Lãi suất huy động tăng cục bộ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một số ngân hàng đã điều chỉnh nhẹ lãi suất huy động trong thời gian gần đây.
Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là đảm bảo mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là đảm bảo mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Lãi suất huy động tăng nhẹ

Anh P.T.Bình, trú tại Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội kể, anh vừa được nhân viên Ngân hàng TPBank điện thoại chào mời tham gia một sản phẩm tiền gửi tiết kiệm mới. Đó là gói tài khoản Đắc Lộc, với lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng là 6,5%/năm, cao hơn 0,5%/năm so với mức lãi suất gửi tiết kiệm thông thường.

Tìm hiểu thông tin từ TPBank, được biết, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 2/2021, ngân hàng này thay đổi biểu lãi suất gửi tiết kiệm.

Trong biểu lãi suất huy động áp dụng từ ngày 27/5/2021, SHB đã điều chỉnh tăng từ 0,1 - 0,3 điểm phần trăm với các kỳ hạn tiền gửi dài ngày. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 5,75%/năm; kỳ hạn 12 và 24 tháng lần lượt áp dụng là 5,8%/năm và 6,55%/năm. Với kỳ hạn 36 tháng, lãi suất gửi tiền tại quầy là 6,4%/năm và gửi online là 6,6%/năm.

Techcombank vừa tăng lãi suất huy động dành cho khách hàng thường dưới 50 tuổi, gửi tiết kiệm từ 3 tỷ đồng trở lên. Cụ thể,, khách hàng được hưởng lãi suất 2,9%/năm cho khoản tiền gửi kỳ hạn 1 - 2 tháng; 4,6%/năm cho khoản tiền gửi kỳ hạn 6 - 11 tháng và 5,2%/năm cho kỳ hạn từ 12 - 35 tháng. Các mức lãi suất này tăng từ 0,65 - 0,9 điểm phần trăm so với trước kia. Biểu lãi suất trước đó được Techcombank áp dụng từ tháng 2/2021.

Trong số các ngân hàng tăng lãi suất huy động gần đây, còn có Sacombank. Lãi suất tiền gửi mới của ngân hàng này đã tăng từ 0,1 - 0,2 điểm phần trăm ở nhiều kỳ hạn so với trước. Theo đó, khách gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 2 tháng hưởng lãi suất 3,5%/năm, kỳ hạn 3 - 5 tháng là 3,6%/năm, kỳ hạn 6 tháng lên 5%/năm.

Các mức lãi suất này tăng thêm 0,2 điểm phần trăm so với trước đó. Với một số kỳ hạn dài, lãi suất tiết kiệm được Sacombank điều chỉnh tăng thêm 0,1 điểm phần trăm. Lãi suất cao nhất được áp dụng là 6,4%/năm với kỳ hạn tiền gửi 36 tháng.

Lý giải về động thái tăng lãi suất huy động gần đây, một lãnh đạo cao cấp của TPBank cho biết: “Dòng tiền nhàn rỗi đang chảy sang một số kênh đầu tư khác nên Ngân hàng tăng lãi suất để giữ chân khách hàng”.

Tuy nhiên, mức tăng lãi suất hiện tại không lớn và chỉ với các khoản gửi dài hạn nên chưa thực sự hấp dẫn khách hàng.

"Nếu quan tâm tới lãi suất thì tôi hoàn toàn có thể mua trái phiếu các tập đoàn lãi suất trên 7%/năm", anh Bình cho biết và nhấn mạnh, hiện chứng khoán đang hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm.

Thị trường chứng khoán tăng điểm liên tục từ giữa năm 2020 tới nay, giá nhiều cổ phiếu có mức tăng tính bằng lần và lãi suất tiết kiệm duy trì ở mặt bằng thấp khiến kênh tiết kiệm kém hấp dẫn với nhiều người dân.

Thời gian gần đây, bất chấp dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều khu công nghiệp và thành phố kinh tế trọng điểm, thị trường chứng khoán vẫn diễn biến sôi động. Trong tháng 5, số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán mở mới đạt trên 114.000 tài khoản, mức kỷ lục tính theo tháng, giúp cho số lượng tài khoản mở mới trong 5 tháng đầu năm 2021 vượt qua con số của cả năm 2020.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tăng trưởng tín dụng tháng 5 đạt 4,76% so với đầu năm, cao hơn nhiều mức tăng trưởng chỉ 1,95% của cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tăng trưởng huy động vốn đến 21/5/2021 chỉ là 2,68% so với đầu năm. Chênh lệch tiền gửi - tín dụng thu hẹp khoảng 160.000 tỷ đồng so với cuối năm 2020, khiến thanh khoản các ngân hàng thương mại bớt dư thừa, đẩy lãi suất trên liên ngân hàng nhích tăng. Trong tuần từ 31/5/2021 - 4/6/2021, lãi suất liên ngân hàng tăng 9 - 11 điểm phần trăm, chốt tuần ở mức 1,45%/năm với kỳ hạn qua đêm và 1,55%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

Chuyện cục bộ ở một số ngân hàng

Trên thực tế, việc điều chỉnh lãi suất mới diễn ra cục bộ ở một số ngân hàng. Bốn ngân hàng Nhà nước nắm tỷ lệ sở hữu chi phối, đóng vai trò định hướng trên thị trường vẫn đang giữ nguyên biểu lãi suất huy động áp dụng từ đầu năm. Đó là chưa kể, một số ngân hàng có xu hướng giảm lãi suất đầu vào như VPBank. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất được ngân hàng này áp dụng là 6,2%/năm (cho gói tiết kiệm Phát Lộc Thịnh Vượng, có kỳ hạn 36 tháng và giá trị trên 50 tỷ đồng).

Bốn ngân hàng Nhà nước sở hữu chi phối vẫn đang giữ nguyên lãi suất huy động, chưa kể một số ngân hàng lại có xu hướng giảm lãi suất đầu vào như VPBank.

Với những ngân hàng điều chỉnh tăng biểu lãi suất tiết kiệm, mức lãi suất cao nhất biến động không nhiều.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận xét: “Biểu lãi suất tăng tùy theo kỳ hạn với mức tăng không cao, chưa gây áp lực lên lãi suất đầu ra, đồng thời vẫn đảm bảo yêu cầu ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế”.

Cũng theo TS. Hiếu, “không loại trừ khả năng các ngân hàng tăng lãi suất là để huy động một lượng vốn lớn cho các doanh nghiệp sân sau”.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, cung - cầu VND trên liên ngân hàng vẫn rất ổn định. Ngân hàng Nhà nước vẫn tạm ngừng giao dịch trên thị trường mở trong 3 tháng qua, đặc biệt, sẽ có một lượng tiền đồng lớn bơm ra từ các giao dịch bán ngoại tệ có kỳ hạn sẽ được thực hiện trong tháng 7 và 8 tới.

Bộ phận Phân tích Công ty Chứng khoán SSI nhận định, “hiện nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn cho rằng lãi suất (đặc biệt đối với các lĩnh vực ưu tiên) ở xu hướng giảm để hỗ trợ nền kinh tế và không có dấu hiệu cho thấy sẽ có sự thay đổi về định hướng chính sách khi lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát”. SSI khẳng định chưa nhận thấy áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn, nhưng vẫn giữ nguyên dự báo lãi suất có thể nhích tăng từ đầu quý III/2021 khi dịch bệnh được kiểm soát, tín dụng tiếp tục tăng tốc.

Một lãnh đạo cao cấp Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, thanh khoản trong toàn hệ thống vẫn ổn định, một vài ngân hàng có điều chỉnh lãi suất nhưng với mức nhỏ, không phản ánh việc thanh khoản căng thẳng.

“Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước luôn phát tín hiệu chào mua giấy tờ có giá, tức là sẵn sàng cho vay các tổ chức tín dụng nhưng không có ngân hàng nào có nhu cầu”, vị này thông tin.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thì nhấn mạnh: “Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi chặt các diễn biến kinh tế trong và ngoài nước, đặc biệt là động thái điều hành công cụ lãi suất của ngân hàng trung ương các nước lớn, diễn biến của lạm phát, cung - cầu vốn trong nền kinh tế… để đưa ra các quyết sách kịp thời, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có thể giảm thêm lãi suất cho vay, đảm bảo duy trì được mặt bằng lãi suất thấp hợp lý, hỗ trợ cho sản xuất - kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục