Kỳ vọng hệ thống giao dịch mới và T+0

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2020, thị trường chịu tác động mạnh bởi Covid-19 nhưng có một cái kết “có hậu” khi lập kỷ lục về thanh khoản và điểm số tăng cao. Các thành viên thị trường kỳ vọng năm 2021 sẽ có những thay đổi mang tính đột phá để thị trường phát triển bền vững.
Năm 2021, triển khai hệ thống giao dịch mới là nhiệm vụ trọng tâm của HOSE. Năm 2021, triển khai hệ thống giao dịch mới là nhiệm vụ trọng tâm của HOSE.

Kích thích dòng vốn

Lãi suất năm 2020 ở mức thấp đã dẫn đến sự dịch chuyển dòng vốn từ kênh tiết kiệm ngân hàng sang kênh đầu tư chứng khoán, góp phần giúp thanh khoản trên thị trường chứng khoán tăng mạnh. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, giá trị giao dịch trên sàn chứng khoán dù tăng cao nhưng vẫn là con số rất nhỏ so với lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng hiện có hơn 5 triệu tỷ đồng.

Theo ông Quỳnh, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền từ kênh tiết kiệm và số lượng tài khoản chứng khoán mở mới cũng như tài khoản có hoạt động (active) tăng lên. Hiện tại, trên thị trường có hơn 2,7 triệu tài khoản chứng khoán, tăng 12,2% so với đầu năm, nhưng mới chỉ có khoảng 290.000 tài khoản hoạt động.

Nhìn lại diễn biến thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh khối ngoại liên tiếp rút ròng, dòng vốn trong nước - chủ yếu của các nhà đầu tư cá nhân - đã thúc đẩy chỉ số VN-Index hồi phục sau khi lao dốc vì đại dịch Covid-19.

Trong 1 tháng gần đây, chỉ số vượt ngưỡng 1.000 điểm và thiết lập đỉnh mới kể từ giữa năm 2018, hòa với nhịp tăng của thị trường thế giới. Yếu tố lãi suất thấp đã hỗ trợ rất lớn cho thị trường chứng khoán. Mặt bằng lãi suất thấp được dự báo sẽ kéo dài và dòng vốn rẻ tiếp tục tạo động lực cho thị trường phát triển trong năm 2021.

Ông Vũ Bằng, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đánh giá, có nhiều dư địa để kinh tế tăng trưởng trong năm 2021. Song để thúc đẩy tăng trưởng, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế số, xây dựng chính phủ điện tử, tăng cường thu hút đầu tư…

“Trong năm 2021, dòng vốn rẻ sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Triển vọng sáng của kinh tế và chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút sự quan tâm của các tổ chức đầu tư nước ngoài”, ông Bằng nhận định.

Nhiều thành viên thị trường cùng chung góc nhìn, với nền tảng đạt được trong năm 2020, sự điều hành linh hoạt và các giải pháp hiệu quả của Chính phủ, nền kinh tế sẽ duy trì được động lực phát triển ổn định trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Theo đó, thị trường chứng khoán có cơ hội phát triển cả về quy mô và chất lượng, nhất là khi hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán tập trung dự kiến diễn ra sôi động.

Kỳ vọng những thay đổi lớn

Ông Lê Hải Trà, Phụ trách Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, thị trường chứng khoán vừa qua ghi nhận thanh khoản tăng rất cao. Theo số liệu của Top 20 công ty chứng khoán hàng đầu, số lượng lệnh từ đầu năm đến nay tăng từ 3 - 12 lần so với năm trước. Đây là con số đột biến. Trong khi đó, năng lực dự phòng của hệ thống giao dịch có giới hạn, có thể dẫn đến tình trạng không đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Hiện tại, hệ thống giao dịch mới đang được HOSE cùng các bên liên quan đẩy mạnh triển khai, khi đi vào vận hành sẽ thay đổi toàn bộ nền tảng công nghệ thông tin của thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Hệ thống giao dịch mới dự tính được hoàn thành trong năm 2020. Tuy nhiên, do Covid-19, các chuyên gia của nhà thầu xây dựng hệ thống không thể sang Việt Nam để hoàn thiện các khâu cuối cùng. Do đó, việc đưa hệ thống vào vận hành bị chậm trễ. Năm 2021, triển khai hệ thống giao dịch này là nhiệm vụ trọng tâm của HOSE. Trước mắt, Sở đang đề xuất việc tăng đơn vị giao dịch lô chẵn từ 10 lên 100. Việc này sẽ làm giảm 18% lệnh giao dịch trên thị trường trong quá trình chờ hệ thống mới”, ông Trà chia sẻ.

Thực tế cho thấy, trong thời gian gần đây, hệ thống giao dịch có hiện tượng bị quá tải dẫn đến chậm thực hiện lệnh, thậm chí lệnh bị treo, khiến yêu cầu của nhà đầu tư về hệ thống mới càng trở nên cấp thiết. Bên cạnh đó, nhà đầu tư trông đợi nghiệp vụ giao dịch trong ngày (T+0) sẽ sớm được thực hiện.

Ông Dương Ngọc Tuấn, Phó giám đốc VSD cho biết, về mặt pháp lý,VSD đang phối hợp với các vụ chức năng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoàn tất các nội dung trong dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 203/2015/TT-BTC hướng dẫn giao dịch trên thị trường chứng khoán, trong đó có quy định về giao dịch trong ngày, nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định mới của Luật Chứng khoán năm 2019 (có hiệu lực từ 1/1/2021).

Về mặt hệ thống, VSD đang cùng với hai Sở giao dịch chứng khoán xây dựng hệ thống công nghệ thông tin để có thể sớm triển khai cơ chế giao dịch mới, qua đó tăng tính thanh khoản cho thị trường, đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư, cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo đánh giá của VSD, cơ chế giao dịch T+0 tương đối phức tạp và liên quan đến vấn đề xử lý rủi ro trong khâu thanh toán.

Do đó, bên cạnh nỗ lực của các tổ chức hạ tầng thị trường bao gồm VSD, các Sở giao dịch, tiến độ triển khai còn phụ thuộc vào tiến độ của các thành viên thị trường, nhất là trong vấn đề thiết lập cơ chế kiểm soát rủi ro và xử lý rủi ro trong trường hợp khách hàng mất khả năng thanh toán.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, trong năm 2021 sẽ tập trung hình thành Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, phân định lại thị trường chứng khoán theo hướng HOSE tập trung vào cổ phiếu, chứng quyền, chứng chỉ quỹ, còn HNX quản lý trái phiếu, thị trường phái sinh.

Với sự thay đổi theo hướng chuyên nghiệp và tập trung, thị trường chứng khoán sẽ có bước phát triển bền vững hơn.

Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt

Dòng tiền thông minh được hỗ trợ bởi lãi suất thấp đã tìm đến các kênh đầu tư có nhiều cơ hội và chứng khoán cho thấy là kênh đầu tư hiệu quả khi có sự thăng hoa trong giai đoạn vừa qua. Thị trường còn được hỗ trợ bởi dòng tiền từ các quỹ ETF nội. Bên cạnh đó, dòng vốn của các công ty chứng khoán ngoại đổ vào thị trường chứng khoán thông qua nghiệp vụ giao dịch ký quỹ (margin) rất lớn, với hơn 10.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% margin toàn thị trường. Đồng tiền Việt Nam chịu áp lực tăng giá tạo điều kiện cho công ty chứng khoán ngoại huy động tiền rẻ để cấp margin tại thị trường.

Năm 2021, khi thị trường duy trì được dòng vốn rẻ, đồng thời lạm phát được kiểm soát, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trưởng. Dù vậy, mức tăng sẽ ghi nhận theo hướng bền vững hơn.

Ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Thị trường chứng khoán năm 2021 nhiều khả năng tiếp tục tăng trưởng so với năm 2020, nhưng tốc độ phần nào bị hạn chế do hầu hết các yếu tố hỗ trợ trong nửa cuối năm cũ sẽ không gia tăng về cường độ, thậm chí suy yếu trong năm mới.

Mức cao nhất trong năm 2021 của các chỉ số chính được dự báo tăng 8 - 15% so với cuối năm 2020. Về mặt thanh khoản, khối lượng giao dịch trung bình trong năm 2021 có thể tăng 5 - 8%.

Tôi cho rằng, năm 2020 có nhiều biến động của kinh tế toàn cầu do tác động của đại dịch Covid-19 sẽ để lại hậu quả và rủi ro tiềm ẩn trong năm 2021.

Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô của Việt Nam được duy trì ổn định, trong đó, điểm sáng là tăng trưởng kinh tế ở mức khả quan, lạm phát được kiểm soát, tỷ giá ổn định, mặt bằng lãi suất thấp... sẽ mở ra cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả và là động lực chính nâng đỡ thị trường chứng khoán trong dài hạn.

So sánh tương quan giữa rủi ro và cơ hội, xu hướng đầu tư trong năm 2021 nhiều khả năng sẽ quay về những ngành cơ bản thiết yếu là đầu vào quan trọng cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới như điện (cả truyền tải điện và sản xuất điện), sản xuất vật liệu xây dựng cơ bản (xi măng, thép, gỗ, đá), sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Đây cũng là các nhóm ngành được hưởng lợi từ chủ trương đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ thông qua các dự án xây dựng mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục