Lãi suất tiết kiệm sẽ tăng 0,5 - 1%/năm từ nửa cuối năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cầu tín dụng tăng trở lại, trong khi nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng đến gần cuối quý I/2024 sụt giảm gần 1%... là lý do các nhà phân tích cho rằng, lãi suất tiền gửi sẽ tăng trở lại trên dưới 1% từ nửa cuối năm 2024.
Lãi suất tiết kiệm sẽ tăng 0,5 - 1%/năm từ nửa cuối năm 2024

Ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi

KienLong Bank vừa tăng thêm 0,2 điểm % lãi suất cho tiền gửi các kỳ hạn từ 6 - 36 tháng. Mức lãi suất cho các khoản tiết kiệm trực tuyến tại KienLong Bank hiện như sau: 4,4%/năm cho kỳ hạn 6 tháng, 4,8%/năm cho kỳ hạn 9 tháng, 5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, 5,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, 5,2%/năm cho kỳ hạn 15 tháng và 5,5%/năm cho các kỳ hạn từ 18 đến 36 tháng. Lãi suất cho các kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng được giữ ở mức 3%/năm.

NCB cũng tăng lãi suất huy động các kỳ hạn 4 và 5 tháng với mức tăng lần lượt 0,1 - 0,2 điểm % lên 3,6 - 3,7%/năm, nhưng giảm lãi suất kỳ hạn 1 tháng với mức giảm 0,1% xuống 3,2%/năm.

Lãi suất huy động các kỳ hạn còn lại được NCB giữ nguyên. Cụ thể, lãi suất tại NCB kỳ hạn 2-3 tháng là 3,4-3,5%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng có lãi suất 4,55%/năm, kỳ hạn 9-11 tháng có lãi suất 4,65%/năm, kỳ hạn 12 tháng lãi suất 5%/năm, kỳ hạn 13 tháng lãi suất 5,1%/năm và kỳ hạn 15 tháng lãi suất 5,2%/năm, các kỳ hạn 18-60 tháng được niêm yết lãi suất cao nhất ở mức 5,5%/năm.

Tại VPBank, Ngân hàng vừa công bố biểu lãi suất huy động mới, áp dụng từ ngày 10/4, với mức tăng thêm 0,3 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn từ 12-36 tháng. Trong đó, với hình thức gửi tiền online, sản phẩm có lãi suất cao nhất, lãi suất huy động kỳ hạn 12-18 tháng tăng lên 4,8-4,9%/năm, lãi suất huy động kỳ hạn 24-36 tháng tăng lên 5,2-5,3%/năm.

Ngoài ra, VPBank giữ nguyên lãi suất huy động các kỳ hạn còn lại. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng có lãi suất dao động trong khoảng 2,4-2,6%/năm; kỳ hạn 2 - 5 tháng có cùng mức lãi suất dao động trong khoảng 2,7-2,9%/năm; kỳ hạn 6- 11 tháng là 4,2- 4,4%/năm.

Đây là lần điều chỉnh tăng lãi suất huy động thứ hai của VPBank trong vòng nửa tháng qua. Trước đó, VPBank đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm ở tất cả kỳ hạn từ ngày 27/3, với kỳ hạn 1 tháng tăng nhẹ 0,1 điểm %, kỳ hạn 2 - 36 tháng đồng loạt tăng 0,2%.

Thống kê từ đầu tháng 4/2024 đến nay, đã có 6 ngân hàng tăng lãi suất huy động là VPBank, NCB, Kienlongbank, HDBank, Eximbank và MSB.

Trước đó, Techcombank tăng thêm 0,15% ở các kỳ hạn, dao động từ 2,3 - 4,6%/năm; Eximbank tăng thêm 0,2%, lên 2,6 - 4,8%/năm… Ngược lại, một số ngân hàng giảm lãi tiết kiệm dù đang huy động ở mức thấp như Vietcombank, Nam A Bank, SCB…

Động thái tăng lãi suất tiết kiệm đến từ việc lượng tiền tiết kiệm bắt đầu giảm do lãi suất xuống thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023. Như vậy, lượng tiền gửi của các cá nhân, tổ chức giảm hơn 101.600 tỷ đồng, xuống còn 13,272 triệu tỷ đồng.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng từ cuối tháng 3 đến nay đã giúp lãi huy động chặn đà đi xuống và có xu hướng tăng trở lại. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước ông Đào Minh Tú cho biết, hiện huy động vốn của toàn hệ thống đạt 13,73 triệu tỷ đồng.

Về tăng trưởng tín dụng, tính đến 28/3 tín dụng toàn nền kinh tế tăng 0,9%, trong khi tháng 1 và 2 âm và đến cuối quý I/2024, tín dụng tăng khoảng 1%. Với dấu hiệu khởi sắc này, theo Phó thống đốc Tú, nền kinh tế bắt đầu ngấm vốn và hy vọng trong quý II đến quý III/2024, nhất là quý IV, nguồn vốn tín dụng đạt mức kỳ vọng dự kiến cả năm cán mốc 14-15%.

Sẽ tăng 0,5-1% từ nửa cuối năm 2024

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh Tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp kỷ lục và có thể đã chạm đáy trong tổng thể đánh giá mức lợi tức kênh đầu tư ít rủi ro nhất này so với lạm phát, tỷ giá và nhu cầu vốn trong nền kinh tế.

Mặc dù hoạt động kinh tế đã có sự cải thiện trong quý I/2024, đặc biệt là sự phục hồi trong hoạt động ngoại thương, các yếu tố khác như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng nội địa, bán lẻ, đơn hàng mới vẫn cần thêm số liệu rõ ràng trong thời gian tới để khẳng định xu hướng tăng trưởng vững chắc.

Từ đó hỗ trợ sự tự tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư mạnh dạn tiếp cận tín dụng, mở rộng đầu tư sản xuất, tiêu dùng. Nhìn vào các dữ liệu dài hơn trước dịch Covid cũng cho thấy, tín dụng trong nước vẫn thường có xu hướng tăng rất chậm trong quý đầu năm, và chỉ bắt đầu hồi phục vào quý II hàng năm, sau đó tăng dần trong các quý còn lại của năm. Vì thế, lãnh đạo UOB cho rằng, lãi suất tiết kiệm sẽ có thể tăng lại 0,5 - 1% trên các kỳ hạn khác nhau từ nửa sau năm 2024.

Tuy nhiên, UOB cho rằng, NHNN đã phản ứng nhanh chóng vào đầu năm 2023 trước những thách thức và tình trạng suy thoái kinh tế với các đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp. Lần giảm lãi suất chính sách cuối cùng diễn ra vào tháng 6/2023, khi lãi suất tái cấp vốn được cắt giảm tổng cộng 150 điểm cơ bản, xuống còn 4,50%.

Nhưng với tốc độ hoạt động kinh tế đang được cải thiện và triển vọng tăng trưởng tốt hơn vào năm 2024, khả năng cắt giảm lãi suất tiếp theo vẫn ở mức thấp nhưng không nên loại trừ hoàn toàn. Tỷ lệ lạm phát tăng nhanh gần đây có thể khiến NHNN thận trọng hơn nữa trong bất kỳ thay đổi nào về lãi suất chính sách. Vì vậy, UOB cho rằng, NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,50%.

Ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng khối Cho vay bán lẻ (Ngân hàng Shinhan Việt Nam) cũng đưa ra nhận định, những diễn biến gần đây, lãi suất tiền gửi bắt đầu được điều chỉnh tăng nhẹ trở lại ở một số NHTM, do thanh khoản của hệ thống bắt đầu có tín hiệu cạn.

Tuy nhiên, bằng việc cung cấp thanh khoản cho hệ thống qua các phiên giao dịch gần đây, NHNN có thể vẫn muốn duy trì mặt bằng lãi suất huy động của toàn hệ thống ở mức như hiện tại, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng tín dụng toàn hàng cũng như duy trì hỗ trợ dòng vốn cho sản xuất, kinh doanh.

Còn về phía lãi suất cho vay, theo ông Vũ, thời gian tới cũng sẽ chưa có sự thay đổi đáng kể bởi với việc điều chỉnh giảm biên độ lợi nhuận trên từng khoản vay, các NHTM cũng sẽ giữ cho tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng nhanh nhất có thể nếu vẫn muốn đạt được chỉ tiêu lợi nhuận chung cuối năm. Vì vậy, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện tại, cho tới khi chỉ tiêu tăng trưởng đạt được những kết quả như mong đợi.

Trên thị trường mở, một lượng tiền lớn bắt đầu được bơm trả lại hệ thống ngân hàng. Ngày 11/3 trở đi, Ngân hàng Nhà nước hút về một lượng tiền lớn, mỗi phiên đầu lên đến gần 15.000 tỷ đồng thông qua tín phiếu kỳ hạn 28 ngày. Những ngày này, lượng tín phiếu đến ngày đáo hạn nên Ngân hàng Nhà nước bơm trả lại hệ thống.

T.V

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục