Lãi suất huy động không còn “bình yên”

(ĐTCK) Thị trường bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm thanh toán cuối năm, khiến thanh khoản trên hệ thống ngân hàng phần nào căng thẳng tạm thời và lãi suất huy động rục rịch tăng.
Chỉ trong 1 tuần cuối tháng 11/2021, các ngân hàng thương mại đã cho vay khoảng 61.000 tỷ đồng, gần bằng mức cấp tín dụng trong tháng 10

Mùa cao điểm cận kề

Theo chị Mai Thị Hằng (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cuối tháng 11/2021, thị trường chứng khoán rung lắc khá mạnh, chỉ trong một buổi chiều mà giá trị tài khoản của chị giảm 300 triệu đồng. Dự báo thị trường sẽ giảm điểm nên nhà đầu tư này quyết định rút vốn, chuyển hướng sang đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, mục tiêu đó tạm thời dừng lại, bởi có hướng đầu tư khác hấp dẫn hơn.

“Nhân viên Ngân hàng T vừa rồi có gọi điện thoại mời tôi gửi tiền với lãi suất cộng thêm khá hấp dẫn. Ra quầy giao dịch, cô bé nhân viên giới thiệu thêm một sản phẩm là hợp đồng chuyển nhượng trái phiếu kỳ hạn 33 ngày, lãi suất gần 6%/năm. Vì thế, tôi đã mua luôn 10 trái phiếu, mệnh giá mỗi trái phiếu 1 tỷ đồng”, chị Hằng chia sẻ.

Một kiểm soát viên giao dịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết, lãi suất tiền gửi tại quầy không tăng, nhưng tăng đối với một số kỳ hạn khi gửi online. Theo đó, khách hàng gửi tiết kiệm online được nhận lãi suất ưu đãi hơn so với gửi tiết kiệm tại quầy từ 0,05 - 0,75%/năm. Phạm vi lãi suất tiền gửi online lĩnh lãi cuối kỳ không thay đổi so với tháng trước, hiện dao động trong khoảng 4 - 7,15%/năm, nhưng mức lãi suất có sự điều chỉnh tăng đối với kỳ hạn 13 - 36 tháng.

Tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), gửi tiết kiệm tại quầy lĩnh lãi cuối kỳ gần đây tăng tại một số kỳ hạn. Cụ thể, Ngân hàng tăng 0,2%/năm cho kỳ hạn từ 1 - 5 tháng, lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 3,55%/năm, 2 tháng là 3,65%/năm, các kỳ hạn 3 tháng, 4 tháng và 5 tháng là 3,7%/năm. Ngoài ra, OCB ấn định lãi suất 5,95%/năm cho kỳ hạn 15 tháng; với các kỳ hạn 18 tháng, 21 tháng, 24 tháng và 36 tháng, mỗi kỳ hạn được cộng thêm 0,05%/năm so với kỳ hạn trước đó.

Một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho hay, mặt bằng lãi suất VND trong tháng 11/2021 không thay đổi nhiều, bởi các yếu tố tác động về cơ bản đều hỗ trợ cho xu hướng ổn định của lãi suất. Nhưng về cho vay, số liệu do đại diện Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, tính đến ngày 3/12/2021, số dư tín dụng của toàn nền kinh tế là 10.193.723 tỷ đồng, tăng 10,89% so với cuối năm 2020, tăng mạnh so với con số 8,47% của cùng kỳ năm trước.

“Như vậy, chỉ trong 1 tuần cuối tháng 11/2021, các ngân hàng thương mại đã cho vay khoảng 61.000 tỷ đồng, gần bằng mức cấp tín dụng trong tháng 10. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế sau khi nới lỏng giãn cách”, lãnh đạo BIDV nhận xét.

Thực tế cho thấy, thị trường bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm thanh toán cuối năm, khiến thanh khoản trên hệ thống phần nào căng thẳng tạm thời. Kết thúc tuần đầu tiên của tháng 12/2021, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng 5 - 6 điểm cơ bản so với cuối tuần trước đó, với lãi suất kỳ hạn qua đêm ở mức 0,70%/năm (tăng 6 điểm cơ bản), kỳ hạn 1 tuần là 0,80%/năm (tăng 5 điểm cơ bản).

Đáng chú ý, trong tuần đầu tháng 12, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã gọi thầu 5.000 tỷ đồng ở các kỳ hạn 5 năm, 7 năm và 10 năm. Tỷ lệ trúng thầu được cải thiện mạnh khi tăng từ 43% lên 94%, nhờ hầu hết các kỳ hạn đều được huy động. Lợi suất trúng thầu tăng 3 điểm cơ bản ở kỳ hạn 10 năm và không thay đổi ở kỳ hạn 5 năm, 7 năm. Lũy kế 3 tuần qua, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã huy động được tổng cộng 8.200 tỷ đồng trái phiếu chính phủ bảo lãnh, chủ yếu là kỳ hạn 10 năm (chiếm khoảng 80% tổng lượng phát hành).

Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước đã gọi thầu 9.250 tỷ đồng trái phiếu, tỷ lệ trúng thầu tăng từ 90% lên 95%. Nhu cầu về trái phiếu chính phủ tiếp tục ở mức cao đối với các kỳ hạn trên 10 năm, khi tất cả đều được phát hành thành công, nhưng lãi suất trúng thầu không thay đổi.

“Không khó để giải thích thực trạng mặt bằng lãi suất huy động VND có xu hướng tăng nhẹ trong tháng 12/2021”, lãnh đạo BIDV nói.

Thanh khoản sẽ giảm

Lãnh đạo BIDV phân tích, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng duy trì xu hướng nới lỏng để đồng hành cùng nền kinh tế trong bối cảnh quá trình phục hồi phải đương đầu với không ít thách thức do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cả ở trong nước cũng như ngoài nước và tăng trưởng kinh tế năm 2021 dự kiến ở mức thấp, khoảng 1,8 - 2%.

Trong khi đó, thanh khoản VND của hệ thống ngân hàng tháng cuối năm 2021 nhiều khả năng giảm bớt mức độ dồi dào khi nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt thường gia tăng vào cuối năm. Ngoài ra, cân đối huy động vốn - tín dụng có thể dần thu hẹp, bởi hoạt động tín dụng dịp cuối năm sôi động theo chu kỳ.

“Kỳ vọng, chính sách điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước theo hướng nới lỏng hơn về mặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng thương mại”, lãnh đạo BIDV nói.

Trong diễn biến có liên quan, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, lạm phát đang trở thành mối lo ngại trên toàn cầu, ngân hàng trung ương các nước bắt đầu thu hẹp các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm 2021 đến nay, thế giới đã chứng kiến 93 lượt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, trong đó, riêng từ tháng 9 đến nay có 50 lượt tăng lãi suất.

Bên cạnh lạm phát, nợ xấu mới phát sinh cũng đang tạo ra thách thức cho hệ thống ngân hàng trong thời gian tới. Bởi lẽ, việc cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng, dẫn đến nguy cơ liên quan đến nợ xấu phát sinh.

“Dư địa của chính sách tiền tệ còn rất hẹp. Hệ thống ngân hàng huy động vốn của nền kinh tế rồi cho vay lại nền kinh tế, cho nên việc điều chỉnh giảm lãi suất cũng chỉ giảm đến mức còn đủ thu hút được người gửi tiền. Do vậy, trong điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân đối trong tương quan với lạm phát, tương quan với lợi ích của người gửi tiền”, ông Hà cho hay.

Phó thống đốc chia sẻ thêm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế nói chung, các chủ thể trong nền kinh tế nói riêng. Về lãi suất, cơ quan quản lý duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, trong điều kiện cho phép có thể thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất ở mức độ phù hợp.

“Ngân hàng Nhà nước đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 là 12%, có điều chỉnh linh hoạt so với thực tế. Tính đến cuối tháng 11, dư nợ tín dụng đã tăng hơn 10%, phù hợp với mục tiêu đề ra của cả năm. Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng phát tín hiệu nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho tháng cuối cùng của năm 2021”, Phó thống đốc nhấn mạnh.

Không ít ý kiến dự báo, tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ đạt khoảng 13%, phù hợp với động thái nâng trần tín dụng của Ngân hàng Nhà nước tại một số ngân hàng thương mại.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục