Phải “chung chi” với cán bộ hải quan khi hoàn thuế?
Thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng hải quan hiện không rõ ràng. Có DN nói phải mất 3 tháng, DN khác nói mất 10 tháng. Để rút ngắn thời gian này dù chỉ một ngày, DN phải “thết đãi” cán bộ hải quan bằng cách chi cho họ phần trăm nhất định của số tiền được hoàn. Liệu đây có phải là một thông lệ?
Trên đây chỉ là một trong những bức xúc mà đại diện DN Hàn Quốc phản ánh, tại Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính Việt Nam với DN Hàn Quốc về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan, do Bộ Tài chính vừa tổ chức. Hội nghị thu hút 250 DN đại diện cho 4.000 DN Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam tham dự.
Vì tính chất “nóng” của câu hỏi trên, mà cả Tổng cục Hải quan lẫn Tổng cục Thuế đều đứng ra trả lời. Đại diện Tổng cục Hải quan khẳng định, ngoài các khoản thu thuế, phí, lệ phí đã được công khai theo quy định, DN không phải nộp bất cứ khoản tiền nào khác. Thời gian qua, ngoài thực hiện nhiều biện pháp đơn giản hóa thủ tục hải quan, ngành Hải quan đã hiện đại hóa quản lý hải quan, nhằm hạn chế tới mức cao nhất công chức hải quan tiếp xúc trực tiếp với DN. Trong quá trình làm thủ tục hải quan, đề nghị các DN kịp thời phản ánh các trường hợp cán bộ, công chức hải quan gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực theo số điện thoại đường dây nóng của Tổng cục Hải quan đã được công bố công khai.
Còn theo Tổng cục Thuế, cơ quan này đã ban hành các quy trình nghiệp vụ quy định rõ trách nhiệm và thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế của cơ quan thuế các cấp. Nếu người nộp thuế đáp ứng điều kiện về đối tượng, trường hợp hoàn thuế giá trị gia tăng và có đầy đủ hồ sơ đề nghị hoàn thuế theo quy định, thì thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng chậm nhất là 6 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế đối với trường hợp hoàn thuế trước, kiểm tra sau. Đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau, thì thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế chậm nhất là 40 ngày.
Quy định về chuyển giá cần rõ ràng
Theo phản ảnh của các DN Hàn Quốc, Việt Nam thiếu các tiêu chuẩn rõ ràng cũng như cơ sở dữ liệu theo từng ngành nghề, quy mô về chuyển giá tương tự như Hàn Quốc. Điều này cộng với khả năng đáp ứng các yêu cầu về chuyển giá còn hạn chế, khiến các DN vừa và nhỏ Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn trong tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về chuyển giá. Để hỗ trợ DN giảm thiểu khó khăn này, cơ quan quản lý Việt Nam cần hướng dẫn và hỗ trợ về giá hợp lý. Đồng thời, đối với điều tra chuyển giá, khi quyết định giá chuyển đổi, cơ quan thuế Việt Nam cần công khai các tài liệu theo ngành nghề, quy mô được sử dụng làm căn cứ tính giá có thể so sánh, để giúp DN hiểu đầy đủ hơn về nội dung điều tra, cũng như tuân thủ thuế dễ dàng hơn.
Giải đáp kiến nghị trên, Tổng cục Thuế cho rằng, để xác định lại giá sản phẩm chuyển giao trong giao dịch liên kết theo giá thị trường đối với một số DN, cơ quan thuế thu thập thông tin tình hình và kết quả sản xuất - kinh doanh trong nhiều năm của nhiều DN độc lập đang hoạt động tại Việt Nam có cùng điều kiện hoạt động với DN liên kết được thanh tra làm cơ sở so sánh, xác định lại tỷ suất lợi nhuận của DN liên kết được thanh tra. Các DN có điều kiện hoạt động khác nhau thì tỷ suất lợi nhuận phù hợp nhất làm căn cứ tính thuế cũng khác nhau…
Do đó, khi thanh tra giá chuyển nhượng, cơ quan thuế sẽ xác định tỷ suất lợi nhuận phù hợp nhất với từng trường hợp thanh tra, tùy theo tình hình thực tế của đối tượng thanh tra sau khi đã loại trừ khác biệt trọng yếu theo đúng quy định của pháp luật. Theo quy định của Luật Quản lý thuế, cơ quan thuế sẽ giải thích, cung cấp thông tin liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế đối với những thông tin thu thập được từ những nguồn được phép công bố theo luật định.
Thông qua hội nghị đối thoại được tổ chức thường niên này, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Bộ Tài chính sẽ đôn đốc các đơn vị liên quan giải quyết các vướng mắc, bất cập, để tạo thuận lợi tối đa cho các DN Hàn Quốc kinh doanh tại Việt Nam, nhất là khi DN Hàn Quốc đang chiếm số lượng lớn nhất so với các nước có DN đang hoạt động tại Việt Nam, với giá trị đầu tư đến nay đạt khoảng 33 tỷ USD.