Vì sao gần đây, hầu hết ngân hàng đều tăng lãi suất tiền gửi trở lại, thưa ông?
Thời gian qua, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã xuống khá sâu, với kỳ hạn ngắn 1 - 3 tháng, lãi suất chỉ còn 1 - 2%/năm. Lãi suất xuống quá thấp khiến dòng tiền nhàn rỗi không còn mặn mà vào ngân hàng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê đến ngày 25/3/2024, huy động vốn (từ dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm. Trong khi đó, tín dụng bắt đầu tăng trưởng dương trở lại từ tháng 3 (đến cuối quý I/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng gần 1,5%, sau khi âm 2 tháng đầu năm 2024).
Vì thế, để chuẩn bị thanh khoản đón đầu nhu cầu vốn thường cải thiện vào các quý cuối năm, các ngân hàng bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi.
Mặt khác, nếu lãi suất giảm mạnh sẽ tác động lên tỷ giá khiến áp lực tỷ giá gia tăng. Trên thực tế, chỉ trong hơn 3 tháng đầu năm nay, tỷ giá đã tăng khoảng 5%. Đó cũng là lý do nhà điều hành mạnh tay hút tiền trong lưu thông, nhằm giảm áp lực tỷ giá.
Theo ông, liệu lãi suất tiết kiệm có tăng cao trong thời gian tới?
Như tôi vừa đề cập, lãi suất tiết kiệm tăng do tín dụng cải thiện, các ngân hàng chuẩn bị vốn để đón đầu nhu cầu tín dụng, đồng thời cũng nhằm giảm áp lực tỷ giá, song theo tôi, mặt bằng lãi suất tiền gửi khó tăng cao, ít nhất từ nay đến quý III/2024 và mức tăng cũng chỉ khoảng 1%.
Lý do là, để kích cầu dòng chảy tín dụng, các ngân hàng phải cạnh tranh về lãi suất cho vay, trong đó không ít ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay xuống thấp hơn lãi suất huy động ở kỳ hạn dài.
Vì thế, trong lúc này, khả năng nhà điều hành sẽ cân nhắc việc không đánh đổi lãi suất để cứu tỷ giá. Tôi cho rằng, để vực dậy nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, cần tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp ít nhất từ nay đến cuối năm 2024, nên lãi suất tiết kiệm khó lên cao.
Tín dụng bắt đầu tăng trưởng dương và được kỳ vọng tiếp tục cải thiện. Ông đánh giá thế nào về khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay?
Tăng trưởng tín dụng giảm trong 2 tháng đầu năm nay chủ yếu do tính chất mùa vụ đầu vào, thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán và do dư nợ đã tăng cao trong quý IV/2023. Thông thường, nhu cầu vốn của khách hàng sẽ tăng trở lại từ quý II và cải thiện dần trong các quý sau đó, nhất là từ đầu quý IV - mùa kinh doanh cao điểm.
Tín dụng được kỳ vọng sẽ cải thiện dần trong các tháng tới, nhất là khi mặt bằng lãi suất cho vay đang duy trì ở mức thấp. Nhưng theo quan điểm của tôi, khả năng cao tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ không đạt 15%, mà chỉ ở mức 10 - 11%, do kinh tế phục hồi chậm, nhu cầu vốn của khách hàng doanh nghiệp chưa cao, sức mua thị trường còn yếu, doanh nghiệp chưa mặn mà sử dụng vốn vay mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Trong khi đó, với khách hàng cá nhân, tuy nhu cầu vay vốn mua nhà, vay tiêu dùng luôn tăng cao, nhưng do thu nhập bị ảnh hưởng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nên chưa nhiều người dám nghĩ đến việc vay vốn mua nhà, cho dù lãi suất đã giảm.
Quay trở lại vấn đề tỷ giá, theo ông, tỷ giá sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới, nhất là mùa cao điểm cuối năm?
Lãi suất tăng sẽ giúp giảm áp lực tỷ giá, song theo chu kỳ mùa vụ, thì áp lực tỷ giá sẽ còn quay trở lại từ cuối quý III và quý IV hằng năm.
Hiện không chỉ có các yếu tố bên ngoài tác động lên tỷ giá, như lộ trình cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed (dự kiến chưa sớm cắt giảm lãi suất USD vì lạm phát còn cao). Sức nóng của giá vàng thế giới đang tác động mạnh lên giá vàng trong nước. Thị trường vàng Việt Nam hiện nay vẫn độc quyền vàng miếng SJC, cung khan hiếm, nên chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên đến hàng chục triệu đồng. Vì thế, khó có thể loại trừ nguồn vàng không chính ngạch vào thị trường, gây áp lực lên tỷ giá, bởi phải gom ngoại tệ mới mang được vàng qua biên giới…
Theo tôi, để ổn định thị trường vàng, giảm áp lực lên tỷ giá, nên xem xét cho nhập một lượng vàng chính ngạch trong hạn mức cho phép và sẽ không ảnh hưởng tới tỷ giá.
Chính sách tiền tệ liệu có đảo chiều khi lãi suất tăng, thưa ông?
Lãi suất tiết kiệm tăng chủ yếu do áp lực tỷ giá. Đồng thời, khả năng Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh lại lãi suất, bởi nếu chênh lệch lãi suất USD cao hơn lãi suất VND sẽ gây nhiều áp lực lên tỷ giá.
Vừa qua, áp lực tỷ giá lớn, nên nhà điều hành phải tăng hút tiền qua tín phiếu, nâng lãi suất để hạn chế việc rút vốn của khối ngoại cũng như hiện tượng đầu cơ tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước hút mạnh tiền về, nhưng hạn chế bơm tiền ra để giảm áp lực tỷ giá, trong khi việc sử dụng tiền tệ trong nền kinh tế bắt đầu tăng lên, tăng trưởng dư nợ tín dụng tăng dần từ tháng 3, thanh khoản của các ngân hàng bớt dồi dào, nên lãi suất bắt buộc phải tăng trở lại. Nếu duy trì mức lãi suất quá thấp sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và ổn định vĩ mô, tỷ giá tăng và lạm phát sẽ quay trở lại cùng với nhiều yếu tố khác. Vì vậy, tăng lãi suất sẽ là xu hướng dài hạn.
Tăng trưởng kinh tế phục hồi trở lại, dù còn yếu. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng nỗ lực giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ, chia sẻ cùng khách hàng trong bối cảnh khó khăn. Do dó, khả năng chính sách tiền tệ tiếp tục duy trì nới lỏng để hỗ trợ kinh tế.