Lãi giảm sâu vì Covid-19
Hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp là báo cáo định kỳ được Chính phủ gửi đến Quốc hội tại mỗi kỳ họp cuối năm. Tuy chỉ là báo cáo gửi đại biểu tự nghiên cứu, không bố trí thảo luận riêng trên hội trường, song đây là vấn đề được nhiều đại biểu rất quan tâm.
Năm nay, báo cáo về thực trạng tài chính của 807 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước cho thấy tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, vốn nhà nước đang đầu tư đều tăng, nhưng tổng doanh thu, lãi phát sinh trước thuế đều giảm. Có 119/807 doanh nghiệp (chiếm 15% tổng số doanh nghiệp) có lỗ phát sinh với tổng số lỗ phát sinh là 15.740 tỷ đồng.
Số phát sinh nộp ngân sách nhà nước là 307.869 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2019. Trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con là 262.332 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2019, chiếm 85% tổng số phát sinh phải nộp của các doanh nghiệp.
Với riêng 73 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - con, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (người thừa ủy quyền Thủ tướng ký báo cáo) cho biết, năm 2020, các "ông lớn" này chịu ảnh hưởng từ Covid-19, nên tổng doanh thu đều giảm hoặc chỉ tương đương so với thực hiện năm 2019. Lãi phát sinh trước thuế cũng giảm tới 21%, chỉ còn 116.776 tỷ đồng.
So với năm 2019, một số công ty mẹ có lãi phát sinh trước thuế năm 2020 giảm sâu như Công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có lãi phát sinh trước thuế giảm 99%, doanh thu giảm 56%. Công ty mẹ - Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam lãi phát sinh trước thuế giảm 48%, doanh thu giảm 7%...
Sau hàng loạt con số không vui, báo cáo dành một mục riêng đánh giá cụ thể hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực có biến động lớn trong năm 2020.
Đầu tiên, với dầu khí, năm 2020 được đánh giá là khó khăn nhất trong lịch sử 45 năm thành lập ngành. Tập đoàn và các đơn vị thành viên phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và giá dầu xuống rất thấp, khiến tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí; chế biến, lọc hóa dầu đứng trước nguy cơ phải đóng mỏ, dừng hoạt động vì nếu duy trì sẽ bị thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng.
Tiếp đến, ở lĩnh vực hàng không, kết thúc năm 2020, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP có kết quả sản xuất, kinh doanh phát sinh lỗ lớn và Tổng công ty không thể bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Riêng Công ty mẹ có lỗ phát sinh trước thuế năm 2020 là 8.743 tỷ đồng, bằng 60,4% lỗ kế hoạch năm.
Với lĩnh vực du lịch, tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên đến 530.000 tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD).
Chưa rõ vai trò tham gia ổn định kinh tế vĩ mô
Theo đánh giá chung của Chính phủ, mặc dù số lượng DNNN chỉ còn chiếm khoảng 0,08% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tính đến thời điểm 31/12/2020 trong cả nước, nhưng các DNNN vẫn đang nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng của nền kinh tế. Khối này chiếm 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh.
Nhưng, DNNN chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần khác phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng. Việc tham gia bảo đảm cân đối, ổn định kinh tế vĩ mô chưa rõ. DNNN còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng, quyết định đến việc hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực doanh nghiệp Việt Nam, báo cáo nêu những hạn chế đã không còn xa lạ.
Như thường lệ, những hạn chế quá quen khác được nhắc lại. Đó là, hiệu quả hoạt động của các DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. DNNN có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thấp hơn tốc độ tăng trưởng nguồn vốn kinh doanh, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thấp hơn khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và khu vực FDI...
Đó còn là trách nhiệm thực thi quyền chủ sở hữu nhà nước chưa thật sự rõ ràng, cơ quan đại diện chủ sở hữu thiếu nguồn lực để hoạt động chuyên trách, chuyên nghiệp và hiệu quả, thể hiện qua việc chưa thực hiện triệt để việc tách bạch chức năng chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước.
Và một điều rất quen nữa, đó là chưa có các chế tài đủ mạnh để mang tính răn đe đối với việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tập đoàn, tổng công ty, DNNN không hoàn thành/không triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo ý kiến một số đại biểu Quốc hội khi thẩm tra về kinh tế, xã hội, đây chính là nguyên nhân quan trọng khiến cho chậm trễ trong cổ phần hóa đã thành điệp khúc.
Nhìn nhận nguyên nhân, Chính phủ cũng thẳng thắn cho rằng, tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của DNNN chưa thống nhất, dẫn tới lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Một số vấn đề chưa rõ, còn ý kiến khác nhau nhưng chậm được tổng kết thực tiễn, kết luận để có thể cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, ví dụ vấn đề vị trí của DNNN trong thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, vấn đề trao quyền tự chủ của DNNN, vấn đề sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết kinh tế...
Xác định DNNN là chủ lực của nền kinh tế, nhưng đến nay quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp và cổ phần hóa còn chậm, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng sốt ruột khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có DNNN.
Thẩm tra cả kế hoạch tái cơ cấu 5 năm tới và tình hình kinh tế năm 2021, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DNNN quá chậm và chưa đạt kết quả như yêu cầu. Cơ quan thẩm tra đề nghị cần báo cáo Quốc hội tiến trình cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, làm rõ vướng mắc trong việc xử lý tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp có mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành, nhưng năm 2021 vẫn không thực hiện được.
Nhiều năm đau đáu với cổ phần hoá, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cần có chính sách chủ sở hữu hợp lý, trong đó mục tiêu đầu tư của chủ sở hữu nhà nước gồm: gia tăng giá trị cổ phần, phần vốn góp của Nhà nước, tức là tăng giá trị của công ty; có được tỷ suất lợi nhuận hợp lý/tổng đầu tư; không tính trên từng dự án hay khoản mục đầu tư cụ thể và phát triển một số công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chủ lực của đất nước, có năng lực canh tranh quốc tế; góp phần củng cố tính tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế.
Từ đó, ông Cung nhấn mạnh thông điệp, đầu tư của Nhà nước vào doanh nghiệp không phải là để có DNNN, mà là để tạo ra công nghệ, sản phẩm, dịch vụ (chủ lực, thiết yếu…) cho đất nước. Như vậy, hình thức đầu tư không nhất thiết phải là thành lập doanh nghiệp mới, không nhất thiết tỷ lệ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp phải cao.