Lãi suất tiết kiệm tạo đáy mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước hút ròng mạnh qua kênh tín phiếu, trên thị trường, lãi suất huy động tiếp tục giảm sâu.
Tại Agribank, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 - 5 tháng chỉ còn 1,9%/năm Tại Agribank, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 - 5 tháng chỉ còn 1,9%/năm

Thanh khoản hệ thống dư thừa

Trung tuần tháng 3, thị trường chứng khoán “xôn xao” trước thông tin Ngân hàng Nhà nước mở lại kênh phát hành tín phiếu từ ngày 11/3, sau hơn 4 tháng tạm dừng. Tính đến cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã có 10 phiên chào bán tín phiếu, với tổng khối lượng trúng thầu lũy kế đạt 147.000 tỷ đồng.

Mục đích phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước được nhận định nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn và hạn chế tác động lên mặt bằng lãi suất trên thị trường 1.

Tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng sau khi giảm nhẹ trong giai đoạn trước Tết Nguyên đán đã bật tăng trở lại khoảng 1,5% kể từ sau Tết. Tính chung từ đầu năm, tỷ giá trong nước đã tăng khoảng 1,8% - mức tương đối mạnh so với cùng kỳ hàng năm. Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp BIDV nhận định, mặc dù các cấu phần cơ bản như cán cân thương mại thặng dư 1,1 tỷ USD, giải ngân FDI khá tích cực khoảng hơn 1 tỷ USD (tăng 10% so với cùng kỳ), nhu cầu ngoại tệ cũng có xu hướng gia tăng cho các hoạt động nhập khẩu, mua kỳ hạn vào sau Tết khiến cân đối cung - cầu ngoại tệ tổng thể rơi vào trạng thái thâm hụt nhẹ.

“Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng góp phần tạo môi trường không mấy thuận lợi cho tỷ giá trong nước như chênh lệch lãi suất VND/USD ở mức âm, hay tỷ giá trên thị trường phi chính thức tăng mạnh, kéo theo nhu cầu mua ngoại tệ kỳ hạn để bảo hiểm rủi ro gia tăng”, vị lãnh đạo BIDV nhận định.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Duy, CFA, Giám đốc - Chuyên gia phân tích cấp cao tại Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho rằng, yếu tố tác động nhiều nhất đến tỷ giá là chênh lệch lãi suất VND trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt so với Mỹ. Tuy nhiên, ông Duy cho rằng, không thể sớm rút ngắn được khoảng cách mà cần quan sát thêm động thái của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới. Tại cuộc họp của Fed, diễn ra vào ngày 20/3 vừa qua, cơ quan này không đưa ra thay đổi nào với dự định về việc cắt giảm lãi suất ba lần trong năm 2024 nhưng vẫn chưa có tín hiệu khi nào sẽ cắt giảm lãi suất.

Còn trên thị trường 1, trong tháng 3, mặt bằng lãi suất huy động niêm yết tiếp nối xu hướng đi ngang theo xu hướng giảm dần là chủ đạo - vốn đã diễn ra từ tháng 2. Theo vị lãnh đạo BIDV, lãi suất VND vẫn được hỗ trợ bởi một số yếu tố: Thứ nhất, về chính sách tiền tệ, định hướng nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục được duy trì với mục tiêu ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo đó, các giải pháp tiếp tục tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thương mại.

Thứ hai, thanh khoản VND tiếp tục được cải thiện nhờ lượng tiền mặt ra ngoài lưu thông trở lại hệ thống theo chu kỳ mọi năm cũng như các ngân hàng thương mại có thể tiếp cận kênh tiền gửi Kho bạc Nhà nước để bổ sung nguồn cung thanh khoản VND. Theo tính toán, hiện tỷ lệ dư nợ tín dụng trên số vốn huy động (LDR) toàn ngành vào khoảng 75%, nếu tính theo Thông tư 36 là khoảng 70%.

“Về tương quan giữa huy động vốn - tín dụng, chênh lệch dự kiến có thể cải thiện nhẹ trong tháng 3, khi tín dụng dần lấy lại đà tăng, trong khi huy động vốn dự kiến tích cực hơn khi lượng tiền mặt ngoài lưu thông quay trở lại”, vị lãnh đạo BIDV nói.

Tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, tính đến ngày 18/3/2024, tăng trưởng tín dụng toàn ngành giảm 0,33% so với cuối năm và mức giảm này được một chuyên gia ngân hàng nhận định “vẫn đang giảm kỹ thuật”.

Ngân hàng “rộn ràng” hạ lãi suất

Câu chuyện lãi suất trên thị trường 1 tiếp tục “rộn ràng” trong tuần qua khi Sacombank tiếp tục hạ lãi suất huy động sau khi đã có 4 lần giảm lãi suất vào tháng trước. Đáng chú ý, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 4 - 5 tháng tại nhà băng này giảm 0,7%/năm và 1,1%/năm, xuống còn 2,5%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng giảm 0,2%/năm, xuống còn 3,7%/năm; trong khi lãi suất kỳ hạn 7 tháng giảm 0,6%/năm và kỳ hạn 8 tháng giảm 0,7%/năm xuống còn 3,5%/năm.

Lãi suất tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 9 tháng đang được Sacombank niêm yết ở mức 3,8%/năm, giảm 0,4%/năm. Trong khi lãi suất kỳ hạn 10 tháng giảm 0,7%/năm, xuống 3,6%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 11 tháng còn 3,6%/năm, giảm 0,8%/năm. Sacombank không còn mức lãi suất huy động trên 6%/năm, sau khi giảm mạnh lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 36 tháng từ 6,2%/năm về 5,2%/năm.

Tương tự, tuần qua, ABBank điều chỉnh giảm lãi suất huy động tại một số kỳ hạn, với mức giảm từ 0,1 - 0,2%/năm. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng được Ngân hàng giảm 0,1%/năm, còn 4,6%/năm; kỳ hạn 7 - 8 tháng giảm 0,2%/năm, còn 4,5%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 9 - 12 tháng giảm 0,1%/năm, xuống còn 4,3%/năm. Lãi suất các kỳ hạn 13 - 60 tháng được Ngân hàng giữ nguyên ở mức 4,4%/năm.

Cũng trong tuần qua, SeABank chính thức giảm lãi suất huy động lần đầu tiên trong tháng. Theo đó, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1 - 5 tháng đồng loạt giảm 0,2%/năm, các kỳ hạn 6 - 12 tháng giảm 0,5%/năm và kỳ hạn 15 - 36 tháng giảm 0,2%/năm.

Theo biểu lãi suất tiết kiệm trực tuyến, Agribank chỉ giữ nguyên lãi suất 3%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 6 - 9 tháng, trong khi các kỳ hạn còn lại đều được điều chỉnh giảm 0,1%/năm. Cụ thể, lãi suất ngân hàng kỳ hạn 1 - 2 tháng chỉ còn 1,6%/năm, kỳ hạn 3 - 5 tháng chỉ còn 1,9%/năm, kỳ hạn 12 - 18 tháng chỉ còn 4,7%/năm.

Lãi suất tiết kiệm truyền thống tại NCB dao động quanh ngưỡng từ 3,3 - 5,4%/năm, giảm trung bình 0,2%/năm so với lần điều chỉnh trước. Đối với kỳ hạn 15 tháng, mức lãi suất niêm yết là 5,1%/năm. Các kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng, lãi suất gửi tiết kiệm lần lượt là 4,9% và 5%/năm, giảm 0,3%/năm so với lần điều chỉnh gần nhất…

Khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, kể từ đầu tháng 3, đã có khoảng 20 ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, gồm PGBank, BVBank, BaoViet Bank, GPBank, ACB, Agribank, VPBank, PVcomBank, DongA Bank, MB, Techcombank, NCB, KienLong Bank, Agribank, SCB, Saigonbank, BIDV, Sacombank, ABBank, SeABank.

Diễn biến trên thị trường cho thấy xu hướng điều chỉnh giảm lãi suất huy động của đa số các ngân hàng vẫn được duy trì. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích đều cho rằng, lãi suất sẽ đi ngang, tạo đáy ở thời điểm cuối tháng 3 và khó có khả năng giảm thêm do cầu tín dụng bắt đầu “nhúc nhích”. Theo đó, thậm chí, lãi suất huy động sẽ có xu hướng tăng lên trong năm 2024.

Nhận định về tình hình trên, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, vị lãnh đạo BIDV nói: “Lãi suất huy động VND khó có thể giảm thêm trong bối cảnh môi trường trong nước hay quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và mặt bằng lãi suất hiện tại đã tiệm cận ở mức thấp trong lịch sử, đặt trong các tương quan với lạm phát và lợi ích của người gửi tiền”.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục