5 năm chờ triển khai T+0
Việc cho phép vừa mua, vừa bán chứng khoán trong ngày là một trong những cơ chế giao dịch được quy định tại Thông tư 203/2015/TT-BTC nhằm góp phần cải thiện thanh khoản, đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa được thực hiện trong sự sốt ruột của nhà đầu tư và nhiều thành viên thị trường.
Theo CTCK Bảo Việt, T+0 nếu được triển khai sẽ là cột mốc đánh dấu sự phát triển mới của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cơ chế này không những góp phần tăng tính thanh khoản cho thị trường, mà còn đem lại nhiều lựa chọn giao dịch hơn cho nhà đầu tư, có thể giúp các nhà đầu tư giảm thiểu “rủi ro T+3” (theo quy định hiện hành, nhà đầu tư chỉ được bán ra cổ phiếu sau 2 ngày kể từ ngày mua vào) trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động ngày càng nhanh và khó lường hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích, việc cho phép giao dịch chứng khoán trong ngày cũng chứa đựng rủi ro nhất định trong việc triển khai nếu chưa có sự đồng bộ về cơ chế, chính sách, cũng như hệ thống công nghệ giữa các cơ quan quản lý và thành viên thị trường.
Rủi ro mất khả năng thanh toán luôn tiềm ẩn trong quá trình thực hiện giao dịch nếu thiếu một quy trình quản lý rủi ro một cách nghiêm túc, chặt chẽ.
Thực tế, vướng mắc lớn nhất trong triển khai T+0 vẫn là khả năng quản lý rủi ro từ phía thành viên thị trường.
Với hệ thống hiện tại, hàng năm vẫn có nhiều trường hợp cần sửa lỗi giao dịch, lùi thời hạn hoặc hủy bỏ thanh toán do việc kiểm soát ký quỹ không tốt. Đáng chú ý, tình trạng này diễn ra ở cả những công ty chứng khoán hàng đầu, chứ không chỉ công ty chứng khoán nhỏ.
Ngoài ra, giao dịch trong ngày được đánh giá là kỹ thuật giao dịch rất phức tạp, có tính rủi ro cao nên chỉ phù hợp với các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp. Đối với nhà đầu tư cá nhân, tại một số thị trường, giao dịch trong ngày chỉ được áp dụng kèm theo những điều kiện nhất định.
Lý giải việc chậm trễ trong triển khai T+0, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cho biết, để triển khai thành công bất kỳ sản phẩm hay nghiệp vụ mới nào của thị trường chứng khoán, bên cạnh sự sẵn sàng về hệ thống công nghệ thì còn cần đến sự hoàn thiện đồng bộ về cơ chế, chính sách, đặc biệt là cơ chế khắc phục các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện.
Theo ông Sơn, với giao dịch T+0, hiện nay, về mặt pháp lý đã có quy định tại Thông tư 203/2015/TT-BTC.
Còn về hệ thống, VSD hiện đang xây dựng hệ thống công nghệ thông tin trong tổng thể Gói thầu 04 cùng với 2 Sở Giao dịch chứng khoán để có thể sớm triển khai hoạt động.
Tuy nhiên, do đây là cơ chế giao dịch mới, tương đối phức tạp, đặc biệt liên quan đến vấn đề xử lý rủi ro trong khâu thanh toán, nên để triển khai thành công, bên cạnh sự nỗ lực của các tổ chức hạ tầng thị trường bao gồm VSD và các sở giao dịch chứng khoán, tiến độ triển khai còn phụ thuộc vào các thành viên thị trường, nhất là trong vấn đề thiết lập cơ chế kiểm soát và xử lý rủi ro trong trường hợp khách hàng mất khả năng thanh toán.
"Theo tôi, đây là một trong những điều kiện tiên quyết để cơ chế giao dịch mới này được triển khai thành công. Bên cạnh đó, VSD cũng đang nghiên cứu xây dựng các quy trình, quy chế hướng dẫn; lập kế hoạch tập huấn nghiệp vụ cho thành viên để có thể triển khai nghiệp vụ này sau khi hệ thống công nghệ thông tin mới của thị trường được đưa vào sử dụng”, ông Sơn nói.
Chia sẻ thêm về qua trình chuẩn bị cho hệ thống công nghệ, ông Sơn cho biết, công nghệ thông tin là nền tảng quan trọng đảm bảo cho thị trường vận hành an toàn, hiệu quả, thông suốt, cũng như phát triển các sản phẩm dịch vụ mới.
Với ý tưởng hình thành hệ thống công nghệ thông tin thống nhất cho toàn thị trường kết nối trực tiếp từ khâu đăng ký, lưu ký giao dịch đến bù trừ thanh toán, thực hiện quyền và các sản phẩm gia tăng cho thị trường, gói thầu “Thiết kế, lắp đặt cung cấp và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin” đã được 2 Sở Giao dịch chứng khoán và VSD phối hợp với nhà thầu triển khai dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Đến nay, các hạng mục của gói thầu về cơ bản đã dần được hoàn thiện và đi đến những giai đoạn cuối cùng.
“Hệ thống công nghệ thông tin mới đi vào hoạt động với các tính năng nghiệp vụ mới, đa dạng, hướng đến chuẩn mực và thông lệ quốc tế được kỳ vọng sẽ hỗ trợ đáng kể cho các sản phẩm, dịch vụ mới như T+0, dịch vụ quản lý chứng khoán thế chấp tại VSD, mô hình đối tác thanh toán trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở, các sản phẩm phái sinh mới như hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai cổ phiếu, các sản phẩm phái sinh chứng khoán với các tài sản cơ sở là tiền tệ và hàng hóa…”, ông Sơn nhấn mạnh.
NVDR, cần đẩy nhanh tiến độ
Bên cạnh T+0, nhà đầu tư và các thành viên thị trường cũng chờ đợi việc triển khai chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) như là một giải pháp đột phá trong việc gỡ nút thắt sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại nhiều doanh nghiệp hiện nay.
Trên thế giới, sản phẩm NVDR đã xuất hiện cách đây 80 năm và tại Đông Nam Á, sản phẩm này đã có mặt ở Thái Lan từ năm 2000, giúp thị trường này cải thiện mạnh mẽ giao dịch nhà đầu tư nước ngoài.
Còn tại Việt Nam, việc nghiên cứu triển khai NVDR đã được thảo luận từ lâu và gần đây có bước tiến lớn khi được “định danh” trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Chứng khoán 2019, nhưng để triển khai còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Theo bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó tổng giám đốc CTCK Agribank (AGR), hiện có 3 vướng mắc chính trong quá trình triển khai NVDR: Thứ nhất là chưa có quy định cụ thể hướng dẫn chi tiết về phát hành, cơ chế giao dịch, cũng như phân bổ quyền biểu quyết; thứ hai là chưa có một thiết chế vận hành với tư cách là tổ chức phát hành NVDR (theo mô hình của Thái Lan thì một công ty con của sở giao dịch chứng khoán sẽ đảm nhận việc này); thứ ba là nền tảng hạ tầng hiện tại chưa đáp ứng được việc triển khai NVDR.
“NVDR là sản phẩm tài chính phức tạp, nếu muốn đưa ra thị trường thì cần có thêm thời gian nghiên cứu thấu đáo, đồng thời phải xem xét kỹ lưỡng để đáp ứng đồng thời nhiều mục tiêu, chứ không đơn thuần chỉ là để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, hệ thống pháp lý hiện hành chưa mở ra cơ chế cho việc thành lập đơn vị đứng ra mua cổ phiếu trên thị trường và phát hành NVDR tương ứng cũng gây khó cho việc triển khai giải pháp này.
Mặc dù vậy, tôi kỳ vọng các vướng mắc sẽ được giải quyết trong 1-2 năm tới để sớm ra mắt sản phẩm. Đây sẽ là cú huých lớn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung, các cổ phiếu đang hết room ngoại nói riêng, giúp đẩy mạnh việc thu hút dòng vốn ngoại, gia tăng tính thanh khoản cho thị trường và có thêm nhiều sự lựa chọn hơn cho các nhà đầu tư”, bà Lan nói.
Giới phân tích cũng nhìn nhận, để sớm triển khai T+0 hay NVDR, các giải pháp cần sớm thực hiện là đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống công nghệ, cải thiện nền tảng giao dịch, thanh toán bù trừ…
Cùng với đó, cần mở rộng khả năng tiếp cận vốn để mua chứng khoán của nhà đầu tư như kéo dài hợp đồng vay ký quỹ (margin), hạ tỷ lệ ký quỹ, giảm hoặc miễn thuế giao dịch chứng khoán, thuế cổ tức cho nhà đầu tư trong một khoảng thời gian nhất định...