FTA với Liên minh Hải quan, cơ hội phát triển thương mại Việt - Nga

(ĐTCK) Hiệp định thương mại tự do có thể nói là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển kinh tế thế giới. Hiệp định này mang lại lợi ích đa phương cho tất cả các quốc gia cùng ký kết hiệp định. Với Việt Nam, việc đã và sẽ ký Hiệp định thương mại tự do là những nỗ lực tích cực để hội nhập kinh tế thế giới.
Trung tâm Văn hóa, thương mại và khách sạn Hà Nội - Mátxcơva đi vào hoạt động từ ngày 20/11/2013 Trung tâm Văn hóa, thương mại và khách sạn Hà Nội - Mátxcơva đi vào hoạt động từ ngày 20/11/2013

Hiệp định thương  mại tự do và lợi ích của các nước tham gia

Việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã giúp tăng kim ngạch thương mại giữa các quốc gia, đa dạng hóa thị trường sản phẩm trong nước, tận dụng được lợi thế cạnh tranh của mỗi nước. Khu vực dịch vụ cũng được mở rộng đáng kể nhờ FTA và có thể góp phần làm tăng hiệu suất cho toàn bộ nền kinh tế; thúc đẩy đầu tư và cải tiến công nghệ, nhờ đó dịch chuyển năng suất và tăng đầu ra.

Ngoài việc chính thức gia nhập WTO vào tháng 1/2007, Việt Nam cũng đã và đang đàm phán, ký kết FTA với nhiều quốc gia trên thế giới. Tính đến cuối năm 2013, Việt Nam đã ký 2 FTA song phương với Chile và Nhật Bản, đồng thời cùng ASEAN tham gia 6 FTAs khu vực, bao gồm Hiệp định thương mại tự do khu vực ASEAN (AFTA) và các Hiệp định giữa ASEAN và Trung Quốc (ACFTA), Hàn Quốc (AKFTA), Ấn Độ (AIFTA), Nhật Bản (AJFTA), Autralia và New Zealand (AANZFTA).

Kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực này đối với Việt Nam luôn chiếm tỷ trọng trên 60%, nếu tính riêng nhập khẩu là trên 70%. Hiện nay, Việt Nam đang đàm phán ký kết với EU, các nước EFTA, Hàn Quốc và đặc biệt đáng chú ý là với Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazakhstan).

Ký FTA với Liên minh Hải quan, cú huých cho xuất khẩu Việt Nam

Nước Nga rộng lớn là một trong những thị trường đang rất được các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam quan tâm và tìm hướng khai thác. Tiến trình ký kết FTA đang được 2 bên thúc đẩy, đã bước qua phiên đàm phán thứ 5 diễn ra ngày 31/3 - 1/4/2014 tại Kazakhstan và dự kiến sẽ được hoàn tất trong năm nay.

Theo thống kê của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga tăng trên 62% mỗi năm, mức tăng mạnh nhất trong các thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2010-2013. Trong năm 2013, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt trị giá hơn 1,9 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm trước. Tính toán của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho thấy, việc FTA giữa Việt Nam với Liên minh Hải quan có thể giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga tăng 63%, Belarus tăng 41% và Kazakhstan tăng 8%.

FTA với Liên minh Hải quan mở ra cho Việt Nam cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và đầu tư sang thị trường đầy tiềm năng này, cũng như thu hút đầu tư trực tiếp từ các quốc gia đối tác đến Việt Nam. Danh mục hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và các thành viên Liên minh Hải quan không mang tính cạnh tranh, mà ngược lại bổ trợ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của các bên. Việc cắt giảm/xóa bỏ thuế quan sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, tận dụng các lợi thế so sánh của Việt Nam như hàng may mặc, thủy sản, điện tử, đồ gỗ…giúp cải thiện cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam trong khi không làm ảnh hưởng nhiều đến khả năng cạnh tranh ngành của Việt Nam.

Là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đàm phán ký kết FTA với Liên minh Hải quan, Việt Nam có lợi thế trong việc thâm nhập thị trường hơn so với các nước trong khu vực, các quốc gia có các sản phẩm xuất khẩu tương đồng với Việt Nam.

Giải pháp tận dụng cơ hội FTA của doanh nghiệp Việt Nam

Tại Việt Nam, đặc biệt là 2 thành phố lớn Hà Nội và TP. HCM, có rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm đến thị trường Nga. Tuy nhiên, việc tìm hiểu nhu cầu thị trường nội địa Nga, cũng như vượt qua rào cản về hành lang pháp lý vốn còn nhiều điểm phức tạp của quốc gia này chính là một thách thức lớn. Doanh nghiệp Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế về thông tin, các tiêu chuẩn kiểm định, kỹ thuật còn chưa đạt đến chất lượng quốc tế, bởi vậy, nếu không có một tổ chức giao dịch thương mại tập trung, ổn định và quy mô lớn tại Nga, sẽ rất khó cạnh tranh được với sản phẩm tương tự từ các quốc gia khác.

Trung tâm Văn hóa, Thương mại (đa chức năng) và Khách sạn Hà Nội - Mátxcơva do Công ty Incentra làm chủ đầu tư, khánh thành cuối năm 2013 tại quận Đông Bắc, Thủ đô Mátxcơva (Nga) được ra đời với chức năng là cầu nối thương mại, tạo thuận lợi cho tất cả doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu vào thị trường này. Bằng việc hỗ trợ trực tiếp thủ tục pháp lý khi đầu tư ra nước ngoài, tìm kiếm đối tác, quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp Việt tại Nga, cùng với điều kiện kinh doanh ổn định tại đây, trung tâm đã tiên phong mở ra hướng đi mới, xóa tan rào cản, giúp đỡ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nắm bắt cơ hội này để phát triển hoạt động kinh doanh của mình, đồng thời góp phần vào sự phát triển thương mại giữa 2 nước Việt Nam - Nga.

Lê Thu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục