Không để xảy ra tâm lý găm giữ ngoại tệ chờ tỷ giá lên
Nêu định hướng chính sách tiền tệ thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, cơ quan này kiên định mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá.
“Hiện nay, giá vàng và giá USD đang tăng theo giá thế giới, cung cầu thị trường tại thời điểm nhất định lúc cao lúc thấp. Tuy vậy, doanh nghiệp cứ yên tâm với tỷ giá. Hiện tỷ giá vẫn đang biến động trong biên độ cho phép, chúng tôi khẳng định sẽ điều hành không để xảy ra tâm lý găm giữ ngoại tệ chờ tỷ giá tăng. Hiện nay, nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục tăng trưởng, các nguồn ngoại tệ khác cũng diễn biến tích cực… là cơ sở để ổn định tỷ giá”, Phó Thống đốc khẳng định.
Mặc dù có một số ý kiến lo ngại về tỷ giá nhảy múa, song theo lãnh đạo NHNN, thị trường phải chấp nhận cho lên xuống, nếu để cứng đơ thì không còn là kinh tế thị trường. Không thể có sự bất biến trong tỷ giá.
Ngân hàng không giảm lãi suất, doanh nghiệp sẽ “nghỉ chơi”
Về lãi suất, Phó Thống đốc cho rằng, hiện nay một số khoản vay của doanh nghiệp vẫn phải chịu lãi suất cao (chủ yếu là những khoản vay cũ). Tuy quyền quyết định lãi suất cho vay ở mức nào là của ngân hàng thương mại, song lãnh đạo NHNN nhắc nhở, các ngân hàng phải điều hành lãi suất phù hợp với mặt bằng chung.
Bên cạnh thực hiện chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ thì việc giảm lãi suất còn là yêu cầu bắt buộc để ngân hàng cạnh tranh lẫn nhau. Ngân hàng nào cố tình duy trì lãi suất cho vay cao sẽ bị doanh nghiệp “nghỉ chơi”.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, điều hành lãi suất thời gian tới sẽ theo hướng ổn định, hạ thêm nữa khi có điều kiện, kể cả lãi suất điều hành cũng có thể giảm thêm nếu điều kiện phù hợp.
Do đó, lãnh đạo NHNN nhắc nhở các ngân hàng thương mại phải tính toán, không thể khư khư giữ lãi suất cao vì sẽ “không ai chơi” trong bối cảnh thị trường ngày càng công khai, minh bạch về giá cả, lãi suất.
“Hiện cả nước có hơn 100 ngân hàng lớn nhỏ, chưa kể các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, quỹ tín dụng nhân dân… Không có cớ gì mà doanh nghiệp phải phụ thuộc vào một ngân hàng. Đây là quyền lựa chọn của người đi vay theo cơ chế thị trường. Nếu không có doanh nghiệp thì ngân hàng sống với ai? Ngân hàng cần doanh nghiệp. Doanh nghiệp khỏe, làm có lãi thì mới trả nợ được cho ngân hàng. Thế nên cần phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu ngân hàng chỉ nhìn vào việc đạt chỉ tiêu lợi nhuận mà không chịu hạ lãi suất thì sao ổn", Phó Thống đốc nhắc nhở.
Vì vậy, bên cạnh nhóm big 4 đã tiên phong hạ sâu lãi suất, Phó Thống đốc yêu cầu các ngân hàng tiếp tục chủ động giảm lãi suất cho vay, nhất là với các khoản vay cũ.
Tất nhiên, khi lãi suất giảm sâu, sự ổn định tỷ giá có nguy cơ bị phá vỡ, ảnh hưởng tới vay nợ nước ngoài, xếp hạng tín nhiệm quốc gia… Đây là điều buộc NHNN phải cân nhắc hài hòa nhiều yếu tố trong điều hành chính sách tiền tệ.
Đại diện của NHNN cũng thừa nhận, điều hành lãi suất là bài toán khó nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô hiện nay.