Lãi suất tiết kiệm duy trì ở mức thấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Lãi suất tiền gửi tiết kiệm được cho là đã “thoát đáy” khi gần đây nhích tăng trở lại. Lãi suất huy động dự báo sẽ được các ngân hàng điều chỉnh tăng nhiều hơn kể từ cuối quý II/2024 nhằm chuẩn bị nguồn để đẩy mạnh cho vay.
Từ đầu tháng 4/2024 đến nay, không ít ngân hàng tăng lãi suất huy động nhưng lãi suất cho vay vẫn giữ nguyên Từ đầu tháng 4/2024 đến nay, không ít ngân hàng tăng lãi suất huy động nhưng lãi suất cho vay vẫn giữ nguyên

Tiền gửi vào ngân hàng giảm

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, lạm phát toàn phần tháng 3/2024 tăng 0,1% so với tháng trước đó, đẩy lạm phát của năm so với cùng kỳ lên 4,4%. Huy động vốn (gồm dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng tính đến 25/3/2024 giảm 0,76% so với đầu năm, cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%. Trong khi đó, tín dụng nền kinh tế tăng gần 1,4%.

Nguyên nhân chính khiến lượng tiền gửi vào ngân hàng chậm lại được cho là bởi lãi suất tiết kiệm ở mức thấp, từ 1,6 - 5%/năm tùy từng kỳ hạn.

Theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, tính đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới là 3,02%/năm, giảm 0,5%/năm; lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.

Kể từ đầu tháng 4/2024 đến nay, không ít ngân hàng tăng lãi suất huy động thêm 0,1 - 0,3%/năm nhằm thu hút người gửi tiền. Ngưỡng lãi suất 6%/năm bắt đầu xuất hiện trở lại tại một số nhà băng, nhưng ở kỳ hạn 36 tháng như Oceanbank là 6,1%/năm, OCB là 6%/năm...

Mặt bằng lãi suất huy động được dự báo sẽ tăng mạnh hơn kể từ cuối quý II/2024, khi tín dụng nhiều khả năng được cải thiện rõ nét.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam nhận xét, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp kỷ lục và có thể đã chạm đáy trong tổng thể đánh giá mức lợi tức kênh đầu tư ít rủi ro nhất này so với lạm phát, tỷ giá và nhu cầu vốn trong nền kinh tế. Mặc dù hoạt động kinh tế đã có sự cải thiện trong quý I/2024, đặc biệt là sự phục hồi trong hoạt động ngoại thương, nhưng các yếu tố khác như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng nội địa, bán lẻ..., đơn hàng mới vẫn cần thêm số liệu rõ ràng trong thời gian tới để khẳng định xu hướng tăng trưởng vững chắc, từ đó giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư mạnh dạn tiếp cận tín dụng, mở rộng đầu tư sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng.

Ảnh tác giả

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp kỷ lục và có thể đã chạm đáy trong tổng thể đánh giá mức lợi tức kênh đầu tư ít rủi ro nhất này so với lạm phát, tỷ giá và nhu cầu vốn trong nền kinh tế.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam

Các dữ liệu giai đoạn trước dịch Covid-19 cho thấy, tín dụng trong nước thường có xu hướng tăng chậm trong quý đầu năm, bắt đầu hồi phục vào quý II, sau đó tăng dần trong 2 quý còn lại của năm. Vì thế, UOB dự báo, mặt bằng lãi suất tiết kiệm có thể tăng 0,5 - 1%/năm trong nửa cuối năm 2024 tùy từng kỳ hạn để vừa thu hút người gửi tiền, vừa đáp ứng nhu cầu vay vốn gia tăng.

Về lãi suất chính sách của Ngân hàng Nhà nước, UOB cho rằng, cơ quan này đã phản ứng nhanh chóng vào đầu năm 2023 trước những thách thức xuất hiện và tình trạng suy thoái kinh tế diễn ra, với các đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp. Lần giảm lãi suất chính sách cuối cùng diễn ra vào tháng 6/2023, khi lãi suất tái cấp vốn được cắt giảm tổng cộng 1,5%/năm, xuống còn 4,5%/năm. Với các hoạt động kinh tế đang được cải thiện, xác suất lãi suất chính sách giảm thêm ở mức thấp, nhất là khi tỷ lệ lạm phát gần đây tăng lên. Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%/năm.

Ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng Khối Cho vay bán lẻ, Ngân hàng Shinhan Việt Nam nhận định, lãi suất tiền gửi bắt đầu tăng nhẹ ở một số ngân hàng thương mại do thanh khoản của hệ thống bắt đầu có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước có thể muốn duy trì mặt bằng lãi suất huy động của toàn hệ thống ở mức hiện tại, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống, hỗ trợ dòng vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Mặt bằng lãi suất cho vay dự kiến sẽ không thay đổi cho tới khi tăng trưởng tín dụng đạt được những kết quả như mong đợi.

Chuẩn bị thanh khoản để đẩy mạnh tín dụng

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 10/5/2024, tín dụng tăng 1,95% so với cuối năm 2023, tương đương dư nợ tín dụng đã tăng thêm hơn 264.400 tỷ đồng so với đầu năm nay. Trước đó, 2 tháng đầu năm tín dụng toàn hệ thống vẫn giảm so với cuối năm 2023. Cụ thể, đến ngày 31/1, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 13.479.677 tỷ đồng, giảm 0,6% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,10%). Đến ngày 29/2, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 13.472.474 tỷ đồng, giảm 0,72% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,87%).

Đến cuối tháng 3/2024, tín dụng mới quay đầu tăng trưởng 1,34%. Tuy nhiên, từ 29/3 đến 10/5 (42 ngày), tín dụng chỉ tăng thêm 0,61%, tương đương 82.700 tỷ đồng, chậm lại đáng kể so với kết quả của tháng 3.

Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế. Các ngân hàng có điều kiện để đẩy mạnh cho vay, thay vì bị hạn chế room tín dụng như các năm trước, nên đang từng bước kích cầu vốn thông qua chương trình lãi suất ưu đãi cho cả khách hàng doanh nghiệp, cá nhân. Nhưng trước hết, các ngân hàng phải chuẩn bị tốt thanh khoản, nhất là trong bối cảnh tỷ giá vẫn chịu nhiều áp lực.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Chiến lược Dragon Capital dự báo, áp lực tỷ giá có thể là một trong các yếu tố khiến các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,5 - 1,5%/năm trong 3 - 6 tháng tới. Tính đến nay, tỷ giá USD/VND đã tăng gần 5% so với cuối năm 2023, lên trên 25.000 đồng/USD. Trong bối cảnh tỷ giá tăng, Ngân hàng Nhà nước đã phải đẩy mạnh phát hành tín phiếu trong tháng 3/2024, gửi tín hiệu đến thị trường về việc chính sách tiền tệ khó có thể nới lỏng thêm, thậm chí sẽ dần thu hẹp. Sau khi Ngân hàng Trung ương phát hành tổng cộng 172.000 tỷ đồng tín phiếu tính đến cuối tháng 3/2024, lãi suất trên thị trường mở (OMO) tăng từ 1%/năm lên quanh mức 4%/năm. Mức lãi suất liên ngân hàng này có thể sẽ duy trì cho đến khi lạm phát của Mỹ có tín hiệu giảm mạnh.

Mặc dù vậy, ông Lê Anh Tuấn nhận xét, chính sách tiền tệ sẽ duy trì tình trạng nới lỏng và mặt bằng lãi suất huy động thời gian tới chỉ thay đổi từ mức “cực kỳ thấp” sang mức “thấp”.

Liên quan đến tỷ giá, TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, tỷ giá tăng sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề, trong đó có niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong quý III/2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ cắt giảm lãi suất, USD quay đầu giảm, kéo tỷ giá giảm theo. Giữ tỷ giá ổn định trong khoảng 3 - 4% nằm trong tầm tay của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, chính sách tỷ giá có quan hệ chặt chẽ với lãi suất và việc cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay không đồng nghĩa với việc hy sinh tỷ giá. Lãi suất là vấn đề quan trọng, phức tạp, đòi hỏi phải điều hành hợp lý, bởi lãi suất có liên quan đến tất cả các chính sách khác, nhất là tỷ giá. Quan điểm chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước là tạo điều kiện cho các ngân hàng hạ lãi suất, nhưng phải phù hợp với bối cảnh kinh tế vĩ mô và kiểm soát được lạm phát. Hiện tại và trong thời gian tới, lãi suất điều hành sẽ chưa điều chỉnh, mà duy trì ở mức hiện tại. Tuy nhiên, nhà điều hành khuyến khích và chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay thông qua các gói ưu đãi hoặc gói tín dụng có tính chất chuyên ngành.

Theo Phó Thống đốc, thanh khoản của nền kinh tế nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng đang dồi dào bởi nguồn tiền huy động tăng tốt, nhưng cho vay còn gặp khó khăn. Vì vậy, doanh nghiệp có dự án hiệu quả, đáp ứng được tiêu chuẩn tín dụng tối thiểu thì chắc chắn có đủ nguồn vốn cung ứng và Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tạo thanh khoản cho nền kinh tế đầy đủ.

Hải Anh
Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2024

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục