Ngân hàng tìm cách giữ lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đợt bùng phát dịch lần 4 dự báo sẽ tác động xấu tới lợi nhuận ngân hàng năm nay, giảm chi phí là cách ngân hàng đang phải sử dụng.
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động nên phải tìm cách tăng lợi nhuận từ các mảng khác ngoài tín dụng. Ảnh: Dũng Minh Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động nên phải tìm cách tăng lợi nhuận từ các mảng khác ngoài tín dụng. Ảnh: Dũng Minh

Tìm cách giữ lợi nhuận

Cùng với việc giảm lãi suất cho vay, nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động để giảm chi phí đầu vào. Mặt bằng lãi suất huy động hiện giảm còn 3 - 3,4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; 3,5 - 5%/năm với kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng; 4 - 6%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng. Nguồn vốn huy động ít hơn, nhưng thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào, phản ánh rõ nhất qua mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức dưới 1%/năm đối với các kỳ hạn ngắn.

Theo đó, biên lãi ròng được nhìn nhận chỉ bị tác động nhẹ bởi việc giảm lãi suất cho vay. Thậm chí, tại một số ngân hàng, lãi suất cho vay giảm ít hơn lãi suất huy động, giúp biên lãi ròng tăng lên.

Đơn cử, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, lãi suất cho vay quý II/2021 của một ngân hàng có vốn nhà nước chi phối giảm còn 7,83%/năm, lãi suất huy động trung bình giảm mạnh hơn, xuống 3,68%/năm, nên biên lãi ròng trong kỳ tăng lên 3,2%.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, giảm lãi vay chỉ tác động đến biên lãi ròng trong ngắn hạn. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ khi các ngân hàng được yêu cầu giảm lãi vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ giúp giảm chi phí huy động vốn của các ngân hàng. Do đó, biên lãi ròng dự kiến sẽ đi ngang, hoặc giảm nhẹ.

Vả lại, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, phần lớn doanh nghiệp không mở rộng đầu tư sản xuất, tiền sẽ nằm trong tài khoản ngân hàng. Khi tiền gửi không kỳ hạn tăng lên, phần chi phí vốn của ngân hàng giảm đi, làm tăng thu nhập từ lãi.

Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư cuối quý II/2021, ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính doanh nghiệp Techcombank chia sẻ, trong chiến lược của Techcombank có những điểm có thể giảm thiểu ảnh hưởng của việc giảm lãi suất cho vay. Techcombank tập trung vào giảm lãi suất huy động bằng cách tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn, đồng thời tăng nguồn vay của nước ngoài nhằm tối ưu chi phí huy động.

Mặt khác, dưới góc độ nhà kinh doanh, các ngân hàng phải tìm cách tăng lợi nhuận từ những mảng khác để bù lại phần lợi nhuận đã “hy sinh” nhằm đảm bảo kế hoạch kinh doanh cả năm. Ngân hàng đẩy mạnh các khoản thu phi tín dụng như thu từ phí dịch vụ, bán chéo bảo hiểm (bancassurance), kinh doanh ngoại hối... Tổng giám đốc một ngân hàng kỳ vọng, thu nhập phí sẽ gia tăng trong những tháng cuối năm 2021.

Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021 của nhiều ngân hàng cho thấy, lợi nhuận phần lớn đến từ hoạt động dịch vụ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ VietinBank đạt 2.639,9 tỷ đồng, BIDV đạt 3.175,9 tỷ đồng, MSB đạt 2.197 tỷ đồng, HDB đạt 857 tỷ đồng… LienVietPostBank có giá trị thu thuần dịch vụ tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, thu phí hoa hồng bảo hiểm tăng gần 90%. Theo thống kê của Maybank Kim Eng, thu nhập từ phí của ngân hàng tăng 60% trong nửa đầu năm nay, nhờ vào phí bancassurance, phí thanh toán, phí từ thẻ…

Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, TS. Cấn Văn Lực nhận định, thu nhập từ hoạt động phi tín dụng, nhất là dịch vụ sẽ tiếp tục tăng cao, động lực đến từ dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng số và kinh doanh trái phiếu, ngoại tệ. Đặc biệt, thu từ hoa hồng phân phối bảo hiểm kỳ vọng có đóng góp lớn vào thu nhập từ dịch vụ, nhất là với những nhà băng có thế mạnh bancassurance. Việc ghi nhận phí trả trước từ các thương vụ bancassurance độc quyền và doanh thu bancassurance sẽ hỗ trợ cho thu nhập phí và lợi nhuận ngân hàng trong những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022.

Khó tránh khỏi áp lực

Làn sóng dịch Covid-19 thứ tư có diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố phía Nam, len lỏi vào các khu công nghiệp lớn, khiến không ít nhà máy phải đóng cửa, hoặc hoạt động cầm chừng. Do đó, quý III được xem là bắt đầu mùa cao điểm kinh doanh, nhưng nhu cầu tín dụng yếu do hoạt động sản xuất - kinh doanh ngưng trệ. Tám tháng đầu năm 2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 7,4%. Theo Công ty Chứng khoán SSI, trong 2 tháng 7 và 8, tổng giá trị tín dụng chỉ tăng thêm khoảng 88.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức tăng thêm 600.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021. Dự báo, tín dụng sẽ không có nhiều tiến triển trong tháng 9 và 10.

Ước tính, tổng mức “hy sinh” lợi nhuận của các ngân hàng để hỗ trợ khách hàng trong dịch Covid-19 lên tới 24.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh đó, không chỉ khách hàng doanh nghiệp, mà khách hàng cá nhân cũng muốn giảm lãi vay, cơ cấu nợ. Ngân hàng phải giảm lãi suất các khoản vay cũ lẫn mới, dù không phải áp dụng cho tất cả khách hàng nhưng nguồn thu từ lãi của ngân hàng sẽ giảm. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận, kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng. Theo một ước tính, tổng mức “hy sinh” lợi nhuận của các ngân hàng để hỗ trợ khách hàng trong dịch Covid-19 lên tới 24.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khi khách hàng gặp khó khăn, không trả được nợ, nợ xấu hình thành, đòi hỏi ngân hàng phải gia tăng bộ đệm dự phòng rủi ro. Thực tế, nhiều nhà băng đã tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu, chuẩn bị cho tình huống nợ xấu sẽ tăng trong tương lai do các khoản nợ xấu “chưa được che giấu” từ việc tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Một chuyên gia lĩnh vực tài chính nêu quan điểm, không loại trừ trường hợp nợ xấu vẫn được hạch toán lãi dự thu và được ghi nhận vào lợi nhuận trong nửa đầu năm nay. Những khoản này được gọi là lãi “ảo”, lợi nhuận chưa thực hiện và có khả năng không thể thu hồi được nợ trong tương lai.

Vì thế, ngoài việc cân đối chi phí huy động và giảm lãi vay, tăng nguồn thu dịch vụ, thì một yếu tố quan trọng để giữ được lợi nhuận trong nửa cuối năm là mạnh tay cắt giảm chi phí hoạt động. Nói cách khác, tối ưu hóa hoạt động, kiểm soát tốt chi phí, giúp kiểm soát chi phí trên thu nhập (CIR) tốt trở thành một chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động của các ngân hàng. CIR giảm có tác động từ hai chiều: chiều tiết giảm chi phí hoạt động và chiều doanh thu tăng trưởng cao hơn, hoặc ngân hàng vẫn gia tăng đầu tư với chi phí hoạt động tăng lên, nhưng hiệu quả tạo doanh thu đạt được lớn hơn.

Tỷ lệ chi phí trên thu nhập của OCB ở mức 28,1% trong nửa đầu năm nay, giảm so với mức 29,6% cùng kỳ năm trước. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, việc tăng cường đầu tư công nghệ đã giúp Ngân hàng tối ưu hóa năng suất lao động, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động. Cụ thể, chi phí hoạt động của OCB trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 12,7%, trong khi tổng thu nhập hoạt động tăng 18,7% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, lợi nhuận ngành ngân hàng được Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận định sẽ phân hóa mạnh khi cắt giảm lãi vay, dù chưa nhà băng nào có động thái điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận năm 2021. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và nắm giữ danh mục khách hàng ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ có nhiều tiềm năng hơn trong nửa còn lại của năm nay.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục