dư tài khoản thanh toán bình quân tối thiểu tại SCB từ 50 triệu đồng. Với gói ưu đãi 2, lãi suất cho vay từ 8,05%/năm, không yêu cầu cam kết duy trì số dư tài khoản thanh toán bình quân tối thiểu tại SCB.

Tương tự, MSB có gói tín dụng 1.000 tỷ đồng với lãi suất từ 5,5%/năm, triển khai đến ngày 31/12/2021, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ngành nhựa. Theo đó, khách hàng có nhu cầu về vốn ngắn hạn có thể chọn giải pháp tài trợ đến 3 lần giá trị tài sản bảo đảm, hoặc giải pháp tài trợ không tài sản bảo đảm lên đến 5 tỷ đồng. Doanh nghiệp có kế hoạch hoạt động dài hạn có thể lựa chọn gói tài trợ trung, dài hạn tới 70% giá trị tài sản đầu tư, thời gian vay tối đa 7 năm.

Cùng mục tiêu hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn hiện nay, đặc biệt là hướng tới lối sống thân thiện với môi trường và giảm thiểu phát thải carbon, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam triển khai chương trình cho vay mua xe ô tô thân thiện với môi trường. Chương trình bao gồm các gói vay linh hoạt, với mức lãi suất từ 5,75%/năm, được điều chỉnh theo từng thời kỳ. Khách hàng có thể lựa chọn mức lãi suất 5,75%/năm trong 12 tháng đầu, hoặc 6,25%/năm trong 24 tháng đầu, hoặc 6,75%/năm trong 36 tháng đầu.

Đây là các mức lãi suất cho vay ở trong nhóm hấp dẫn nhất thị trường hiện nay, áp dụng cho các dòng xe có động cơ “hybrid” (kết hợp xăng và mô-tơ điện) đáp ứng tiêu chuẩn cao về khí thải và nhiên liệu.

Ngân hàng Nhà nước dự kiến triển khai gói hỗ trợ tái cấp vốn có quy mô tương đương 100.000 tỷ đồng dư nợ cho vay, với lãi suất cấp bù là 3 - 4%/năm.

“Chúng tôi tin rằng, các giải pháp tài chính có thể góp phần tạo ra những tác động tích cực lên cộng đồng và môi trường”, ông Harmander Mahal, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam chia sẻ.

Một lãnh đạo cao cấp Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2021, cơ quan quản lý giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh. Luỹ kế từ 23/1/2020 đến nay, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng miễn, giảm cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là gần 26.000 tỷ đồng.

“Đến cuối tháng 7/2021, mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 0,55%/năm so với cuối năm 2020 và sẽ tiếp tục được hệ thống ngân hàng triển khai quyết liệt trong thời gian tới”, vị lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ nói.

Được biết, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thống nhất nguyên tắc tiếp tục giảm lãi suất cho vay lên đến 1%/năm trên dư nợ hiện hữu bằng đồng Việt Nam trong 5 tháng cuối năm 2021 đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính trên 20.613 tỷ đồng.

Hệ thống ngân hàng nỗ lực giảm thêm lãi suất cho vay nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Hệ thống ngân hàng nỗ lực giảm thêm lãi suất cho vay nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước có thể cấp bù lãi suất

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến 20/9/2021, tín dụng toàn nền kinh tế và huy động vốn từ các tổ chức tín dụng lần lượt tăng 7,17% và 4,28% so với cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,99% và 7,35% so với cuối năm 2019). Tuy nhiên, xét theo tháng, tín dụng chậm lại trong tháng 9 với mức giảm 0,23% so với tháng 8, tương đương giảm 30.000 tỷ đồng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp. Do vậy, chênh lệch giữa tiền gửi - tín dụng được cải thiện và giúp giảm áp lực lên thanh khoản hệ thống.

Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI nhận định: “Chính sách tiền tệ trong thời gian tới sẽ tiếp tục nới lỏng để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch, trong bối cảnh lạm phát đang được kiểm soát tốt, bao gồm tăng hạn mức tín dụng, tiếp tục có các biện pháp giảm lãi suất cho vay, thậm chí giảm lãi suất điều hành”.

Việc sử dụng chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế hiện đã gần tới giới hạn, đòi hỏi phải đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp tài khóa, thực hiện các cơ chế đặc thù.

Ngoài ra, không có hoạt động bơm/hút ròng mới nào được thực hiện trong tuần qua trên kênh tín phiếu và thị trường mở (OMO). Lượng OMO và tín phiếu đang lưu hành duy trì ở mức 0. Diễn biến này tiếp tục cho thấy, thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn đang ở trạng thái dồi dào.

Theo đó, Công ty Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cởi mở hơn trong việc nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại, đồng thời lãi suất cho vay tiếp tục giảm để hỗ trợ tăng trưởng, nhất là đối với các ngành và khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Thực tế, không phải tất cả các doanh nghiệp đều mong muốn được hạ lãi suất, bởi nhu cầu từng doanh nghiệp tại mỗi khu vực, đặc thù ngành nghề là khác nhau, nhưng hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp đều mong muốn lãi suất cho vay thấp hơn để phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Trong cuộc trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo cao cấp SCB đặt vấn đề: “Doanh nghiệp muốn giảm lãi suất cho vay nữa thì giảm đến bao nhiêu?” và vị này cũng tự trả lời: “Lãi suất 0% và chỉ có cách đó mới ổn cho doanh nghiệp, nhưng nếu làm như vậy thì ngân hàng không ổn. Giải pháp ở đây chỉ còn trông đợi vào nguồn lực của Nhà nước trên cơ sở chính sách hỗ trợ phù hợp”.

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước dự kiến triển khai gói hỗ trợ tái cấp vốn có quy mô tương đương 100.000 tỷ đồng dư nợ cho vay, với lãi suất cấp bù là 3 - 4%/năm.

“Ví dụ, khoản vay của khách hàng SCB có lãi suất 7%/năm, nhưng Ngân hàng cho vay với lãi suất 4%/năm và phần bù lãi suất 3%/năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ thông qua gói tái cấp vốn. Tất nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng được cấp bù lãi suất và đối tượng, tiêu chuẩn được cấp bù lãi suất sẽ do quy định từ cơ quan quản lý”, vị lãnh đạo SCB nói.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, ông đã nhận được thông tin về gói tái cấp vốn 100.000 tỷ đồng và đang đợi hướng dẫn cụ thể để triển khai. Vị tổng giám đốc nhìn nhận, quy mô tín dụng của nền kinh tế hiện trên 9,8 triệu tỷ đồng, nên gói tái cấp vốn trị giá 100.000 tỷ đồng chỉ như “muối bỏ biển”. Dẫu vậy, trong khi chưa có những giải pháp khác thì gói tái cấp vốn đó “có còn hơn không”, dù việc cho vay theo chương trình này rất “đau tim” khi nhớ lại gói tái cấp vốn năm 2009.

“Gói hỗ trợ lãi suất 4%/năm trong năm 2009 cho đến giờ tôi vẫn chưa thấy có tổng kết, nhưng mỗi lần nghĩ đến là nghĩ tới rủi ro, thậm chí cơ cực đối với hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các nhân viên trực tiếp triển khai. Đã có những câu chuyện nhức nhối liên quan đến pháp luật nên có thể gọi đây là gói hỗ trợ nguy hiểm và mong rằng câu chuyện đau lòng của quá khứ sẽ không lặp lại”, vị tổng giám đốc chia sẻ.

Gợi ý giải pháp

Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, muốn hạ được lãi suất cho vay phải hạ được lãi suất huy động. Nhưng trong khi bối cảnh hiện nay, nhiều ngân hàng báo cáo lượng tiền gửi đang giảm mà giảm tiếp lãi suất huy động là chuyện khó.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, đến cuối tháng 9/2021, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,28% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 7,48%), tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 7,17% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,99%).

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể hạ lãi suất điều hành, hạ lãi suất tái cấp vốn, hay sử dụng nghiệp vụ thị trường mở thông qua giải pháp bơm tiền ra thị trường với nghiệp vụ mua trái phiếu chính phủ hiện đang được các ngân hàng nắm giữ rất nhiều. Việc đẩy lượng tiền lớn ra lưu thông có khả năng ảnh hưởng đến lạm phát, nhưng không đáng ngại, bởi lạm phát hiện ở mức thấp.

CPI tháng 9/2021 tăng 2,06% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân quý III/2021, CPI tăng 2,5% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, lạm phát bình quân ở mức 1,82%, ghi nhận xu hướng tăng dần, nhưng vẫn ở vùng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản tiếp tục ổn định ở mức 0,88%, khá thấp so với các năm trước.

Tuy nhiên, TS. Ánh cảnh báo, các báo cáo hiện nay cho thấy con số lạm phát thấp, căn cứ vào số liệu này có khả năng hạ lãi suất huy động, nhưng lạm phát toàn cầu hiện rất cao, trong khi Việt Nam đang nhập khẩu nhiều, nên việc nhập khẩu lạm phát là có thể xảy ra.

Về vấn đề này, TS. Nghĩa nêu quan điểm: “Đôi khi phải chấp nhận có sự đánh đổi liên quan đến lạm phát. Nhưng tôi cho rằng, lạm phát khó tăng, bởi còn phụ thuộc vào vòng quay của tiền. Khối lượng tiền nhân với vòng quay mới ra tổng lượng tiền tệ. Vòng quay của tiền hiện đang rất thấp do giao thông tắc nghẽn, hàng tồn kho nhiều, người dân không chi tiêu… nên tổng lượng tiền tệ thấp, do đó, sẽ chưa có tác động gây ra lạm phát. Ngân hàng Nhà nước có thể cân đối để mức lãi suất giảm khoảng 1%/năm là phù hợp”.

TS. Ánh cho biết, một giải pháp khác để giảm lãi suất cho vay là các ngân hàng cắt giảm chi phí, nhưng câu chuyện này mang tính chất dài hạn, trong khi nhu cầu hiện nay của nền kinh tế là cấp bách.

“Sử dụng nguồn vốn rẻ của ngân hàng (tăng tiền gửi của ngân sách nhà nước vào hệ thống ngân hàng) hoà vào nguồn vốn chung để kéo lãi suất bình quân của lãi suất huy động xuống, qua đó hạ được lãi suất cho vay”, TS. Ánh gợi ý.

Cần thêm giải pháp tài khóa

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay, áp lực lạm phát tăng trong các tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022 là hiện hữu, do các nguyên nhân sau: thứ nhất, xu hướng tăng của giá nhiên liệu thế giới; thứ hai, khả năng phục hồi của giá thực phẩm, đặc biệt là thịt gia súc và gia cầm tươi sống trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục ở mức cao; thứ ba, chuỗi cung ứng trong nước và thế giới bị đứt gãy, khả năng phục hồi chậm so với tốc độ tăng của tổng cầu khiến giá cả hàng hóa tăng nhanh.

Đáng chú ý, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam ở mức cao và có xu hướng tăng. Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, tỷ lệ này giai đoạn 2016 - 2019 bình quân là 129,5% (2019: 135,7%; 2018: 130,1%, 2017: 130%; 2016: 122,3%), cuối năm 2020 là 146%. Tính theo GDP đánh giá lại vẫn cao, năm 2020 là 115,82%, năm 2019 là 107,6%, năm 2018 là 103,4%, năm 2017 là 103,5%, năm 2016 là 97,62%, trong khi quy mô tín dụng rất lớn (dư nợ hiện trên 9,8 triệu tỷ đồng).

Trong khi đó, việc cân đối vốn cho nền kinh tế (đặc biệt vốn trung và dài hạn) vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng, từ đó luôn tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng (huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn), kéo theo sức ép và rủi ro lên hệ thống tổ chức tín dụng.

“Do đó, cần tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển thị trường vốn, từng bước thay thế kênh tín dụng trung, dài hạn của hệ thống ngân hàng theo chủ trương và lộ trình của Chính phủ”, Ngân hàng Nhà nước nêu quan điểm.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc sử dụng chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế hiện đã gần tới hạn do: lãi suất điều hành ở mức rất thấp so với nhiều năm trở lại đây, nhiều thời điểm lãi suất liên ngân hàng sát 0%/năm; nguy cơ tăng nợ xấu đối với hệ thống ngân hàng; các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia cảnh báo rủi ro suy giảm chất lượng bảng cân đối của các tổ chức tín dụng trong nước do tác động của dịch Covid-19 và có thể dẫn đến nguy cơ giảm hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

“Hệ thống tổ chức tín dụng vẫn đang tiếp tục cơ cấu lại và xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đang gia tăng xu hướng thu lại các giải pháp nới lỏng tiền tệ để giảm bớt rủi ro lạm phát. Do đó, để hỗ trợ nền kinh tế, cần đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp tài khóa, thực hiện các cơ chế đặc thù như đã nêu tại Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV”, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục