Kỳ vọng tỷ giá giảm cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tạm ngừng tăng lãi suất điều hành sẽ giúp giảm bớt áp lực tỷ giá trong giai đoạn cuối năm, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố “không chắc chắn”.
Kỳ vọng tỷ giá giảm cuối năm

Ở thế “giằng co”

Trong những phiên giao dịch đầu tháng 11, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng bất ngờ giảm mạnh khoảng 200 - 250 điểm xuống quanh vùng 24.300. Theo các chuyên gia phân tích, yếu tố chủ đạo khiến tỷ giá giảm bắt nguồn từ báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ trong tháng 10/2023 chỉ đạt mức 150.000 việc làm - thấp hơn 30.000 việc làm so với kỳ vọng, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ cũng tăng lên 3,9% - mức cao nhất trong vòng 2 năm. Thông tin này khiến chỉ số DXY giảm khoảng 1% xuống mức 105; kéo theo một số đồng tiền trong khu vực như THB, IDR, MYR… tăng khoảng 1 - 2% so với USD.

Một lãnh đạo cao cấp BIDV nhận định, “diễn biến trên có phần tương đồng với giai đoạn cuối năm trước khi khởi phát từ môi trường quốc tế giúp tỷ giá hạ nhiệt sau nhiều tháng chịu áp lực tăng nóng. Mặc dù vậy, bối cảnh hiện nay cơ bản có nhiều điểm khác biệt so với giai đoạn trước từ cả môi trường quốc tế hay các vấn đề trong nước”.

Quả vậy, ngày cuối tuần qua (10/11), Ngân hàng Nhà nước đã tăng tỷ giá trung tâm 12 đồng, lên 24.014 đồng/USD. Theo đó, tỷ giá được phép giao dịch của ngân hàng thương mại dao động từ 23.400 - 25.164 VND/USD. Cùng với đó, tỷ giá đồng đô la Mỹ cũng được Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đưa về phạm vi mua bán từ 23.400 - 25.164 VND/USD. Tính chung trong vòng 10 ngày đầu tháng 11, tỷ giá trung tâm tăng 25 đồng và theo đó, các ngân hàng thương mại cũng tăng nhẹ giá USD niêm yết.

Theo vị lãnh đạo BIDV, diễn biến tăng trở lại của USD tiếp nối đà tăng từ tháng 10, khi tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng tăng khoảng 200 điểm, từ mức 24.350 lên quanh mức 24.550 (+0,8%). Nguyên nhân chính khiến các yếu tố gây áp lực lên tỷ giá đến từ thị trường quốc tế là chỉ số DXY tiếp tục tăng khoảng 0,5%, lên trên mức 106. Sự vững vàng của kinh tế Mỹ so với các nền kinh tế đối trọng là điểm tựa hỗ trợ sức mạnh cho đồng USD và chỉ số DXY. Cụ thể, GDP của Mỹ trong quý III ghi nhận mức tăng lên tới 4,9% so với quý trước đó - tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 12/2021 nhờ lực cầu tiêu dùng tích cực, các hoạt động sản xuất có dấu hiệu phục hồi.

“Trong khi đó, kinh tế Eurozone đang bên bờ vực suy thoái khi tăng trưởng âm 0,1% trong quý III, chỉ số PMI duy trì xu hướng giảm xuống vùng co hẹp. Đồng thời, kinh tế Trung Quốc cũng đối mặt với sự sụt giảm niềm tin tiêu dùng, đầu tư khi bức tranh thị trường bất động sản vẫn còn u ám. Mặc dù vậy, sức mạnh của đồng USD vẫn bị hạn chế bởi một số yếu tố như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ không tăng thêm lãi suất trong thời gian tới và chiến sự tại dải Gaza hướng dòng tiền trú ẩn vào vàng, thay vì USD”, vị lãnh đạo BIDV nhận định.

Còn tại thị trường trong nước, vị lãnh đạo BIDV cho rằng, dù các nguồn cung ngoại tệ cơ bản như cán cân thương mại hàng hóa hay giải ngân FDI vẫn tương đối tích cực (lần lượt đạt mức thặng dư 3 tỷ USD và giải ngân 2 tỷ USD trong tháng 10), cân đối cung - cầu tổng thể chỉ đạt mức cân bằng do tâm lý của các chủ thể trên thị trường vẫn còn thận trọng trước những rủi ro quốc tế.

“Đáng chú ý, trong bối cảnh tỷ giá chịu áp lực tăng mạnh trong tháng 10, Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường hút tín phiếu và đẩy lãi suất trúng thầu lên cao nhằm cải thiện chênh lệch lãi suất VND - USD, hỗ trợ giảm áp lực lên tỷ giá. Bình quân chênh lệch lãi suất swap VND-USD kỳ hạn 1 tuần đạt khoảng (-3,2)%/năm trong tháng 10 tăng khoảng 130 điểm so với mức (-4,5)%/năm của tháng trước”, vị lãnh đạo BIDV nói.

Áp lực vẫn hiện hữu

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, các yếu tố rủi ro với tỷ giá vẫn hiện hữu do đà tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt rõ nét trong bối cảnh nguồn cung trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao (Chính phủ Mỹ tăng phát hành bù đắp thâm hụt ngân sách và Fed từng bước thu hẹp QE). Bên cạnh đó, áp lực lạm phát trong nước có khả năng quay trở lại trong quý IV/2023 và nhu cầu nhập khẩu gia tăng khi sản xuất phục hồi.

“Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá rủi ro từ lạm phát và nhập khẩu là không lớn trong bối cảnh tổng cầu của nền kinh tế còn yếu và các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đã chủ động chuẩn bị nguồn ngoại tệ nhằm đáp ứng nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị (từ chính nguồn ngoại tệ thu được từ xuất khẩu)”, ông Hinh phân tích.

Trong bài phát biểu gần nhất, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã phát đi tín hiệu ngừng tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp sắp tới. Thị trường hiện cũng đang nghiêng về kịch bản Fed dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12 tới với tỷ lệ 80%. Việc Fed tạm ngừng tăng lãi suất điều hành sẽ giúp giảm bớt áp lực tỷ giá trong giai đoạn cuối năm.

Đáng chú ý, diễn biến trên thị trường cho thấy, nguồn cung ngoại tệ năm nay cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2022 như thặng dư thương mại cao kỷ lục trong 10 tháng, đạt hơn 24 tỷ USD. Cán cân thanh toán chuyển từ thâm hụt trong năm 2022 sang thặng dư trong năm nay với dự báo trên 3% GDP. Cùng với đó là FDI và kiều hối diễn biến tích cực và việc hoàn tất thương vụ bán vốn trị giá 1,5 tỷ USD của VPBank với SMBC góp phần bổ sung nguồn cung ngoại tệ.

“Do đó, tôi kỳ vọng tỷ giá hạ nhiệt trong nửa cuối quý IV/2023 nhờ nguồn cung ngoại tệ đổ về dịp cuối năm FDI, kiều hối và từ các doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Hinh nói.

Còn vị lãnh đạo BIDV nhận định, trong những tuần cuối của năm 2023, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng sẽ ở thế “giằng co” quanh khoảng 24.250 - 24.450 với một số yếu tố tác động. Cụ thể như môi trường quốc tế vẫn ẩn chứa nhiều yếu tố bất định lớn. Tâm điểm trong phần còn lại của tháng sẽ nằm ở chỉ số CPI của Mỹ, với dự báo có thể tăng khoảng 0,3% so với tháng trước, trong khi cấu phần CPI lõi vẫn ở mức cao khoảng 4,1%. Theo đó, chỉ số DXY có thể tăng trở lại lên quanh vùng 106, nếu bức tranh lạm phát tại Mỹ vẫn dai dẳng đặt trong bối cảnh triển vọng một số nền kinh tế lớn khác như EU hay Trung Quốc vẫn gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, bối cảnh trong nước cũng không thật sự thuận lợi cho tỷ giá. Chênh lệch lãi suất VND - USD vẫn âm sâu, với kỳ hạn 1 tuần dự kiến bình quân quanh khoảng -3,5% do sự phân kỳ về chính sách tiền tệ giữa ngân hàng trung ương hai nước, qua đó, củng cố hành động nắm giữ USD với mức lãi suất hấp dẫn hơn. Ngoài ra, cung - cầu ngoại tệ trong tháng 11 cũng được dự báo không quá dồi dào.

“Mặc dù vậy, nhìn chung khả năng bật tăng mạnh trở lại của tỷ giá USD/VND không quá cao với các giải pháp bình ổn thị trường của Ngân hàng Nhà nước. Tôi kỳ vọng tỷ giá sẽ duy trì xu hướng ổn định từ giờ đến cuối năm”, vị lãnh đạo BIDV nói.

Ngân hàng Standard Chartered cũng điều chỉnh dự báo tỷ giá USD/VND đạt mức 24.500 vào cuối năm 2023 (so với mức 23.400 trước đó) và ở mức 23.500 (so với 23.000 trước đó) cho đến cuối năm 2024.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục