Lãi suất tăng, doanh nghiệp bảo hiểm kỳ vọng cải thiện biên lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Động thái nâng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2022 được kỳ vọng sẽ đem lại tác động tích cực đến lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ năm 2023.
Lãi suất tăng 1%/năm ước tính sẽ giúp lợi nhuận trước thuế các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tăng thêm 10,8%. Lãi suất tăng 1%/năm ước tính sẽ giúp lợi nhuận trước thuế các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tăng thêm 10,8%.

Năm 2022 kém sắc

Dù doanh thu vẫn tăng trưởng tốt, nhưng lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2022 của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lại giảm so với cùng kỳ năm 2021.

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường tính đến hết tháng 9/2022 ước đạt 177.303 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 49.792 tỷ đồng, tăng 19,1%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 127.511 tỷ đồng, tăng 16,2%.

Dự báo, quý cuối năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm vẫn tăng trưởng, nhưng các doanh nghiệp nhìn nhận, tình hình lợi nhuận không dễ được cải thiện.

Danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ tập trung vào tiền gửi và trái phiếu, chiếm khoảng 90%, còn lại là cổ phiếu, bất động sản...

Theo các chuyên gia trong ngành tài chính, phần lớn lợi nhuận của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đến từ hoạt động đầu tư. Danh mục tập trung vào tiền gửi và trái phiếu, chiếm khoảng 90%, còn lại là cổ phiếu, bất động sản... Tình trạng nhiều tài sản đầu tư (chứng khoán, bất động sản) suy giảm giá trị trong 9 tháng đầu năm 2022 đã ảnh hưởng tới lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm. Tính đến hết tháng 11, tình trạng này, theo ghi nhận sơ bộ, còn tệ hơn cuối tháng 9.

Ngoài ra, có hai nguyên nhân cơ bản khác khiến lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2022 của hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ như PTI, Bảo Việt, PVI, PJICO... đều giảm so so với cùng kỳ. Thứ nhất, tỷ lệ bồi thường đã tăng trở lại sau giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 trong năm 2021. Thứ hai, khi doanh thu tăng thì việc trích dự phòng bồi thường cũng tăng.

Trong những năm tới, nếu tỷ lệ tổn thất thấp thì các khoản dự phòng hiện nay sẽ được hoàn nhập, đóng góp vào lợi nhuận của các công ty bảo hiểm.

Đáng chú ý, mặt bằng lãi suất huy động đang có xu hướng tăng, đây là tín hiệu tích cực đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ.

Trong một báo cáo phân tích về triển vọng cổ phiếu của một số ngành mới đây, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định, các ngành có lượng tiền ròng lớn có thể hưởng lợi khi mặt bằng lãi suất tăng; trong số các nhóm ngành chính, ngành bảo hiểm được hưởng lợi rõ nét nhất.

Nhìn dài hạn hơn, Công ty Chứng khoán SBS đánh giá, đây là ngành có nhiều tiềm năng tăng trưởng và khá ổn định.

Lợi thế tiền mặt

Lợi nhuận từ hoạt động tài chính có thể tác động mạnh lên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp bảo hiểm là bởi các doanh nghiệp này luôn sở hữu một lượng lớn tiền mặt. Các quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành từ ngân hàng trung ương sẽ tác động trực tiếp lên khả năng sinh lời trên tổng tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm. Với lợi thế về lượng tiền mặt ròng, ngành bảo hiểm sẽ trực tiếp hưởng lợi khi mặt bằng lãi suất huy động tăng.

Theo Agriseco, hiện nay, trên sàn chứng khoán có duy nhất doanh nghiệp bảo hiểm có mảng hoạt động nhân thọ là Bảo Việt (mã chứng khoán BVH, với thành viên là Bảo Việt Nhân thọ). Mặt bằng lãi suất đi lên giúp cải thiện hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, lãi suất kỹ thuật (lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 10 năm trở lên) tăng sẽ làm giảm giá trị trích lập dự phòng toán học trên các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, qua đó giúp cải thiện lợi nhuận cho doanh nghiệp. Với lợi thế là doanh nghiệp niêm yết duy nhất cung cấp sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trong nhóm bảo hiểm, yếu tố này sẽ gia tăng mức độ hưởng lợi của Bảo Việt so với các doanh nghiệp trong ngành.

Theo báo cáo tài chính năm 2021 của Bảo Việt, lãi suất chiết khấu tăng 0,25% làm giảm tới 1 nghìn tỷ đồng trách nhiệm phải trích lập dự phòng toán học của doanh nghiệp, qua đó làm tăng 800 tỷ đồng lợi nhuận và vốn chủ sở hữu.

Với quy mô danh mục đầu tư mà tiền gửi và trái phiếu hiện nay của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chiếm khoảng 90% (tỷ lệ tiền gửi chiếm khoảng 70%, trái phiếu chiếm khoảng 20%), hiệu suất sinh lời sẽ gia tăng trong môi trường lãi suất tăng. Agriseco ước tính, lãi suất tăng 1%/năm sẽ giúp lợi nhuận trước thuế các doanh nghiệp tăng thêm 10,8%.

Lãi suất tăng là một điểm sáng trong bức tranh nhiều màu xám về lợi nhuận của ngành bảo hiểm năm 2022. Dẫu vậy, một số chuyên gia cho rằng, yếu tố này chưa phản ánh rõ nét vào lợi nhuận của doanh nghiệp năm nay, vì thời điểm cuộc đua tăng lãi suất huy động của ngành ngân hàng nổ ra là cuối quý III, trong khi các hoạt động đầu tư vốn của doanh nghiệp bảo hiểm đã có kế hoạch từ trước.

Nếu xu hướng lãi suất giữ nguyên như hiện nay thì sự ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh của nhóm bảo hiểm phi nhân thọ sẽ được thể hiện rõ rệt vào năm 2023. Với năm 2022, lợi nhuận toàn ngành vẫn có khả năng tăng trưởng, nhưng mức tăng dự kiến không nhiều như các năm trước.

Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, xu hướng tăng của lãi suất không hoàn toàn thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp bảo hiểm, thậm chí có thể ảnh hưởng tiêu cực. Bởi lẽ, kết quả kinh doanh của khối doanh nghiệp này chia thành 2 cấu phần, một là hoạt động kinh doanh trực tiếp, bao gồm hoạt động ký kết hợp đồng bảo hiểm, thu phí bảo hiểm…; hai là hoạt động đầu tư tài chính.

Lãi suất tăng sẽ tạo lợi thế cho kênh đầu tư tài chính khởi sắc, nhưng hoạt động bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ, sẽ phải cạnh tranh với các kênh thu hút tiền nhàn rỗi khác.

Với khoản tiền nhàn rỗi, người dân có nhiều lựa chọn để đầu tư, trong đó gửi tiết kiệm và đầu tư bảo hiểm là 2 trong số các kênh khả thi. Mặt bằng lãi suất huy động tăng có thể hút một lượng tiền lớn từ dân cư gửi vào ngân hàng để lấy lãi.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, vấn đề cạnh tranh này không quá lo ngại do nhận thức về bảo hiểm của người dân đã được nâng cao, họ hiểu được tầm quan trọng của bảo hiểm là bảo vệ - ưu thế mà các dịch vụ tài chính khác không có được.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục