Lãi suất vẫn là áp lực với bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kinh tế sôi động trở lại giúp bảo hiểm phi nhân thọ có cơ hội mở rộng doanh thu, nhưng bài toán hiệu quả dường như vẫn chưa có lối ra.
Covid-19 sẽ còn tác động tới các doanh nghiệp phi nhân thọ. Ảnh: Dũng Minh Covid-19 sẽ còn tác động tới các doanh nghiệp phi nhân thọ. Ảnh: Dũng Minh

Theo chia sẻ của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, giải pháp trọng tâm để duy trì lợi nhuận ổn định trong năm nay vẫn là kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ bồi thường và gia tăng hiệu quả từ hoạt động đầu tư.

Thực tế, bên cạnh nguồn thu từ hoạt động chính là kinh doanh bảo hiểm, đầu tư cũng là hạng mục quan trọng được chú trọng, trong đó ngoài dành tối thiểu 70% nguồn vốn cho kênh gửi tiết kiệm hay trái phiếu chính phủ theo quy định hiện hành để đảm bảo an toàn nguồn vốn, các doanh nghiệp phi nhân thọ còn mở rộng đầu tư sang các kênh khác như bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp…

Tuy nhiên, cũng bởi phần lớn danh mục đầu tư là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ, nên mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay là một bất lợi, có thể làm giảm lợi nhuận của nhà bảo hiểm. Chưa kể, mặc dù thị trường bất động sản và chứng khoán được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2022, nhưng do bị khống chế về tỷ lệ trong danh mục đầu tư (Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định doanh nghiệp phi nhân thọ chỉ được dành tối đa 35% nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm để đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ, góp vốn vào doanh nghiệp khác, tối đa 10% để đầu tư bất động sản), nên 2 kênh này sẽ khó đóng góp tỷ trọng cao trong tổng lợi nhuận doanh nghiệp.

Để hạn chế những bất lợi trên, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp phi nhân thọ đã tập trung hơn vào trái phiếu doanh nghiệp và xu hướng này được dự báo sẽ còn diễn ra trong năm 2022. Theo dự báo của SSI Research, lợi nhuận từ kênh trái phiếu doanh nghiệp của các hãng phi nhân thọ sẽ tăng 8-10% trong năm 2022 với điều kiện lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 0,2-0,25%/năm, còn lãi từ đầu tư cổ phiếu hay hoàn nhập dự phòng là không nhiều do mức nền so sánh cao trong năm 2021.

Đối với việc kiểm soát bồi thường, các doanh nghiệp phi nhân thọ sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tối ưu chi phí quản lý, đồng thời kiểm soát tốt các chi phí đầu vào trong quá trình sửa chữa, khám chữa bệnh. Các hồ sơ bồi thường cũng được quản lý chặt chẽ hơn nhằm hạn chế tình trạng trục lợi bảo hiểm.

Đơn cử, tại Bảo hiểm VietinBank (VBI), cách đây 4 năm, số lượng khách hàng yêu cầu bồi thường qua ứng dụng My VBI chỉ khoảng 18,6%/tổng số vụ, nhưng nay đã tăng lên mức 70%/tổng số vụ. Tương tự, sau khi triển khai ứng dụng My PTI - Giám định viên, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã tiết giảm được khoảng 20% chi phí quản lý vận hành liên quan đến việc giải quyết bồi thường, tỷ lệ khách hàng tái tục cũng tăng gần 30%...

Theo ông Kim Kang Wook - Phó chủ tịch HĐQT PTI, để quản lý bồi thường tốt thì cần kiểm soát hiệu quả 3 yếu tố gồm tỷ lệ tổn thất, cơ sở dữ liệu thông tin khách hàng và xây dựng hệ thống bồi thường tập trung vào con người.

SSI Research đưa ra nhận định, việc hưởng lợi từ tỷ lệ bồi thường thấp do người được bảo hiểm hoãn nộp các yêu cầu bồi thường trong giai đoạn giãn cách xã hội sẽ khó có thể lặp lại, nên tỷ lệ này dự báo sẽ quay về mức bình thường trong năm 2022 (năm 2021, tỷ lệ bồi thường gốc của toàn thị trường chỉ khoảng 32%). Tuy nhiên, việc sử dụng cơ sở dữ liệu chung về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với các thông tin đăng ký xe cơ giới, vi phạm an toàn giao thông đường bộ, lịch sử tai nạn giao thông… có thể giúp các công ty bảo hiểm phân loại khách hàng tốt hơn.

Bên cạnh đó, Nghị định 03/2021 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự cũng cho phép công ty bảo hiểm tăng phí tối đa 15% so với mức Bộ Tài chính quy định căn cứ vào lịch sử tai nạn của từng xe cơ giới và năng lực chấp nhận rủi ro của mình. Điều này giúp các công ty bảo hiểm có thể tăng phí đối với các hợp đồng có rủi ro cao hơn, thay vì áp dụng giá tương đương với tất cả các hợp đồng như trước đây.

“Yếu tố bất ngờ có thể đến từ sự thành công của kênh bán hàng online với những thay đổi về quy định (giấy chứng nhận điện tử). Nếu doanh thu kênh online tăng mạnh, chi phí trung gian (cho đại lý, môi giới) có thể được tiết giảm dần, từ đó tác động tích cực lên lợi nhuận. Theo đó, doanh thu phí của khối phi nhân thọ năm 2022 ước đạt khoảng 8-10% (vẫn thấp hơn mức trước dịch)”, SSI Research dự báo.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục