Lãi suất cho vay hiện nay đã giảm khá mạnh nhưng các doanh nghiệp cho rằng, thanh khoản trong hệ thống đang rất dồi dào, các ngân hàng nên hạ thêm lãi suất huy động để hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa. Ông có nhận định gì?
Có 2 vấn đề khi đề cập đến giảm lãi suất:
Một là, phần lớn ngân hàng không bao giờ nhìn vào việc hạ lãi suất tiền gửi để hạ lãi suất cho vay. Các ngân hàng hạ được lãi suất cho vay là do có CASA (dòng tiền gửi không kỳ hạn) lớn. Nhưng tình hình hiện tại đã có những thay đổi, dịch bệnh khiến dòng tiền kinh doanh của các tập đoàn lớn âm, thậm chí có một ít gửi tiết kiệm cũng chỉ là để duy trì bộ máy quản lý của công ty và luôn trong tình trạng tiền có thể rút bất kỳ lúc nào. Theo đó, CASA ở đa số ngân hàng sụt giảm mạnh, thậm chí cạn kiệt, trong khi đây là nguồn quan trọng để hạ được lãi suất cho vay.
TS. Lê Xuân Nghĩa |
Hai là, trong 2 năm trở lại đây, tốc độ tăng tiền gửi chậm lại, lý do của câu chuyện này là tiền để dành của dân chúng bị cạn kiệt (đây là lý do chính), tiền được dùng chi tiêu nhiều lên, trong khi khả năng kiếm được tiền ít đi, thậm chí có những lúc không làm ra tiền, nên nguồn tiền để dành ít đi. Ngoài ra, một bộ phận người dân có tiền để dành lớn đã rút tiền từ ngân hàng ra để kinh doanh chứng khoán, mua bất động sản… và thậm chí liên kết với nhau cùng đầu tư tài sản lớn.
Đây là những yếu tố liên quan mật thiết khiến lãi suất tiền gửi không thể hạ xuống, thậm chí, bắt đầu có dấu hiệu chạm ngưỡng bẫy thanh khoản. Lãi suất tiền gửi nếu thấp hơn nữa sẽ khiến người dân không gửi tiền tiết kiệm, đầu tư vào thị trường chứng khoán, bất động sản, vàng và thậm chí rút về để trong nhà. Vấn đề này đã từng được chúng tôi tính toán từ năm 2009 và xác định ngưỡng bẫy thanh khoản là lãi suất huy động trên dưới 3%/năm.
Theo đó, cho dù thanh khoản trên thị trường có dồi dào các ngân hàng cũng không dám hạ lãi suất huy động, mà chỉ dám hạ khi có một nguồn đầu vào lãi suất thấp hơn. Cụ thể, để hạ được lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước cần cung ứng tiền vào thị trường tiếp, ví dụ như thông qua nghiệp vụ thị trường mở, mua vào trái phiếu của các ngân hàng thương mại…
Tuy nhiên, lý thuyết tài chính tiền tệ vẫn đề cập đến câu chuyện cung tiền sẽ dẫn đến lạm phát?
Tôi muốn dẫn ví dụ các ngân hàng nhỏ ở Mỹ (khoảng 3.000-4.000 ngân hàng) đến tháng nộp dự trữ bắt buộc, nhưng các ngân hàng này chưa có, ngân hàng trung ương hạ lãi suất cho vay để các ngân hàng nhỏ đến vay qua đêm và tối đa là 3 đêm. Sau thời gian này, nếu các ngân hàng nhỏ vẫn không đủ tiền để nộp dự trữ bắt buộc sẽ phải vay các ngân hàng lớn, nhưng khi đó, với việc ngân hàng trung ương hạ lãi suất cho vay, các ngân hàng lớn cũng sẽ hạ lãi suất cho các ngân hàng nhỏ vay.
Tuy nhiên, hạ lãi suất ở Việt Nam thường chỉ đạo hành chính nhiều hơn là một hành vi thị trường là bơm tiền và hạ lãi suất. Có thể, Ngân hàng Nhà nước quan ngại câu chuyện lạm phát, nhưng các lý thuyết về chính sách tiền tệ đã thay đổi rất lớn từ năm 2008 đến nay, hay nói cách khác, lý thuyết tài chính tiền tệ của Friedman và Keynes đã lỗi thời do phụ thuộc vào nhiều yếu tố và bây giờ là tài chính hành vi.
Như lý thuyết của Friedman là tăng cung tiền là lạm phát với giả định vòng quay của tiền không thay đổi, còn thực tế hiện nay, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, tiền tăng mạnh lên 20%, nhưng vòng quay không phải là 3 vòng, mà chỉ được 2 vòng do dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hoá, do đó, các nước phát hành tiền và không sợ lạm phát.
Hay như câu chuyện phát hành trái phiếu, Mỹ đã chi 5.900 tỷ USD (tương đương 27% GDP) mua trái phiếu, tương tự tại Nhật Bản, GDP có 5.000 tỷ USD và thời gian qua chi tới 3.100 tỷ USD và sắp tới còn chi tiếp 1.000 tỷ USD, nghĩa là chi tới 61% GDP để cứu trợ doanh nghiệp trong đại dịch. Các trái phiếu này phần lớn do ngân hàng trung ương mua và nguồn tiền để mua là được phát hành thêm ra chứ Chính phủ không có tiền, song dù phát hành thêm tiền cũng chưa lạm phát ngay bởi vòng quay của tiền đã giảm xuống.
Công thức cụ thể như sau: M (khối lượng tiền tệ, cung tiền) x V (vòng quay tiền) = Q (sản lượng) x P (giá). Đơn giản hóa công thức sẽ là m (tốc độ tăng của tiền) + v (tốc độ tăng của vòng quay tiền) = q (tốc độ tăng GDP) x p (tốc độ tăng giá, lạm phát), hay nói cách khác, lạm phát sẽ bằng m (tốc độ tăng của tiền) + v (tốc độ tăng của vòng quay của tiền) - q (tốc độ tăng GDP). Tuy nhiên, trong điều kiện khủng hoảng, tốc độ tăng của tiền vẫn mang dấu dương (+m) + tốc độ tăng của vòng quay tiền là dấu âm (-v) - q (tốc độ tăng GDP).
Theo quan điểm của ông, hạ lãi suất là việc cần để thị trường tự điều chỉnh?
Hạ lãi suất huy động vào lúc này có thuận lợi ở chỗ, lạm phát thấp do vòng quay của tiền giảm là chính (do đứt gãy chuỗi cung ứng), đây là lý do có thể thay đổi rất nhanh khi chuỗi cung ứng được phục hồi, giá cả tăng lên, song đó chỉ là lợi thế nhất thời. Trong khi đó, hạ lãi suất có rủi ro về khả năng rơi vào bẫy thanh khoản như đã đề cập ở trên, bởi giới hạn lãi suất tiền gửi thấp sẽ khiến hành vi của người gửi tiền có thể thay đổi. Nói chung, người dân Việt Nam khá nhạy cảm với lãi suất tiền gửi.
Hạ lãi suất tiền gửi không thể hạ chủ quan bằng ý chí của ai đó hay là mệnh lệnh hành chính, mà phải bằng hành vi tiền tệ thực sự, đó là tăng cung tiền. Khi Ngân hàng Nhà nước tăng cung tiền, các ngân hàng thương mại có thanh khoản dồi dào, lãi suất thấp hơn thì mới giảm lãi suất tiền gửi xuống, mà vẫn đảm bảo được các chỉ tiêu an toàn, nhất là những ngân hàng nhỏ. Ngân hàng Nhà nước có thể tăng cung tiền bằng nghiệp vụ thị trường mở và như đã phân tích ở trên, trong điều kiện hiện tại, do vòng quay của tiền đang thấp, tác động của việc bơm tiền dẫn đến lạm phát không lớn nếu như mức tăng cung tiền vừa phải có thể kiểm soát được.
Nhìn sang một số nước chúng ta thấy, Mỹ đưa ra gói tài trợ lên tới 27% GDP, Nhật Bản là 61%, Đức là 30%, Thái Lan và Trung Quốc trên dưới 10%... và phần lớn nguồn tiền này là do chính phủ phát hành trái phiếu và ngân hàng trung ương mua thông qua chương trình mua tài sản của mình (ở Nhật Bản với tên gọi là mở rộng bảng cân đối tài sản của ngân hàng trung ương). Thực chất, tất cả đều là phát hành tiền và lập luận của họ là muốn thông qua những gói này để duy trì lực lượng lao động và tạo ra sức bật phục hồi nhanh nền kinh tế.
Hầu hết các chương trình này đều chi vào 4 mục đích: Thứ nhất, bổ sung ngân sách để tài trợ cho lực lượng lao động; thứ hai, cho vay các tập đoàn kinh tế lớn trụ cột; thứ ba, bảo lãnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ để được vay vốn vì phần lớn các doanh nghiệp này cũng không còn đủ điều kiện để vay ngân hàng: thứ tư, đầu tư, xây dựng và trùng tu cơ sở hạ tầng (ở Mỹ gói này lên tới 1.000 tỷ USD).
GDP Việt Nam tính theo giá mới là 343 tỷ USD, tương đương 8 triệu tỷ đồng. Tôi ước tính, cần 5% của 8 triệu tỷ đồng, nghĩa là khoảng 400.000 tỷ đồng mới hỗ trợ tốt việc phục hồi nhanh nền kinh tế. Hiện Bộ Tài chính ước tính đã chi 59.000 tỷ đồng để kích thích nền kinh tế bao gồm rất nhiều khoản, trong đó có tính cả chi bảo hiểm xã hội hay chi cho chữa bệnh là không hợp lý bởi đó không phải là kích thích nền kinh tế. Nhưng cho dù tính 59.000 tỷ đồng cũng chưa tới 1% GDP (là 80.000 tỷ đồng) nên không thể tạo nên sức bật, phục hồi kinh tế nhanh. Đã đến lúc Chính phủ cần tính toán đến việc cung tiền vào nền kinh tế và tiền ở đây phải là tiền thực.